Trẻ sơ sinh bị nghẹt mũi: Nguyên nhân và cách xử lý hiệu quả

Không chỉ do thời tiết mà còn có rất nhiều lý do có thể khiến trẻ sơ sinh bị nghẹt mũi. Thay vì dùng thuốc, cha mẹ có thể áp dụng các cách chữa nghẹt mũi đơn giản cho trẻ.

Theo các bác sĩ Bệnh viện Sản nhi Nghệ An, trẻ sơ sinh bị nghẹt mũi là một hiện tượng khá phổ biến, bởi ống mũi của trẻ sơ sinh rất nhỏ và hẹp, đường kính mỗi ống mũi trong của trẻ chỉ khoảng 2-3 cm. Do đó, khi niêm mạc mũi bên trong sản xuất chất nhầy nhiều nhưng không được tống đi hết sẽ làm đầy ống mũi và khiến cho trẻ sơ sinh bị nghẹt mũi thở khò khè.

Những nguyên nhân khiến trẻ sơ sinh bị nghẹt mũi

– Cảm lạnh: Nguyên nhân phổ biến nhất gây ngạt mũi ở trẻ sơ sinh là do cảm lạnh. Thời tiết thay đổi thất thường sẽ khiến bé dễ bị cảm lạnh gây ngạt mũi. Ngoài ra, trẻ còn gặp phải các triệu chứng khác như sốt nhẹ, ho, chảy nước mắt và hắt hơi.

– Trẻ bị cúm: Bé bị sổ mũi, nghẹt mũi có thể do cúm gây ra với những biểu hiện kèm theo là mệt mỏi, sốt nhẹ, đau họng, chóng mặt và chán ăn.

– Do dị ứng: Một số trẻ sơ sinh thường rất mẫn cảm với môi trường xung quanh. Bé có thể dị ứng với thời tiết, phấn hoa, khói bụi… và triệu chứng lúc này chính là hắt hơi, ngứa mũi và bị đỏ mắt.

– Ngạt mũi sơ sinh: Những trẻ từ sơ sinh đến 3 tháng tuổi bị nghẹt mũi mà không có bất kỳ dấu hiệu nào khác kèm theo thì có thể là nước nhầy bào thai vẫn chưa được hút ra hết khỏi đường hô hấp của trẻ.

– Dị vật trong mũi: Một trong những nguyên nhân khiến trẻ sơ sinh bị nghẹt mũi khò khè là do trong lúc chơi trẻ vô tình hay cố ý cho món đồ chơi lọt vào mũi. Tình trạng này khá nguy hiểm bởi có thể khiến trẻ không thở được, cha mẹ cần đưa bé đến gặp bác sĩ nhanh chóng để được xử lý kịp thời.

Trẻ sơ sinh bị nghẹt mũi: Nguyên nhân và cách xử lý hiệu quả - Ảnh 1.
Bé bị sổ mũi, nghẹt mũi có thể do cúm gây ra với những biểu hiện kèm theo là mệt mỏi, sốt nhẹ, đau họng, chóng mặt và chán ăn.

Trị nghẹt mũi ở trẻ sơ sinh sinh an toàn tại nhà

Trị ngạt mũi ở trẻ sơ sinh bằng nước muối sinh lý: Nước muối giúp làm loãng chất nhầy mũi, có thể giúp trẻ ” thông ống mũi” tạm thời, từ đó giảm khó chịu. Trong nước muối sinh lý cũng không chứa bất kỳ hóa chất nào nên rất an toàn khi dùng cho trẻ.

Nếu sử dụng thuốc nhỏ, dùng 2 giọt vào mỗi lỗ mũi, sau đó sử dụng bóng hút mũi hoặc máy hút mũi để rút nước mũi và chất nhầy ra ngoài. Tuy nhiên, cần nhớ rằng việc hút mũi cần được làm cẩn thận vì có thể gây tổn thương niêm mạc mũi của trẻ.

Việc xịt hoặc nhỏ nước muối sinh lý có thể sẽ làm bé khó chịu, do đó, cha mẹ chỉ nên áp dụng khi cần và nên sử dụng trước khi cho trẻ bú để trẻ được tiếp xúc và quen dần, việc này sẽ giúp dễ thực hiện hơn ở những lần sau.

Trong những trường hợp trẻ nghẹt mũi kéo dài, khó thở, khò khè nhiều… thì cha mẹ nên đưa bé đi gặp bác sĩ để được thăm khám và tư vấn các biện pháp điều trị an toàn, hiệu quả hơn.

Cách phòng tránh tình trạng nghẹt mũi ở trẻ sơ sinh

– Chú trọng tăng sức đề kháng, hệ miễn dịch của trẻ bằng cách cho trẻ ăn và ngủ đúng giờ

– Giữ gìn không gian xung quanh bé trong lành, sạch sẽ, đặc biệt là những khu vực bé chơi hay sinh hoạt nhiều. Hạn chế tiếp xúc với người đang mắc bệnh cảm cúm.

– Vệ sinh cho bé thường xuyên sẽ giúp làm giảm lây nhiễm các vi khuẩn có hại cho bé và giúp cải thiện tình trạng trẻ sơ sinh bị nghẹt mũi thở khò khè.

Một số lưu ý cha mẹ cần nhớ:

– Không dùng miệng để hút chất nhầy hoặc nước mũi của trẻ.

– Không tự ý cho trẻ dùng kháng sinh khi chưa có sự chỉ định của bác sĩ.

– Không áp dụng các mẹo dân gian khi chưa hiểu rõ hoặc không có sự kiểm chứng từ y học.

– Không nên kiêng tắm cho trẻ vì có thể khiến vi khuẩn phát triển nhiều hơn.

Leave a Reply

Or