Trẻ ăn no về đêm, lợi bất cập hại

Bé Ng.B.Trang (6 tháng tuổi, Văn Mỗ, Hà Đông) nhập viện trong tình trạng ho sặc sụa, liên tục, kéo dài ngày. Nguyên nhân bắt nguồn từ tâm lý muốn con thật no trước khi đi ngủ để… lớn nhanh của người mẹ.

✿ “Trẻ lớn về đêm”

Mẹ bé Trang hồn nhiên trả lời như vậy khi bác sĩ hỏi tại sao lại cho cháu ăn quá no trước khi đi ngủ.

Theo chị, bé Trang tháng này tăng cân ít hẳn so với những tháng trước, chỉ được 0,4kg. Vì thế, ngoài tăng cường bú mẹ, ăn bột, cả nhà chị cuống cuồng mua thêm sữa ngoài về để cho cháu uống.

Thay vì ngày 2 bữa bột và bú mẹ như trước đây, thực đơn của bé được tăng thêm 2 bữa, đó là thêm một bát bột lúc 8h tối và 10h đêm lại được mẹ “tặng” thêm 80ml sữa ngoài. Dù thấy con ngậm sữa đầy mồm, “phun mưa” phì phì nhưng chị vẫn kiên nhẫn cố đút cho con ăn với hy vọng con lớn nhanh.

✿ Không nên ép con ăn quá no vào buổi tối

Đến ngày thứ 3 thực hiện thực đơn “tăng cường” thì thỉnh thoảng bé húng hắng ho khi ngủ nhưng chị chỉ nghĩ đơn giản chắc con sặc dãi. Nhưng mật độ ho ngày càng dày hơn, không chỉ ho về đêm mà cả ban ngày, khi đặt bé nằm.

Đưa con đi khám tại một phòng khám tư, cháu được chẩn là viêm họng cấp và được bác sĩ kê thuốc Moxiclav và Cofe uống 5 ngày nhưng không khỏi, chị mới ôm con đến khoa Nhi bệnh viện Bạch Mai. Được bác sĩ giải thích kỹ càng, chị mới “té ngửa” về cách nuôi con mau lớn chính là nguyên nhân khiến bé bị ho.

✿ Lợi bất cập hại

PGS.TS Nguyễn Tiến Dũng, Trưởng khoa Nhi BV Bạch Mai cho biết, trường hợp như bé Trang không phải là hiếm. Rất nhiều bà mẹ có tâm lý ép con ăn thật nhiều về đêm để cho nhanh lớn. Người khác thì cho rằng nếu cho trẻ ăn sữa trong khi ngủ sẽ giúp bé đạt được chiều cao tốt nhất nên đang đêm cũng đánh thức trẻ dậy cho trẻ bú bình. Người lại ép con ăn bột thật no trước giờ đi ngủ để bé ngủ ngon giấc, không thức dậy bú đêm và… đái dầm.

Trên thực tế, những quan niệm này đều dẫn đến những tổn hại lâu dài hơn là lợi ích.

Do ăn quá no, sát giờ đi ngủ (sữa, bột, cơm, hoa quả…), thức ăn không kịp tiêu hoá cùng lượng dịch vị tiết ra nhiều hơn trong giấc ngủ gây ứ, trướng dạ dày, trào ngược lên thực quản, rỉ ra họng, tràn vào thanh quản. Tình trạng dịch vị ở dạ dày trào lên thực quản thường xuyên, lâu ngày có thể gây viêm thực quản dẫn đến ho.

Hiện tượng này gặp ở cả người lớn nhưng rõ nhất là ở trẻ em. Những trẻ bị thức ăn từ dạ dày trào ngược lên thực quản thường bị ho về đêm, thậm chí cả ban ngày khi nằm nghỉ, chơi, ngủ (còn gọi là chứng ho ngang – ho khi ngủ, nghỉ, trong tư thế nằm ngang). Thậm chí có cháu còn bị trào ngược lên tận mũi gây viêm mũi kéo dài, rất khó chịu và nguy hiểm cho trẻ.

“Ở người lớn, hiện tượng này có thể dễ nhận biết hơn khi họ thấy thức ăn “ợ” lên, hoặc có cảm giác nóng rát ở ngực rồi lại hết. Tuy nhiên, ít người nghĩ triệu chứng này là nguy hiểm mà thường bỏ qua, coi đó là bình thường. Ở trẻ, càng khó nhận biết hơn vì nhiều trẻ khi “ợ” cha mẹ lại cho rằng trẻ ợ hơi”, BS Dũng nói.
Nên để trẻ ăn theo nhu cầu

BS Dũng khuyên các bà mẹ nên để trẻ ăn uống theo nhu cầu. Đừng cố gắng ép trẻ ăn khi trẻ không muốn. Tình trạng lười ăn của trẻ cần phải tìm ra nguyên nhân thực sự mới có cách giải quyết. Còn nếu cứ ép trẻ ăn trong tâm trạng không thoải mái có thể khiến trẻ ức chế, khó hấp thu được thức ăn.

Đặc biệt là buổi tối, để khắc phục tình trạng ho ngang rất đơn giản, chỉ cần không cho trẻ ăn, uống sát giờ đi ngủ. Sau khi cho con ăn hay uống, cha mẹ nên để trẻ thức, hoạt động ít nhất 2 giờ để thức ăn kịp tiêu hoá hết trong dạ dày. Trường hợp cho các cháu ăn trứng, thịt, các đồ uống như sữa, nước ngọt, cần có thời gian lâu hơn, tránh hiện tượng trào ngược gây ho không đáng có cho trẻ.

Không chỉ có nguy cơ khiến trẻ bị ho ngang mà trẻ còn đầy bụng, ậm ạch khó chịu khiến trẻ ngủ không ngon giấc.

“Như một bản năng tự nhiên, khi trẻ đói tức khắc sẽ đòi bú mẹ. Khi đó, bé có thể vừa ngủ vừa bú cũng không ảnh hưởng gì đến sức khỏe. Còn trong trường hợp vì lý do nào đó cho bé ăn sữa ngoài, vẫn có thể cho trẻ ăn trong đêm khi trẻ có nhu cầu, còn không nên ép trẻ”, BS Dũng nói

Theo Webtretho

One thought on “Trẻ ăn no về đêm, lợi bất cập hại

Leave a Reply

Or