Những bất lợi về sức khỏe khi trẻ bị thiếu máu

Các chuyên gia sức khỏe trẻ em trên Familydoctor khuyến cáo: Trẻ bị thiếu máu có thể dẫn đến nhiều vấn đề tiêu cực, trong đó điển hình nhất là chứng thiếu sắt khiến chức năng miễn dịch của các tế bào bị khiếm khuyết. Sức đề kháng của trẻ yếu đi, dễ bệnh tật.

Khi cơ thể thiếu sắt, dịch vị dạ dày tiết ra ít hơn, khả năng hấp thu chất béo không tốt, chức năng tiêu hóa của trẻ bị suy giảm. Ngoài ra, thiếu máu còn làm giảm chức năng tiếp nhận oxi trong huyết dịch, khiến các tổ chức và cơ quan trong cơ thể bị thiếu hụt oxi, trẻ dễ có hiện tượng thở gấp, tim đập nhanh khi vận động.

Không những vậy, khi cơ thể không được cung cấp oxi đầy đủ thì các cơ cũng trở nên yếu ớt, thiếu sức lực. Điều này ảnh hưởng không nhỏ đến sự phát triển bình thường và khỏe mạnh của trẻ.

Tre bi thieu mau 1
Trẻ bị thiếu máu ảnh hưởng nhiều đến sức khỏe – Ảnh minh họa: Internet

Trẻ bị thiếu máu có thể do người lớn phạm những sai lầm phổ biến này

Không cho trẻ ăn thịt đầy đủ

Một trong những nguyên nhân trẻ bị thiếu máu chính là không ít người cho rằng rau xanh thì bổ sung sắt tốt hơn. Đây là lý do nhiều ông bố bà mẹ mù quáng ép con phải ăn nhiều rau, đồng thời giảm lượng thịt tối thiểu vốn cần thiết cho cơ thể trẻ.

 Mặc dù nhiều loại rau xanh rất giàu sắt nhưng tỷ lệ hấp thu vào cơ thể lại rất thấp. Cho dù là cải bó xôi thì bên cạnh nguyên tố sắt, nó còn chứa nhiều axit tannic và axit oxalic, hai chất này ảnh hưởng đến khả năng hấp thu sắt cũng như các khoáng chất khác đối với cơ thể.

Chính vì vậy, để phòng ngừa vấn đề trẻ bị thiếu máu do thiếu sắt, khi trẻ được 7 tháng tuổi thì bố mẹ cần bổ sung thịt vào khẩu phần ăn dặm của trẻ. Hàm lượng sắt trong thịt rất dễ được trẻ hấp thu và tận dụng tốt.

Tre bi thieu mau 2
Thực đơn không bổ sung các bữa thịt có thể khiến trẻ bị thiếu máu – Ảnh minh họa: Internet

Chỉ thông qua ăn uống để giải quyết vấn đề thiếu máu trầm trọng ở trẻ

Chế độ ăn uống phù hợp thật sự có thể cải thiện hoặc phòng ngừa tình trạng thiếu hụt dinh dưỡng. Tuy nhiên khi trẻ bị thiếu sắt thì cơ thể tự nhiên cũng làm giảm cảm giác thèm ăn khiến trẻ ăn không ngon miệng.

Trong trường hợp trẻ bị thiếu máu nghiêm trọng, nếu chỉ dùng việc ăn uống để giải quyết là hành vi không thực tế và thiếu hiệu quả. Tốt nhất bố mẹ nên đưa trẻ đến bệnh viện thăm khám cụ thể. Các bác sĩ sẽ căn cứ tình hình thiếu máu của trẻ để chỉ định xử lý.

Dùng nước sôi để pha sữa hoặc chế biến cháo cho trẻ

Một số nguyên tố dinh dưỡng như vitamin B12, vitamin C và axit folic khi gặp nhiệt độ cao trên 60 độ C sẽ rất dễ bị phá hủy. Đặc biệt khi vitamin C bị phá vỡ sẽ ảnh hưởng đến khả năng hấp thu sắt, lâu ngày dẫn đến tình trạng trẻ bị thiếu máu do thiếu sắt và các bệnh về máu khác.

Tre bi thieu mau 3
Trẻ bị thiếu máu một phần cũng do nguyên nhân cha mẹ phạm sai lầm khi pha sữa, nấu cháo cho con – Ảnh minh họa: Internet

Do đó, nhiệt độ nước khi pha sữa nên kiểm soát ở 40 độ C – 55 độ C, nước nóng khi chế biến cháo cho trẻ cao nhất không được vượt quá 70 độ C.

Không kịp thời bổ sung sắt cho trẻ

Đối với trẻ bú sữa mẹ hoàn toàn hay kết hợp giữa bú mẹ và ăn dặm, khi trẻ được 4 – 6 tháng tuổi vẫn nên bổ sung sắt cần thiết. Đến khi trẻ 8 tháng tuổi, tăng cường thức ăn giàu sắt khác.

Đối với trẻ sinh non và thể trọng thấp, hàm lượng sắt trong cơ thể mẹ vốn không đủ cho trẻ nên trong một tháng đầu tiên sau khi sinh, mẹ nên căn cứ theo chỉ định của bác sĩ chuyên khoa để cho trẻ uống thêm sắt.

Theo Phunusuckhoe.vn