Bí mật đằng sau cách ứng xử khiến cả thế giới ngưỡng mộ của trẻ em Nhật

Phản ứng của trẻ em Nhật khi thấy có người đánh rơi ví trên đường, thói quen nói lời cảm ơn trước khi ăn… chỉ là một trong rất nhiều điều thế giới ngưỡng mộ trước cách ứng xử của những đứa trẻ ở đất nước mặt trời mọc.

Không còn nghi ngờ gì nữa, Nhật Bản quả thực là một đất nước “trong mơ” của rất nhiều người. Người Nhật chưa bao giờ khiến cho phần còn lại của thế giới ngừng ngạc nhiên về sự bền bỉ, khả năng tự kiểm soát, nỗ lực sống hòa hợp với thiên và ý thức tình đoàn kết – ý thức dân tộc. Những điều này chỉ là một vài ví dụ trong rất nhiều những đặc điểm tính cách tốt đẹp của người Nhật.
Với sự ngưỡng mộ sâu sắc những con người phi thường này, chúng tôi muốn chia sẻ với các bạn điều chúng tôi nhận thấy ở cách người Nhật giáo dục con trẻ.

Trẻ em Nhật
Trong những năm đầu đời của con, mẹ Nhật thường dành toàn thời gian ở nhà chăm con.

Một trong những điều đầu tiên du khách ấn tượng khi tới mảnh đất mặt trời mọc đó là sự thấu hiểu giữa các thế hệ. Dường như trẻ em Nhật không bao giờ ăn vạ. Có thể một trong những lý do chính ở đất nước bình dị này là truyền thống lịch sử hàng thế kỷ bắt buộc những ông bố bà mẹ phải luôn giữ con trẻ ở bên mình.

Từ thời xa xưa, những người mẹ Nhật đã cố gắng xoay xở vừa làm việc nhà, vừa chăm sóc con cùng một lúc. Hàng thế kỷ trước, những người mẹ đã sử dụng những cái khăn để buộc con vào người. Khi họ mang con bên mình, họ nói chuyện với chúng và giải thích mọi điều với chúng. Điều này giúp những đứa trẻ phát triển và đảm bảo một điều rằng chúng cảm giác mình có mối liên hệ mật thiết với đời sống thường nhật của gia đình từ khi còn rất bé. Kết quả là, những đứa trẻ thậm chí biết nói trước khi biết đi.
Trẻ em Nhật
Từ khi còn rất bé, những đứa trẻ ở Nhật đã được dạy chú ý đến cảm xúc – cảm xúc của riêng chúng và cảm xúc của những người xung quanh.

Thường thì trẻ em ở Nhật sẽ ở nhà với mẹ ba năm đầu tiên trước khi chúng đi học mầm non. Cũng có những lớp trông trẻ ở Nhật nhưng phần lớn các bậc cha mẹ thích tự chăm sóc con mình ở nhà hơn. Và họ cũng không muốn ủy thác việc chăm sóc con của mình cho ông bà.

Từ khi còn rất bé, những đứa trẻ ở Nhật đã được dạy chú ý đến cảm xúc – cảm xúc của riêng chúng và cảm xúc của những người xung quanh, thậm chí cảm xúc của các đồ vật trong nhà. Ví dụ, nếu một cậu bé quá tức giận mà làm vỡ cái ô tô đồ chơi, mẹ cậu bé sẽ không mắng mỏ cậu bé là nghịch ngợm mà sẽ nói “Hãy nhìn những gì con vừa làm này. Bạn đồ chơi đang đau đó”.
Ở Nhật, người mẹ không phải chịu toàn bộ trách nhiệm chăm sóc con cái, người cha luôn sẵn sang giúp một tay và cố gắng dành nhiều thời gian nhất cho con của mình. Những đứa trẻ Nhật gần như được tắm mình trong vòng tay yêu thương và sự quan tâm của cha mẹ. Cha mẹ luôn cố gắng tránh la mắng trẻ nhỏ, không sử dụng các biện pháp trừng phạt với con trẻ. Và cùng với điều đó, trẻ em Nhật có xu hướng cảm thấy có lỗi thực sự mỗi khi chúng làm điều gì khiến cha mẹ buồn.
Trẻ em Nhật

Ở Nhật, người cha luôn chung tay chăm sóc các con cùng người mẹ.

Từ khi còn nhỏ, trẻ em Nhật đã được dạy về tầm quan trọng của việc không được làm phiền đến người khác,về cách cư xử lịch sự cũng như mong chờ người khác cư xử lịch thiệp lại với mình. Trong văn hóa Nhật, việc thể hiện sự không hài lòng bằng ánh mắt và ngữ điệu đã trở thành truyền thống và trẻ em Nhật luôn phải giải mã những thông điệp không lời của cha mẹ.

Tựu chung lại, trẻ em Nhật không bao giờ cảm thấy thiếu thốn tình yêu thương và sự quan tâm của cha mẹ. Từ lúc còn bé, chúng đã được học những quy tắc để sống trong một tập thể. Chắc chắn rằng, phong cách nuôi dạy trẻ này sẽ khác hầu hết phong cách nuôi dạy trẻ ở những đất nước khác. Và đối với một số người, có vẻ như chính cách nuôi dạy này có gì đó mâu thuẫn với chính nó. Nhưng với cách nuôi dạy trẻ đã có lịch sử hàng trăm năm, được thời gian kiểm chứng này, nước Nhật đã đào tạo ra những con người kỉ luật, yêu nước và đầy tinh thần trách nhiệm.
 Theo afamily

Leave a Reply

Or