Trầm Cảm Sau Sinh Có Thể Khiến Mẹ Và Bé Có Thể Chết Bất Cứ Lúc Nào

Trầm cảm sau sinh – căn bệnh mà bà mẹ nào cũng nghĩ “chắc mình không bị đâu” đã trở thành nguyên nhân cướp đi sinh mạng của những đứa trẻ chỉ vài tuần tuổi.

Trầm cảm sau sinh – căn bệnh mà bà mẹ nào cũng nghĩ “chắc mình không bị đâu” đã trở thành nguyên nhân cướp đi sinh mạng của những đứa trẻ chỉ vài tuần tuổi.

Theo ước tính trên thế giới, khoảng 13% phụ nữ bị trầm cảm trong nhiều tháng đầu sau sinh. Rất nhiều người có triệu chứng của bệnh mà không hay biết. Và có những người chỉ được phát hiện khi bệnh quá nặng. Trên thực tế, tại Việt Nam số mẹ bị trầm cảm sau sinh ngày một gia tăng và không ít vụ việc đau lòng liên quan đến căn bệnh này đã xảy ra.

Đau đớn những vụ án mẹ sát hại con vì bị trầm cảm sau sinh

Vụ việc đang gây xôn xao dư luận những ngày qua là cái chết thương tâm vì ngạt nước của bé V.A (33 ngày tuổi, ở xã Hữu Bằng, huyện Thạch Thất, Hà Nội). Cháu đã bị mẹ đẻ là chị Phạm Thị T. (sinh năm 1988) sát hại. Chiều 14/6, theo kết luận điều tra ban đầu của cơ quan công an, nguyên nhân vụ việc do chị T. bị trầm cảm nặng.

Đầu năm nay, những người dân ở xã Đông Yên, Quốc Oai, Hà Nội bàng hoàng trước sự việc đau lòng xảy ra vào ngày mùng 3 Tết: khi mọi người đang ăn uống trong nhà, không ai để ý, người mẹ bị trầm cảm là chị Đ.T.H (SN 1990) đã bế con con trai 5 tháng tuổi là L.K.N xuống nhà sau hại chết con rồi nhảy xuống giếng tự tử.

Năm 2015, cư dân mạng xôn xao vụ việc diễn ra tại khu đô thị Đặng Xá (Gia Lâm, Hà Nội): cháu Ninh Trường Đ. (4 tháng tuổi) bị mẹ đẻ là Nguyễn Thị G.N (27 tuổi, trú cùng địa chỉ trên) dùng dao sát hại. Được biết, chị G.N đã có dấu hiệu trầm cảm từ trước khi sinh và sau sinh, các dấu hiệu ngày càng nặng hơn như thường xuyên mất ngủ, khi con quấy khóc thường có biểu hiện kích động…

Cùng trong năm 2015, vụ thảm án đau lòng đã xảy ra ở Việt Yên, Bắc Giang. Vì chứng trầm cảm sau sinh, chị Bùi Thị N. đã sát hại con rồi cắt tay tự tử.

Trước đó, một vụ án đau lòng tương tự cũng đã xảy ra ở Bình Dương. Vào ngày 13/10/2014, anh Nguyễn Thiện Lương đi làm về nhà thì hoảng hốt phát hiện vợ là Đặng Thị Liễu chết trong tư thế treo cổ ở cầu thang, còn con gái út 4 tháng tuổi chết trong phòng ngủ, bên dưới có nhiều vết máu. Cơ quan công an xác nhận nguyên nhân của vụ án là do chị Liễu bị trầm cảm sau sinh nên đã sát hại con ruột rồi tự sát.

Những đối tượng dễ mắc bệnh trầm cảm sau sinh

Theo TS. BS Lê Thị Thu Hà (Khoa Hậu sản – Bệnh viện Từ Dũ, TP. Hồ Chí Minh), trầm cảm sau sinh là tình trạng liên quan đến suy nghĩ và cảm giác mệt mỏi, buồn chán, lo lắng xuất hiện sau sinh. Những phụ nữ mắc bệnh trầm cảm sau sinh thường kèm theo trạng thái lo sợ con mình sẽ bị hại và bản thân mình là người mẹ xấu.

Căn bệnh này hay xảy ra với những người mẹ sinh con đầu lòng nhiều hơn. Một số đối tượng dễ mắc bệnh nhất là:

– Làm mẹ trước 18 tuổi.

– Người mẹ có tiền sử bị bệnh trầm cảm.

– Mới sinh nhưng thiếu sự giúp đỡ, đồng cảm, chia sẻ của người thân, đặc biệt là từ chồng.

– Mâu thuẫn vợ chồng, mâu thuẫn với gia đình chồng.

– Những sự kiện gây căng thẳng trong thai kì và hiện tại như bệnh tật, hiếm muộn, thất nghiệp, con hay quấy khóc…

Những dấu hiệu cảnh báo chứng trầm cảm sau sinh

Trầm cảm sau sinh rất dễ bị nhầm lẫn với những mệt mỏi, căng thẳng khi chăm con sau sinh. Ban đầu, người bệnh thường gặp các triệu chứng như buồn bã dai dẳng; mất hứng thú/không quan tâm tới các hoạt động thường làm; chán ăn và mất ngủ hoặc ngủ quá mức.

Tuy nhiên những triệu chứng này cũng gặp ở chứng bệnh có tên “Cơn buồn thoáng qua sau sinh” và từ từ biến mất trong khoảng 10 ngày. Còn nếu những dấu hiệu này xuất hiện và thời gian kéo dài 2 tuần sau khi sinh, kèm theo các biểu hiện đặc trưng sau thì bạn đã mắc chứng trầm cảm sau sinh:

– Cảm thấy mệt đến kiệt sức, cảm giác tủi thân kéo dài mà không có lý do rõ ràng.

– Không quan tâm gắn bó với con mình.

– Cảm thấy mình không thể chăm sóc cho bản thân và con mình.

Phải làm gì để không rơi vào tình trạng trầm cảm sau sinh?

Những thay đổi về tâm lý sau sinh là một trong những nguyên nhân chủ yếu dẫn đến chứng trầm cảm sau sinh. Vì vậy, để phòng tránh rơi vào tình trạng này, các chuyên gia đưa ra một số gợi ý sau:

– Sau sinh, các bà mẹ vẫn còn mệt mỏi, đau đớn nên hãy đón nhận sự giúp đỡ của mọi người trong gia đình. Có thể chủ động đặt vấn đề để nhận được sự quan tâm và chia sẻ việc chăm sóc em bé mới chào đời.

– Người mẹ không nên quá lo lắng việc mình có chăm con tốt hay không. Đừng ngại trao đổi, chia sẻ với những người có kinh nghiệm để giải tỏa căng thẳng và có lời khuyên hữu ích. Ngoài ra, mẹ có thể tham khảo kiến thức chăm sóc trẻ sơ sinh trên sách báo, internet để giảm bớt tâm lý lo lắng, hoang mang.

– Tham gia một lớp hướng dẫn chăm sóc trẻ sơ sinh ngay từ lúc mang thai sẽ giúp các mẹ trang bị kiến thức chăm con cũng như các hướng dẫn về tâm lý của người mẹ sau sinh. Khi đã được các chuyên gia hướng dẫn cụ thể, rõ ràng sẽ giúp bạn phần nào tự tin, thoải mái hơn khi chăm sóc bé sơ sinh.

– Không quên chăm sóc bản thân. Cố gắng dành thời gian dù chỉ trong chốc lát để nghỉ ngơi, thư giãn như nghe nhạc, đọc sách, đan len, đi dạo bộ… Những việc tuy rất đơn giản nhưng lại có thể giúp bạn thoải mái, thư thái hơn, giúp giảm nguy cơ trầm cảm sau sinh.

St

Leave a Reply

Or