Vai trò của gia đình trong giáo dục nhân cách con trẻ

“Gia đình là môi trường giáo dục đầu tiên và có tính quyết định việc hình thành nhân cách của trẻ …

… Nhà trường và xã hội là những môi trường giáo dục quan trọng, song chỉ có thể phát huy hiệu quả khi lấy giáo dục gia đình làm cơ sở”. Đó là ý kiến của Phó hiệu trưởng Trường THPT Hà Thành (Hà Nội) Nguyễn Tường Lan trong buổi nói chuyện về chuyên đề “Vai trò của gia đình trong việc giáo dục con trẻ” nhân dịp chào mừng Ngày hội gia đình Việt Nam 28.6.

a

Giáo dục gia đình đối với con trẻ chưa được coi trọng

Gia đình luôn giữ vai trò hàng đầu, là yếu tố quyết định đối với việc bảo vệ, chăm sóc, giáo dục trẻ em. Trẻ em là thành phần quan trọng cấu thành gia đình. Quan hệ huyết thống và quan hệ nuôi dưỡng chính là hai trong ba mối quan hệ cơ bản tạo nên gia đình. Cha mẹ và các thành viên trong gia đình là những người gần gũi mật thiết thường xuyên ở bên cạnh trẻ em, việc chăm sóc con trẻ không chỉ là trách nhiệm mà còn là “bản năng” của họ. Hạnh phúc của cha mẹ là được thấy con cái nên người. Ngược lại, nếu con cái hư hỏng sẽ là một nỗi đắng cay phiền muộn. Kết quả đáng mừng hay đáng tủi ấy tuỳ vào sự bận tâm giáo dục của cha mẹ ngay từ đầu. Vì vậy, giáo dục con cái không phải chỉ là một bổn phận quan trọng, mà còn là một vinh dự lớn lao của bậc làm cha làm mẹ. Mỗi bậc làm cha mẹ hãy coi việc bảo vệ chăm sóc, giáo dục con cái không phải là một việc tuỳ hứng, mà cần có một đường hướng, một kế hoạch khoa học với những kiến thức, kỹ năng và những phương pháp phù hợp. Chăm sóc phải gắn liền với bảo vệ. Phải xác định gia đình chính là nơi an toàn nhất cho trẻ em.

Con cái luôn cần sự động viên, nâng bước của gia đình

Mỗi đứa trẻ gắn bó và lắng nghe những âm thanh của cuộc sống đầu tiên từ cha mẹ mình. Khi người mẹ mang thai, trong gia đình đã có ý thức giáo dục trẻ từ việc lựa chọn thực phẩm dinh dưỡng để trẻ sinh ra khỏe mạnh. Rồi khi đứa trẻ chào đời, được tiếp xúc với văn hóa dân tộc từ lời ru, giọng hát của bà của mẹ, tiếp xúc với ngôn ngữ dân tộc từ lời nói của cha mẹ. Người đầu tiên chỉ dạy bé cách đi đứng, nói năng chính là cha mẹ, ông bà và những người thân trong gia đình. Vì thế, có thể nói, khi con người chưa có hiểu biết về mình, về xã hội thì đã được định hướng và chỉ dạy từ gia đình; đứa trẻ tiếp xúc với môi trường giáo dục đầu tiên, trường học đầu tiên ấy cũng là gia đình.

Kinh tế – xã hội khởi sắc, đời sống của phần lớn gia đình được nâng lên, việc giáo dục thế hệ trẻ có điều kiện thuận lợi; con trẻ có cơ hội vươn lên khẳng định mình trong sự phát triển lành mạnh của gia đình và xã hội. Thế nhưng yếu tố mở của kinh tế thị trường tỉ lệ thuận với sự “ô nhiễm” về văn hóa. Mặt khác nhiều cha mẹ quá bận rộn với công việc đến nỗi không biết con mình đang làm gì, cảm thấy thế nào. Có những điều thực sự giản đơn con trẻ cần từ cha mẹ, cân bằng giúp bé cảm thấy mình được cha mẹ yêu thương, nhưng cha mẹ không nhận ra. Nhà giáo Tường Lan đưa ra lời cảnh báo về nguy cơ tan biến của giáo dục gia đình trong thời điểm hiện nay trước tác động của môi trường xã hội, của các loại văn hóa phẩm độc hại, của lối sống Tây hóa thực dụng trong giới trẻ. Hiện nay, không ít cha mẹ lo nuôi con nhiều hơn đầu tư cho việc dạy chữ, dạy con làm người, cũng không ít đấng phụ mẫu coi trọng việc giáo dục con cái phát triển toàn diện, song do kiến thức và năng lực hạn chế nên hiệu quả giáo dục thấp. Đáng buồn hơn, nhiều bậc cha mẹ bỏ quên vai trò làm người thầy của con, phó mặc việc giáo dục con cho nhà trường, nhất là khi trẻ bắt đầu đi học.

Gia đình là tế bào của xã hội, nơi con người sinh ra và lớn lên, nơi thế hệ trẻ được chăm lo cả về thể chất, trí tuệ, đạo đức; Là môi trường giáo dục đầu tiên và có tầm quan trọng quyết định việc hình thành nhân cách của trẻ. Giáo dục nhà trường, xã hội là những môi trường giáo dục rất quan trọng, song vai trò của nó chỉ có thể được phát huy một cách có hiệu quả, khi lấy giáo dục gia đình làm cơ sở. Khác với giáo dục trong nhà trường là dựa vào trách nhiệm và nghĩa vụ của học sinh, trong gia đình, việc, dạy dỗ con cái diễn ra trên cơ sở tình cảm yêu thương và tin cậy lẫn nhau giữa cha mẹ và con. Chính vì vậy, những tác động của cha mẹ dễ được trẻ tiếp nhận hơn. Nhà giáo Tường Lan khẳng định: “Cuộc sống tràn đầy tình yêu giữa những người ruột thịt là điều kiện tốt nhất để giáo dục cho trẻ tình cảm, đạo đức và trách nhiệm đối với mọi người. Đây là điều mà nhà trường, các tổ chức xã hội khác khó có thể làm được”.

Con trẻ cần sự tương tác

Ở Việt Nam do đặc thù văn hóa, do bị chi phối bởi tình yêu thương nên đôi khi giáo dục trong gia đình bị hạn chế, bởi ở độ tuổi nào, con cái vẫn bị bố mẹ coi còn bé bỏng. Hay do thiếu phương pháp nên cha mẹ né tránh việc giáo dục giới tính cho con cái. Việc coi nặng vị thế “độc tôn, gia trưởng” mà thiếu đi sự tương tác, lắng nghe đối với con trẻ khiến khoảng cách giữa các gia đình cách xa, dẫn đến trẻ dễ bị cuốn theo những tệ nạn, tiêu cực khi cứ cố gắng khảng định bản thân. Vì vậy, cha mẹ cần phải có lý trí tỉnh táo để nuôi dạy con trong gia đình. Cha mẹ hãy dành thời gian, tham gia và các hoạt động của con, quan tâm và hỏi han về mỗi ngày của con, khích lệ động viên và thưởng cho hành vi tốt của con… Các bậc phụ huynh phải coi việc dạy dỗ con ở nhà là một trong những nhiệm vụ lớn. Hãy là những người mẹ, người cha, người thầy, người cô và là những người bạn tốt nhất của con mình. Mỗi ngày, cha mẹ hãy tạm gác những công việc của mình, bớt ra khoảng 10 – 15 phút để trò chuyện và chia sẻ cùng con. Bên cạnh việc dành thời gian trò chuyện cùng con, các bậc cha mẹ cũng phải nâng cao kiến thức, tìm hiểu những thay đổi cơ thể tâm sinh lý của con mình, tìm ra phương pháp giáo dục phù hợp với từng đứa trẻ ở từng giai đoạn trưởng thành.

Một trong những trở ngại lớn của môi trường giáo dục gia đình là khoảng cách giữa các thế hệ. Sự khác biệt trong quan niệm giáo dục giữa mọi người trong gia đình cần được khắc phục để cha mẹ và con cái luôn gần gũi, hiểu nhau hơn. Cha mẹ cần là người điều chỉnh, để không những chấp nhận, cảm thông ở mỗi vai trò của nhau mà còn cố gắng, kiên nhẫn, tìm hiểu, để ngày càng thích ứng chan hòa sống vui với con cái, đó là các phương pháp tốt để tiệm cận tới sự đúng đắn trong giáo dục nhân cách cho con trẻ.
Theo Kienthucgiadinh

Leave a Reply

Or