Bầu bí nên và không nên ăn gì?

Ăn đồ ngọt trong thời kỳ mang thai là cần thiết nhưng nên dừng ở mức độ vừa phải.

Ăn uống là một trong các yếu tố quyết định vấn đề sức khỏe của mẹ trong giai đoạn thai kỳ và sức khỏe thai nhi. Ấy vậy mà mình thấy nhiều mẹ bầu không hề để ý đến chế độ dinh dưỡng, thậm chí còn tiếp tục duy trì thói quen ăn uống thiếu lành mạnh.

Mình đến nay là vừa sinh cháu thứ ba được 8 tháng, còn cháu lớn đã 15 tuổi. Qua 3 lần sinh nở nên cũng tích lũy được chút kiến thức về câu chuyện dinh dưỡng cho mẹ và cho con. Theo mình tìm hiểu thì các nghiên cứu khoa học ngày nay đều cho thấy rằng một chế độ ăn uống giàu dinh dưỡng và lành mạnh trong thời kỳ mang thai sẽ giúp trẻ phát triển khỏe mạnh, phòng ngừa nhiều bệnh tật như bệnh tim, tiểu đường, béo phì và nhiều loại ung thư. Để làm được điều này cũng không quá khó, các mẹ bầu chỉ cần làm tốt công thức “NÊN” và “KHÔNG NÊN” dưới đây:

NÊN

Một, lựa chọn các loại thực phẩm nhiều hơn một công dụng

Có rất nhiều loại thực phẩm hết sức gần gũi và dễ có mà lại cung cấp hàm lượng dưỡng chất đa dạng, phong phú, chẳng hạn như thịt gà, thịt bò, trứng, các sản phẩm từ sữa, sữa chua, bơ đậu phộng. Đây đều là các thức ăn cung cấp protein, canxi và sắt cho sự phát triển của thai nhi. Vì thế, trong thời kỳ mang thai mình luôn ưu tiên các loại thịt lợn nạc, thịt bò do chúng có chứa nhiều protein cùng với vitamin B, sắt và kẽm; đồng thời mình cũng uống nhiều nước cam để bổ sung folate (một loại vitamin B giúp ngăn ngừa khuyết tật ống thần kinh) và vitamin C (giúp hấp thụ chất sắt từ thực phẩm). Ngoài ra, ngũ cốc nguyên hạt chứa nhiều chất xơ, vitamin B, magiê và kẽm cũng là một nguyên liệu cần được các mẹ ưu tiên khi chế biến món ăn.

Bầu bí nên và không nên ăn gì? - 1
Có rất nhiều loại thực phẩm hết sức gần gũi và dễ có mà lại cung cấp hàm lượng dưỡng chất đa dạng, phong phú. (ảnh minh họa)

Hai, đừng nghĩ rằng bạn cần phải ăn cho hai người

Mình thấy rất nhiều phụ nữ khi mang thai có tâm lý ăn thật nhiều với suy nghĩ “ăn cho hai người”. Mẹ mình thì lúc nào cũng động viên con: “Ăn nhiều vào con ạ, phần này ăn cho con, con phần này ăn cho cháu mẹ nữa!”. Trên thực tế, chỉ trong tam cá nguyệt thứ hai và thứ ba phụ nữ mang thai mới cần thêm 300g calo mỗi ngày. Theo chuyên gia sức khỏe bà mẹ và trẻ em, Karen Nordahl, giáo sư Đại học British Columbia tại Vancouver thì: “Bà bầu cũng như người bình thường, chỉ nên ăn đến khi không thấy đói chứ không nên ăn cho đến khi cảm thấy no. Ăn quá nhiều dẫn đến thừa chất là một nguyên nhân dẫn đến bệnh huyết áp cao và tiểu đường thai kỳ”.

Ba, duy trì kết cấu bữa ăn hợp lý với:

– 9 phần ngũ cốc (bánh mì, cơm, mì ống…)

– 2-3 phần thực phẩm giàu protein: thịt, gia cầm, cá, đậu, trứng và nhóm các loại hạt

– 4 phần rau

– 3 phần trái cây

– 3 phần sữa, sữa chua và pho mát.

Bốn, tránh những thực phẩm nguy hiểm

Mình rất lấy làm lạ vì có nhiều mẹ bầu mà vẫn ăn các loại đồ ăn kém lành mạnh như đồ sống, đồ tái (gỏi cá, cá sống, trứng trần, nem chua,…) hay ăn các loại đồ ăn sẵn không rõ nguồn gốc và có chứa nhiều chất bảo quản. Điều này là tối kỵ bởi trong đồ ăn sống có thể chưa vi khuẩn và ký sinh trùng, nặng thì có thể gây nhiễm trùng nghiêm trọng dẫn đến sảy thai, sinh non hoặc thai chết lưu. Để giảm thiểu nguy cơ này, bà bầu cần đảm bảo ăn chín, uống sôi và nấu lại tất cả đồ ăn thừa. Đồng thời, tránh các loại thực phẩm có chứa hoặc nghi ngờ có chứa những thành phần không tốt cho sức khỏe.

KHÔNG NÊN

Một, ăn nhiều đồ ngọt

Ăn đồ ngọt trong thời kỳ mang thai là cần thiết nhưng nên dừng ở mức độ vừa phải. Nguyên nhân là do, chức năng thải đường của bà bầu sẽ giảm, nếu như lượng đường trong máu cao thì thận của phụ nữ mang thai sẽ làm việc quá tải, không có lợi cho sức khỏe của mẹ. Đồng thời, ăn quá nhiều đồ ngọt cũng là một nguyên nhân gây quá cân ở thai nhi.

Bầu bí nên và không nên ăn gì? - 2
Ăn đồ ngọt trong thời kỳ mang thai là cần thiết nhưng nên dừng ở mức độ vừa phải. (ảnh minh họa)

Hai, quên uống vitamin tổng hợp mỗi ngày

Theo một chuyên gia dinh dưỡng cũng là một đầu bếp tại New York thì: “Một người bình thường có thể nhận được tất cả các chất dinh dưỡng cẫn thiết từ thực phẩm thông qua một chế độ ăn uống hợp lý. Còn đối với phụ nữ mang thai, việc ăn uống thôi chưa đủ, bạn nên bổ sung viên uống vitamin tổng hợp hàng ngày trước và trong thời kỳ mang thai để bù đắp hàm lượng vitamin và khoáng chất thiếu hụt.”

Ba, lười uống nước và ăn ít thực phẩm có chất xơ

Ngày có bầu, lúc làm việc thì có một cốc nước trước mặt, bất kể đi đâu mình cũng mang dự phòng một chai nước để không bỏ uống nước thường xuyên. Uống nhiều nước đối với phụ nữ mang thai rất tốt, giúp tránh mất nước và ngăn ngừa táo bón. Cũng để phòng ngữa táo bón, bạn nên ăn nhiều loại thực phẩm có chứa nhiều chất xơ như bánh mì, ngũ cốc nguyên hạt và mỳ ống, cùng với trái cây và rau củ. Các mẹ nên đảm bảo cung cấp ít nhất 25-35g chất xơ cho cơ thể mỗi ngày.

Bốn, ăn cá có hàm lượng thủy ngân cao

Ăn cá rất tốt cho bà bầu, tuy nhiên các loại cá có hàm lượng thủy ngân cao lại ảnh hưởng không tốt đến sức khỏe của mẹ và bé. Do đó, các bạn đặc biệt lưu ý không ăn cá mập, cá thu, cá kình và cá kiếm trong thời kỳ mang thai. Lựa chọn cá loại cá an toàn như cá da trơn, cá hồi hay ăn một số loại thủy hải sản khác như tôm và cua.

Chia sẻ của chị Hà Thủy gửi từ email namlunthongthai@..

 

theo: eva

Leave a Reply

Or