Trẻ xem tivi, chơi game không đáng sợ như bố mẹ tưởng

Nhìn cậu con trai 18 tuổi sau khi chia tay người yêu cứ ăn tối xong là chui vào phòng riêng chơi iPad, chị Ngọc Lương (Gò Vấp, TP HCM) lo lắng nghĩ cách lôi con ra khỏi cái máy đến mức không làm nổi việc gì.

Chị Lương tìm đến các chuyên gia tâm lý. Người mẹ mắt thâm quầng, mệt mỏi cho biết, tình trạng này của cậu con trai diễn ra đã gần 3 tháng. Chị không biết nếu con cứ vùi mình vào game thế này thì có tự lo cho bản thân mình được không, trong khi tháng 10 tới sẽ sang Mỹ du học. Trước đây, con chị rất chịu khó đi tập thể hình, chơi thể thao, nhưng từ ngày chia tay bạn gái, cùng thời gian gia đình chị sắm iPad, cậu trai gần như chỉ biết có game. Cậu vẫn thi tốt nghiệp đạt loại giỏi, tự xin được học bổng nước ngoài, ở nhà không cãi lại lời bố mẹ… Về cơ bản, đó vẫn là một đứa trẻ ngoan nhưng bỗng dưng quá say mê iPad.

fathedaughtergames-1371783623_500x0

Cha con gắn bó với nhau qua việc cùng chơi game

Chị Lương lo lắng, bàn với chồng tìm cách giúp con trở lại trạng thái trước đây nhưng người bố cho rằng đây là chuyện bình thường của bọn teen. Vậy là từ đau đầu với cậu con trai, giờ lại thêm mâu thuẫn với chồng, khiến chị không có tâm trí làm việc.

Sau khi được các chuyên gia tâm lý và một số người bạn làm trong ngành công nghệ phân tích, cho rằng trường hợp con chị là không có gì đáng ngại. Cháu dù chơi game đến 1h sáng nhưng vẫn đạt kết quả học tập tốt thì mẹ cũng không nên quá lo lắng, không nên cãi nhau với chồng để cuộc sống gia đình căng thẳng. Không khí gia đình càng nặng nề, cậu con trai sẽ càng tìm đến iPad như một cách giải tỏa. Con trai vốn thương mẹ nên chị Lương có thể kiếm cớ nhờ cậu trai chở mình đi mua sắm, thăm bạn bè để thay đổi không khí và giảm cường độ chơi game.

Tình trạng bố mẹ quá lo lắng khi con chơi game hay xem tivi dường như không còn hiếm. Trong buổi sinh hoạt chuyên đề: “Có thể dạy con qua game và tivi?” của CLBDạy con nên người mới diễn ra tại TP HCM, nhiều bà mẹ băn khoăn khi con không tự giác học mà chỉ tự giác chơi game và xem tivi, đặc biệt trong giai đoạn nghỉ hè.

Chị Hạnh có con 11 tuổi cho biết cháu chỉ thích chơi game, xem đá banh, phim hoạt hình và kênh Discovery. Chị Quỳnh Chi có con gái 11 tuổi và con trai 6 tuổi cũng chỉ tự giác xem tivi và chơi game… Đa số các bà mẹ đều tự hào khoe con mình vẫn đạt điểm học tốt ở trường. Chị Trang có con trai 7 tuổi lo lắng khi con xem nhiều chương trình tivi, nhưng chị cũng ngạc nhiên khi thấy bé biết tiếng Anh dù không được mẹ dạy hay cho học ở trường. Thậm chí bé phát âm một số từ tiếng Anh giọng Mỹ chuẩn hơn cả mẹ nhờ xem các kênh dành cho thiếu nhi của nước ngoài.

Chia sẻ trong buổi giao lưu, thạc sĩ xã hội học Trần Minh Trọng, Giám đốc Trung tâm Leadman cho biết hiện tượng trẻ em xem tivi và chơi game được coi là một “cơn lũ” trong đời sống hiện tại. Nguyên nhân là có rất nhiều chương trình tivi, kênh truyền hình, game show, rồi sự ra đời của hàng loạt thiết bị công nghệ cao như tivi tích hợp, smartphone, iPad, laptop… Tuy nhiên, chơi game cũng như xem tivi không hoàn toàn chỉ là tác hại, nếu biết quản lý đúng cách, trẻ vẫn có thể học được nhiều điều.

Ông Trọng nhận xét phụ huynh thường lo lắng thái quá về việc trẻ xem tivi hay chơi game bởi họ do thiếu thông tin về các chương trình truyền hình và game hữu ích. Người lớn sẵn có cái nhìn tiêu cực với game và tivi như sợ trẻ có nguy cơ mắc các bệnh về mắt; lười vận động, dễ béo phì, ù lì, thụ động, một số bé bị tăng động quá mức, một số lại hay cáu gắt dễ rất hờn, nhút nhát trong giao tiếp, không có khả năng kiểm soát bản thân dẫn đến suy kiệt sức khỏe, thậm chí phạm tội… nên bị ám ảnh và không còn nhìn thấy mặt tốt của nó. Đáng ngại nhất là cha mẹ không có thời gian dành cho con nên không hiểu rõ con đang làm gì và thu được gì từ tivi hay internet.

Ông Trọng cũng gợi ý một số giải pháp giúp cha mẹ quản lý con khi chơi game và xem tivi như sau:

– Cài đặt các chương trình tự động tắt máy. Phương pháp này chỉ có thể áp dụng với những em bé nhỏ tuổi. Còn với những đứa con tuổi teen, rất có thể trình độ công nghệ của chúng sẽ vượt mặt bố mẹ và chúng sẽ quay ngược lại hướng dẫn bố mẹ cách phá tường lửa…

– Tắt tivi khi ăn uống.

– Không để tivi, máy tính trong phòng riêng của trẻ.

– Tìm những hoạt động giúp trẻ thay đổi không gian, môi trường như đi dã ngoại, luyện tập thể thao.

– Lựa chọn những chương trình tivi phù hợp với từng độ tuổi của bé (như Bibi, Sao TV, Disney Junior với tuổi mầm non, tiểu học, Disney Channel cho tuổi teen, Discovery for Kids, Cartoon, Animal Planet…); những game tích cực như ô chữ, xếp hình, ai là triệu phú… để phát triển ngôn ngữ, kiến thức. Game logic, puzzle để phát triển trí thông minh, suy luận như game Xếp gạch, Bắn bong bóng, Where is my water? The adverture of Tintin… Một số game có hướng dẫn bằng tiếng Anh, hoặc chỉ hướng dẫn cơ bản, để tiếp tục chơi, bạn buộc phải hiểu nghĩa của từ tiếng Anh đó, hoặc tìm cách giải quyết, thử các phương án trong game (thử và sai) để có thể qua được màn đó. Não bắt buộc phải hoạt động, ghi nhớ để tránh những sai lầm lúc đầu đã thực hiện, nhờ vậy não được vận động và phát triển.

Nên chọn những chương trình có nội dung vui vẻ, liên quan đến thiên nhiên, làm việc tốt, phát triển trí thông minh, mô phỏng thực tế (thể thao, xây dựng thành phố, trồng hoa…). Tránh những trò chơi có nội dung xấu, tiêu cực…

– Ở mức cao hơn, bố mẹ có thể cùng “sống chung với lũ” bằng cách giao cho con chương trình xem và tóm tắt lại để kiểm tra, chú ý tính hướng thiện của trẻ.

– Dành thời gian chất lượng cùng chơi và cùng xem với con, giúp con phân tích các chương trình và các trò chơi. Cha mẹ phải thay đổi các ưu tiên trong cuộc sống. Phải đặt việc nuôi dạy con lên trên những nhu cầu spa, shopping hay nhậu nhẹt, bia rượu của mình.

– Học cách nhận biết những lo lắng thực sự của mình, liệu có phải vì những căng thẳng trong công việc mà về giận lây sang con khi nhìn thấy bé chơi game hay xem tivi, từ đó có những hành xử nóng nảy khiến con càng chống đối…

Thạc sĩ xã hội học Trần Đình Dũng, trong một buổi gặp gỡ phụ huynh của một công ty công nghệ, cũng có ý kiến rằng cha mẹ không nên quá lo lắng và quát nạt khi trẻ chơi game. Bé biết chơi có khi còn tốt hơn là một người mù mờ so với các bạn của mình. Thậm chí chơi có liều lượng, game ngoài giá trị giải trí còn đòi hỏi người chơi phải tư duy, vận động não.

Điều quan trọng là bố mẹ cần phải biết con đang chơi gì, xem gì và giới hạn thời gian cho con để không ảnh hưởng đến sức khỏe cũng các nhiệm vụ khác. Các nhà khoa học Mỹ tại Viện nghiên cứu bệnh trẻ em của Mỹ đã đưa ra quy tắc 2:2. Trẻ dưới 2 tuổi, tuyệt đối không xem tivi hay chơi các game trên điện thoại, truyền hình. Trẻ từ hai tuổi trở lên, thời gian dành tối đa cho tivi hay game là 2 tiếng mỗi ngày.

Qua tivi và game, trẻ có thể phát triển khả năng tư duy, khả năng học ngoại ngữ và biết thêm một số kiến thức. Nhiều bố mẹ cũng có thể lấy việc chơi game hay xem tivi làm phần thưởng để khuyến khích trẻ làm tốt một việc gì đó.

Leave a Reply

Or