Trí tuệ cảm xúc EQ và tương lai của trẻ (Phần 1)

Hầu như mọi ông bố bà mẹ đều dành nhiều thời gian và tâm trí để phát triển trí thông minh cho con và mong muốn con có kết quả học tập cao ở trường. Tuy nhiên, bạn có biết rằng trẻ có chỉ số trí tuệ cảm xúc EQ cao có xu hướng học tập tốt hơn và hoạt động tích cực hơn ở trường so với những trẻ chỉ có chỉ số IQ cao? Đó là vì những trẻ này biết cách ứng phó với những tình huống áp lực, như chuyện thi cử chẳng hạn, tốt hơn so với bạn học.

Trong công việc và cuộc sống, chắc hẳn bạn đã từng ít nhất một lần gặp những người trẻ tuổi, giỏi chuyên môn nhưng lại thiếu khéo léo trong cư xử. Điều đó ảnh hưởng không nhỏ tới mối quan hệ giữa họ và những người xung quanh. Thử hình dung một đồng nghiệp thường nói chuyện với người khác bằng những câu lệnh, ngay cả với những người lớn tuổi hơn, như vậy thật chẳng dễ chịu chút nào. Và với tư cách người làm cha mẹ, chắc chắn bạn không muốn con của mình lớn lên sẽ là một người như thế đúng không?

Chỉ số trí tuệ cảm xúc EQ là gì?
EQ hay còn được gọi là chỉ số trí tuệ cảm xúc thường được xác định dựa trên khả năng nhận biết, đánh giá và kiểm soát cảm xúc. Để có được thành công trong công việc, cuộc sống, kiến thức và năng lực chuyên môn có thể chưa đủ, con người còn cần nhiều kỹ năng xã hội khác. Do đó, các bậc phụ huynh không nên chỉ chú ý đến phát triển trí thông minh mà bỏ qua trí thông minh cảm xúc EQ.

tri tue cam xuc 2

Trẻ có chỉ số trí tuệ cảm xúc cao có thể chịu áp lực học tập tốt hơn

Tại sao cần phải phát triển trí tuệ cảm xúc EQ cho trẻ?
Theo các nghiên cứu khoa học, những người có chỉ số cảm xúc cao sẽ có nhiều cơ hội thành công hơn trong cuộc sống nhờ vào các khả năng sau đây:

  • Kiểm soát cảm giác căng thẳng và lo lắng tốt hơn cũng như có khả năng xử lý tình huống linh hoạt hơn. Đây là những yếu tố cần thiết để trẻ vững vàng trên con đường nghề nghiệp sau này.
  • Khả năng cân đối cảm xúc tốt hơn, nhờ đó có thể đối diện tốt hơn với những khó khăn cũng như những người có tính hiếu thắng.
  • Thân thiện hơn, có quan hệ tốt với gia đình, dễ hòa nhập với những đứa trẻ có cùng hoàn cảnh sống. Đây cũng được xem là những đứa trẻ có hành vi tốt nhiều hơn so với những trẻ đồng trang lứa có chỉ số trí tuệ thấp hơn.
  • Ít có xu hướng tìm đến các chất kích thích như rượu, thuốc lá, ma túy,… khi gặp phải những áp lực, khó khăn trong cuộc sống.
  • Tinh ý hơn trước những cảm xúc của người khác, nhờ đó duy trì và phát triển được các mối quan hệ tốt hơn.
  • Lịch sự, lễ phép, hòa đồng, thân thiện hơn và có nhiều kỹ năng xã hội hơn.

 

theo: marrybaby

Leave a Reply

Or