Trẻ dùng điện thoại thông minh: Tìm đường bay cho “chim non rời tổ”
Thiết bị di động nói chung, điện thoại thông minh nói riêng đang ngày càng được sử dụng phổ biến. Độ tuổi sử dụng và có thiết bị riêng ngày càng trẻ hóa.
Điều này đặt ra nhiều vấn đề nan giải trong việc quản lý sử dụng thiết bị để bảo vệ các em trong không gian mạng xã hội hết sức phức tạp, tiềm ẩn những bất trắc khó lường.
Thiết bị di động ngày càng phổ biến
Theo các thống kê của đơn vị khảo sát thị trường, thiết bị di động tại Việt Nam đang ngày càng phổ biến. Cụ thể, năm 2019, dân số Việt Nam đạt mốc xấp xỉ 97 triệu dân, có 64 triệu người sử dụng Internet, tăng đến 28% so với năm 2017. Theo số liệu thống kê, có tới 58 triệu người dùng mạng xã hội trên thiết bị di động tính đến đầu năm 2019, con số này tăng đến 8 triệu người dùng so với cùng kỳ năm trước Mặc dù dân số chỉ đạt hơn 96 triệu người nhưng số thuê bao điện thoại đã được đăng ký lên tới 143.3 triệu số. Điều này cho thấy phần đông người dân Việt Nam đã tiếp cận với điện thoại di động thông minh. Không ít người sử dụng 2-3 chiếc điện thoại cùng một lúc để phục vụ cho nhu cầu cá nhân và công việc.
Tỷ lệ này có sự gia tăng trong khảo sát thực hiện năm 2020, số lượng thuê bao di động là 145,8 triệu thuê bao (chiếm tỷ lệ 150% so với tổng dân số cả nước); số lượng người dùng Internet là 68,17 triệu thuê bao (chiếm tỷ lệ 70% số dân); số lượng người dùng mạng xã hội là 65 triệu người (chiếm tỷ lệ 67% số dân) tăng 7 triệu tài khoản so với năm 2020. Hơn một phần ba trong số người sử dụng Internet ở Việt Nam là người chưa thành niên và thanh niên (trong độ tuổi 15-24, theo số liệu của UNICEF).
Cùng với sự phát triển của công nghê, các dòng điện thoại phân khúc tầm trung – thấp liên tục được ra đời giúp cho nhiều người có thể dễ dàng sở hữu những chiếc điện thoại thông minh và tiếp cận với Internet, nếu cách đây khoảng 5 năm, việc sở hữu một thiết bị thông minh đòi hỏi mức chi phí thấp nhất cũng từ 1.5 triệu đồng cho những chức năng cơ bản thì với thời điểm hiện tại. Với hơn 700 nghìn đồng, bạn đã có thể sỡ hữu một thiết bị thông minh với đầy đủ những tính năng cơ bản (nghe gọi, truy cập Internet, mạng xã hội…). Do đó,việc sở hữu thiết bị thông minh riêng của lứa tuổi chưa thành niên ngày càng dễ dàng và phổ biến.
Nguy cơ tiềm ẩn với trẻ
Thế giới Internet với một hệ thống thông tin khổng lồ là một nền tảng mang đến nguồn tri thức, giải trí bất tận những cũng mang đến nhiều mối nguy tiềm tàng cho người sử dụng. Nhất là nhóm đối tượng chưa thành niên, còn có sự nhận thức chưa đầy đủ và chưa có các biện pháp bảo vệ mình.
Theo báo cáo phân tích tình hình trẻ em Việt Nam (2016) của Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội và UNICEF, sự phổ biến nhanh chóng của công nghệ truyền thông và thông tin tại Việt Nam đã tạo ra môi trường mới cho bạo lực, xâm hại và bóc lột trẻ em – đó là môi trường mạng. 1/4 số trẻ được khảo sát chia sẻ rằng các em từng có trải nghiệm đau buồn khi sử dụng mạng xã hội. 1/3 số trẻ sử dụng mạng là nạn nhân của bắt nạt trên mạng. Có thể nói chưa bao giờ việc tiếp cận trẻ em và có thể có động thái xâm hại trẻ em lại dễ dàng đến vậy.
Thủ đoạn thường thấy của các đối tượng là sử dụng tài khoản mạng xã hội giả mao kết bạn và tiếp cận với trẻ em, thông qua việc nắm bắt tâm lý của trẻ chưa thành niên, tiến hành dụ dỗ, truyền bá những thông tin độc hại như bạo lực, khiêm dâm. Lôi kéo các em vào các nhóm chat, hội nhóm nguy hại, từ đó xâm hại, lợi dụng; thậm chí khuyến khích trẻ em tự tử.
Không chỉ ảnh hưởng trực tiếp đến trẻ, các thông tin độc hại trên các trang mạng xã hội còn ảnh hưởng lâu dài đến tư tưởng cũng như phát triển nhận thức của trẻ khi trưởng thành. Sự xuất hiện của các nội dung giang hồ mạng với những hình ảnh, nội dung văn tục, bạo lực được chia sẻ một cách công khai và được nhiều “cổ xúy” đã làm gia tăng xu hướng bạo lực ở trẻ, bởi trẻ dễ dàng học theo những nội dung mà trẻ được tiếp cận và cho đó là “thời thượng”, “anh hùng”. Ngoài ra mạng xã hội với những hình ảnh sang chảnh, lối sống xa hoa hưởng thụ mà không cần lao động, cũng ảnh hưởng đến nhận thức của đối tượng trẻ, dẫn đến nhiều hệ lụy trong tương lai.
Quản lý thời gian sử dung là chưa đủ
Về thời lượng sử dụng, trung bình hằng ngày mỗi người Việt Nam dành khoảng 6 tiếng 42 phút – tương đương với 1/4 ngày để truy cập Internet trên tất cả các thiết bị. Trong số đó, khoảng 2 tiếng 33 phút được dành để truy cập vào các mạng xã hội, cao hơn so với mức trung bình của thế giới là 2 tiếng 16 phút. Điều này cho thấy mức độ tiếp cận thông tin từ hệ thống mạng xã hội đóng vai trò lớn trong cấu trúc thông tin tiếp nhận của người Việt.
Các biện pháp kiểm soát thời gian sử dụng thiết bị của trẻ là một công cụ giúp hỗ trợ kiểm soát lượng thông tin trẻ tiếp nhận trên môi trường Internet khá hiệu quả nhưng không phải là biện pháp bảo vệ toàn diện. Phụ huynh có thể quản lý thời gian sử dụng thiết bị của trẻ nhưng không thể kiếm soát thời gian trẻ tiếp nhận nội dung từ những thiết bị của người khác, trẻ hoàn toàn có thể tiếp cận các nội dung trên Internet thông qua bạn bè, người thân quen hay một người lạ. Đôi khi việc kiểm soát gắt gao thời gian sử dụng thiết bị của trẻ như ngăn cấm còn gây ra tác dụng ngược làm trẻ càng khao khát hợn việc sử dụng và tìm cách để tiếp cận các thiết bị nhiều hơn. Thêm vào đó, thời gian tiếp cận thông tin ít không đồng nghĩa với việc bảo vệ trẻ trước thông tin không lành mạnh. Các thông tin độc hại chỉ cần một khoảng thời gian ngắn đã gây nguy hiểm với trẻ như trường hợp một số đối tượng chèn nội dung bạo lực máu me với thời gian ngắn vào các nội dung giành cho trẻ em ( như trường hợp momo xuất hiện giữa nội dung hoạt hình hay một số đoạn phim heo Peppa được chèn hình ảnh máu me đã được phát hiện).
TS.BS Đinh Thạc, Trưởng khoa tâm lý, bệnh viện Nhi Đồng 1, TP.HCM chia sẻ: “Phụ huynh nên ở bên cạnh để kiểm soát nội dung trẻ xem để đảm bảo các nội dung trẻ xem là lành mạnh, thay vì đưa thiết bị và để trẻ tự xem, tự chơi”. Các nguồn thông tin trên youtube, facebook… đều có công cụ để kiểm soát đặc biệt là các nội dung cho trẻ em. Tuy nhiên, với số lượng thông tin khổng lồ được đăng tải mỗi ngày thì những công cụ của các đơn vị này không thể đảm bảo hoàn toàn hiệu quả. Do đó phụ huynh cần có biện pháp tự bảo vệ con mình thông qua việc quy định những kênh, trang trẻ có thể xem cũng như luôn theo sát khi trẻ sử dụng thiết bị. Cần giáo dục để trẻ ý thức và chủ động cách ly những thông tin không lành mạnh. Biết phân biệt giữa cuộc sống thực và ảo, để hạn chế tối đa những tác động lệch lạc từ môi trường Internet.
Theo afamily