Tuyệt chiêu của mẹ hai con để bé không cắn ti

Khi bé cắn, Nhật Nguyên không la lên: ‘Ui da… Á… đau quá!’ vì bé sẽ nghĩ rằng đây là ‘trò chơi thú vị’ mà cần đẩy hàm dưới của bé xuống và rút ti ra luôn.

Giống như hầu hết các mẹ nuôi con nhỏ khác, chị Đào Vũ Nhật Nguyên (sống tại Melbourne, Australia) cũng từng phải “chảy nước mắt” vì bị bé cắn ti khi bú. Đó là một “kinh nghiệm đau thương” mà khi nuôi bé đầu lòng, chị chỉ biết “la làng” và chịu đựng. Sau đó, chị bắt đầu tìm đọc tài liệu viết về chăm sóc trẻ để hiểu được tâm lý, sự phát triển của con cũng như biết cách xử lý khi bé cắn.

Nhật Nguyên kể: “Bé Rơm mọc răng khá sớm, hai tháng tuổi đã mọc răng và lần nào bú mẹ cũng cắn. Mẹ phải hút sữa ra cho bé bú tới 5 tháng. Tới khi em 7 tháng tuổi thì mới có thể ti mẹ trực tiếp. Tới lượt em Ron cũng vậy. Nhưng lần này, mẹ đã ‘cao thủ’ hơn rồi nên giải quyết vấn đề không mấy khó khăn”.

10419592-1442814115999067-48187536920722

Chị Đào Vũ Nhật Nguyên và bà Amy Spangler, chuyên gia sữa mẹ quốc tế người Mỹ tại Hội thảo Liquid Gold về sữa mẹ tổ chức tại thành phố Melbourne, Australia vào tháng 8/2014.

Qua tìm hiểu, bà mẹ hai con tìm được nguyên nhân và cách mẹ xử lý không làm bé sợ. Chị đã chia sẻ kinh nghiệm của mình như sau: “Bé cắn ti mẹ có nhiều nguyên nhân. Đầu tiên là do khớp ngậm không đúng, tư thế bú không đúng. Khi bé ngậm đúng, lưỡi của bé sẽ trùm lên hàm dưới khi bú. Vì vậy, nếu bé cắn ti mẹ thì cũng đồng thời tự cắn lưỡi mình luôn. Một vài lần như vậy sẽ ‘chừa’, không cắn ti mẹ nữa. Tuy nhiên, nếu khớp ngậm sai thì khi cắn, chỉ có mẹ đau chứ bé không đau.Tư thế bú không phù hợp cũng là một nguyên nhân làm bé cắn. Nếu bé không được ‘attach’ (ôm, giữ) đúng khi bú thì cũng sẽ cắn mẹ, chẳng hạn như bé không được để gần ti mẹ, đủ để ngậm ti mà không mỏi cổ hoặc miệng bé hơi xa so với ti mẹ thì bé cũng sẽ cắn.

Thứ hai là do bé thiếu tập trung khi bú. Đối với các bé lớn, bắt đầu từ 4 tháng trở lên, nếu mẹ cho bú ở một nơi có nhiều tiếng ồn, đồ vật/đồ chơi thú vị hoặc có nhiều người qua lại thì rất dễ bị cuốn hút vào những hoạt động như vậy. Bé đang ngậm vú mẹ nhưng nếu có gì lạ hay bắt mắt thì lập tức quay sang nơi ấy trong khi vẫn còn ngậm ti mẹ.

Ba là, bé vừa bú vừa ngủ. Khi đang bú mà buồn ngủ thì bé thường không điều khiển được cơ miệng của mình nên thỉnh thoảng ti mẹ tuột khỏi miệng bé. Vì vậy, theo phản xạ tự nhiên bé sẽ ‘ngậm’ chặt lại để giữ núm vú mẹ.

Mẹ đang bận nói chuyện với ai đó, không chú ý đến bé hoặc sữa mẹ chưa xuống kịp cũng là nguyên nhân khiến bé cắn ti mẹ. Cũng có một số bé khi đã bú no và muốn ‘chơi’ với ‘bình sữa’ của mẹ nên ‘gặm một cái cho vui’. Bé đang mọc răng cũng hay cắn ti mẹ (hoặc bất cứ thứ gì có thể bỏ vào miệng) để đỡ cảm giác ngứa ngáy, khó chịu.

Ngoài những nguyên nhân trên thì còn một nguyên nhân nữa mà các mẹ phải đặc biệt chú ý, đó là trong miệng bé có thể có một vật thể lạ nào đó. Khi bé bắt đầu dùng miệng để khám phá thế giới thì hay bỏ vào miệng để nếm. Vì vậy, mẹ hãy cẩn thận kiểm tra xem bé có đang ngậm gì trong miệng không. Điều này tránh việc bé bị sặc, nghẹn khi bú và tránh vật thể lạ kẹt vào đường thở của bé, rất nguy hiểm

Khi bé cắn, mẹ tránh phản ứng bằng cách la lên: ‘Ui da… Á… đau quá!’ vì bé sẽ nghĩ rằng đây là ‘trò chơi thú vị’ nên sẽ tiếp tục cắn tiếp. Thay vào đó, mẹ hãy nhanh tay và nhẹ nhàng đưa một ngón tay vào miệng bé, đẩy hàm dưới của bé xuống để đầu vú bớt đau, đồng thời nghiêm khắc nhìn vào mắt bé và nói dứt khoát: ‘Không được! Không được cắn mẹ!’. Sau đó mẹ rút ti ra luôn.

Nếu không đưa ngón tay vào đẩy hàm dưới bé xuống mà rút ti ra thì mẹ sẽ đau hơn vì lúc đó hai hàm của bé đang ngậm chặt ti mẹ. Bé không thích khi đang bú mà bị rút ti ra như vậy nên lần sau bé sẽ hiểu rằng nếu mình còn cắn mẹ, mẹ sẽ không cho bú nữa. Mẹ tuyệt đối tránh làm bé hoảng sợ bằng cách đánh bé hoặc la hét. Nếu bé sợ thì mỗi lần thấy vú mẹ cũng sẽ sợ, dẫn tới từ chối bú mẹ luôn.

tu-ti_1434599259.jpg

Ảnh minh họa: B.B

Bên cạnh đó, từ các nguyên nhân trên, mẹ có thể tham khảo các cách dưới đây để hạn chế bé cắn ti mẹ:

– Chỉnh lại khớp ngậm cho phù hợp, tư thế thoải mái: Để tưởng tượng ra khớp ngậm đúng là như thế nào, các mẹ hãy thử làm một ví dụ sau đây: Đưa ngón tay cái vào miệng và bắt đầu mút. Các mẹ có cảm nhận được vòm miệng trên không? Đẩy ngón tay cái vào sâu trong nữa, sẽ cảm nhận được phần mềm ở phía trong cùng vòm miệng. Đó chính là vị trí đúng mà đầu ti cần chạm tới. Nếu khớp ngậm không đúng thì đầu ti sẽ tiếp xúc với phần cứng trên cùng của vòm miệng, dẫn tới việc đầu ti bị cọ xát liên tục, gây ra hiện tượng ‘nứt cổ gà’, đồng thời việc bú mút của bé không hiệu quả.

Tiếp theo, tư thế bú của bé. Hãy hình dung ra khi chúng ta uống một ly nước. Nếu ta gập cổ xuống thì đương nhiên không thể nuốt nước xuống được. Vì vậy, muốn uống nước thì ta phải ngửa cổ ra sau một chút. Do đó, đầu bé cần ngửa ra sau một chút mới có thể nuốt sữa mẹ được.

– Cho bé bú ở nơi yên tĩnh, vắng người, không có tiếng ồn làm mất tập trung của bé.

– Nếu bé vừa bú vừa ngủ, mẹ cần lưu ý là khi bé sắp ngủ, mẹ nên rút vú ra khỏi miệng bé bằng cách nhẹ nhàng đưa một ngón tay vào miệng bé (đang ngậm vú) để miệng bé há ra một chút trước khi rút vú ra.

– Nếu bé hay cắn ti mẹ ở đầu cữ bú do sữa không xuống kịp, giải pháp là mẹ nên vắt một ít sữa ra cho bé bú trước bằng cốc/thìa hoặc bình trước khi cho bé bú trực tiếp.

– Nếu bé cắn ti mẹ vì mẹ mải nói chuyện với người khác, hoặc đang… cập nhật Facebook chẳng hạn thì ‘cắn’ là một cách ‘nhắc nhở’ mẹ. Giải pháp cực kỳ đơn giản là tạm dừng việc nói chuyện, bỏ điện thoại xuống và hít hà mùi thịt thơm thơm cùng cái má phinh phính của bé thôi.

– Bé đã bú no và tỏ vẻ hài lòng thì mẹ nên lấy ti ra.

– Bé mọc răng thường rất ngứa ngáy, không chỉ muốn cắn ti mẹ mà bé rất thích gặm nhắm bất kỳ thứ gì có thể bỏ vô miệng được. Vì vậy, trước khi bú mẹ có thể cho bé gặm một thứ gì đó vừa cứng vừa lạnh, chẳng hạn như vòng dành cho bé mọc răng, đem bỏ vào ngăn đá tủ lạnh rồi đưa cho bé gặm trước khi bú”.

Theo ngoisao

Leave a Reply

Or