Trẻ bỏ ăn cùng với những biểu hiện này, cha mẹ cần đưa đi khám gấp trước khi quá muộn
Mỗi khi có ai nhắc đến chuyện ăn uống hoặc bị ép ăn là bé T. lại cáu gắt, đưa đi khám bác sĩ chẩn đoán trẻ bị chán ăn tâm thần.
Trẻ phản kháng quyết liệt khi bị ép ăn dù gầy sọp
Đó là trường hợp một bé gái 11 tuổi, mới được các bác sĩ Khoa Sức khoẻ Vị thành niên – Bệnh viện Nhi Trung ương tiếp nhận và điều trị thành công do mắc bệnh lý chán ăn tâm thần ở trẻ vị thành niên.
Tiến sĩ, bác sĩ Ngô Anh Vinh (Bệnh viện Nhi Trung ương) cho biết khi được bố mẹ đưa đến khám, cơ thể trẻ đã bị suy kiệt do bỏ ăn kéo dài. Theo chia sẻ của gia đình, suốt thời gian khoảng 1 tháng hầu như trẻ không ăn hoặc ăn rất ít, chỉ ăn một vài loại hoa quả.
Đặc biệt, trẻ rất sợ những thức ăn có nhiều năng lượng như cơm, thịt và các loại đồ rán… hoặc khi nhắc đến chuyện ăn uống và phản kháng lại quyết liệt nếu bất cứ ai muốn ép trẻ ăn. Do bỏ ăn trong thời gian dài nên trẻ bị sụt cân nhanh chóng, cơ thể chỉ còn da bọc xương, luôn cảm thấy mệt mỏi, sống thu mình và không muốn tiếp xúc với mọi người.
Sau khi thăm khám, các bác sĩ đã chỉ định cho bệnh nhi nhập viện điều trị tại Khoa Sức khoẻ Vị thành niên. Sau gần một tháng điều trị bằng liệu pháp tâm lý và kết hợp với dùng thuốc, trẻ đã hợp tác hơn và bắt đầu ăn uống trở lại. Sau đó, trẻ đã dần hồi phục cân nặng của mình và chỉ một tháng sau, cháu đã tăng được 10kg. Tinh thần của trẻ cũng vui vẻ, thoải mái hơn và hoà đồng với mọi người.
Trẻ ở độ tuổi vị thành niên dễ bị ảnh hưởng tâm lý, gây nên tình trạng chán ăn tâm thần.
Tiến sĩ Ngô Anh Vinh cho biết trường hợp trên là ca bệnh điển hình của chán ăn tâm thần bệnh lý. Thời gian gần đây, Khoa Sức khỏe vị thành niên đã tiếp nhận một số trẻ vị thành niên mắc chứng chán ăn tâm thần với các lý do và biểu hiện bệnh lý tương tự như nhau.
Theo đó, trẻ có cái nhìn sai lệch về hình ảnh cơ thể của mình, cho rằng mình thừa cân và lo sợ bị tăng cân nên đã quyết tâm tự giảm cân và tự đặt ra cho mình một chế độ ăn kiêng.
Cuối cùng trẻ mất dần cảm giác thèm ăn và sau đó trẻ không muốn ăn hay thậm chí sợ ăn bất kỳ loại thức ăn nào. Về sau, cân nặng của trẻ dần sụt giảm nhanh chóng, dẫn tới cơ thể bị suy kiệt. Mặc dù vậy trẻ vẫn bị ám ảnh tình trạng thừa cân và không muốn cải thiện vấn đề dinh dưỡng của mình.
Phụ huynh cần đặc biệt chú ý đến các dấu hiệu của trẻ
Theo Tổ chức Y tế thế giới, chán ăn tâm thần là một rối loạn ăn uống đặc trưng bởi sự hạn chế quá mức các thức ăn và nỗi sợ vô lý của sự tăng cân cũng như sự biến dạng cơ thể.
Chán ăn tâm thần có tỷ lệ mắc chiếm khoảng 0,02% dân số và 0,1% ở nữ giới. Bệnh đa số gặp ở nữ giới (chiếm 80-90%) thường ở độ tuổi vị thành niên (từ 15 đến 19 tuổi) và tỷ lệ tử vong khoảng chiếm khoảng 6%.
Tiến sĩ Vinh cho rằng, khi trẻ chán ăn tâm thần có những dấu hiệu dưới đây, các phụ huynh cần đặc biệt chú ý:
– Trẻ từ chối ăn và cân nặng của trẻ sụt giảm nhanh chóng dưới 15% so với trọng lượng bình thường theo tuổi.
– Trẻ luôn sợ hãi về việc tăng cân mặc dù bản thân đang bị thiếu cân và tìm mọi cách để giảm cân.
– Trẻ thường cảm thấy mệt mỏi và có biểu hiện trầm cảm nhẹ, có xu hướng rối loạn ám ảnh và xa lánh mọi người.
– Ở trẻ nữ thường có biểu hiện mất kinh nguyệt.
Trẻ chán ăn dẫn đến suy kiệt cơ thể, gây ảnh hưởng đến sức khỏe.
Với những trẻ chán ăn tâm thần thường gây nên những biến chứng nghiêm trọng về sức khỏe, thể chất, tinh thần. Cơ thể trẻ sẽ bị suy kiệt, rối loạn nước và điện giải do ngừng ăn kéo dài. Nguy hiểm hơn nữa nếu trẻ không được phát hiện sớm, điều trị kịp thời có thể dẫn đến tử vong.
Về lâu dài, trẻ sẽ bị ảnh hưởng đến phát triển chiều cao, suy dinh dưỡng, thiểu năng sinh dục, chậm dậy thì, dễ gãy xương do thiếu canxi… Ngoài ra về tinh thần, trẻ dễ bị trầm cảm và mất khả năng hòa nhập với cộng đồng – xã hội và ảnh hưởng nghiêm trọng đến quá trình học tập.
Đề phòng chán ăn tâm thần ở trẻ vị thành niên, tiến sĩ Vinh khuyến cáo:
– Các bố mẹ cần phát hiện các dấu hiệu sớm chán ăn của trẻ để ngăn ngừa sự tiến triển của bệnh.
– Bố mẹ cần tìm hiểu sớm các nguyên nhân khiến trẻ chán ăn để động viên, khuyến khích trẻ tránh lo âu, mặc cảm về cơ thể.
– Ngoài ra, cần cho trẻ duy trì các hoạt động thể chất thường xuyên để đảm bảo phát triển cân đối toàn diện.
– Nên khuyến khích trẻ tham gia các hoạt động nhóm, hoạt động tập thể để đảm bảo cho trẻ luôn hoà nhập trong cộng đồng.
Theo Eva