Tình trạng trẻ em thiếu vi chất dinh dưỡng ở Việt Nam

Có một phát hiện quan trọng các mẹ nên biết là 100% trẻ suy dinh dưỡng nguyên nhân chính là do bị thiếu vi chất dinh dưỡng. Việt Nam và các nước Đông Nam Á được xếp vào khu vực có tỷ lệ trẻ em bị suy dinh dưỡng cao trên thế giới. Ngày nay, ngoài nỗi lo về suy dinh dưỡng thể nhẹ cân, nước ta còn đối mặt với suy dinh dưỡng thể thấp còi. Nguyên do chính đến từ khẩu phần ăn còn thiếu vi chất của người Việt. Theo các chuyên gia về dinh dưỡng, việc suy dinh dưỡng nói chung sẽ ảnh hưởng tới năng suất lao động về sau này gây ảnh hưởng lớn đến tương lai thành công của mỗi đứa trẻ.

 


Thực trạng trẻ em suy dinh dưỡng ở Việt Nam

Từ thống kê nhiều quốc gia cho thấy tỷ lệ suy dinh dưỡng (SDD) ở trẻ em trên thế giới đã có sự thay đổi rõ rệt, SDD thể nhẹ cân đã giảm nhanh song SDD thể thấp còi vẫn còn cao đặc biệt ở Việt Nam và kèm theo đó là việc thiếu vi chất.

Năm 2010, tỷ lệ suy dinh dưỡng (SDD) trẻ em nước ta là 17,5% (chỉ tiêu cân nặng/tuổi) tức là
cứ 6 trẻ dưới 5 tuổi có 1 trẻ bị SDD thể nhẹ cân. 20/63 tỉnh, thành có mức SDD trẻ em trên 20% (xếp ở mức cao theo phân loại của Tổ chức Y tế thế giới).

Trong khi đó, tỷ lệ trẻ em SDD theo chỉ tiêu chiều cao/tuổi (SDD thể thấp còi) năm 2010 toàn quốc là 29,3%. tức là cứ 4 trẻ dưới 5 tuổi, có một trẻ bị thấp còi. Hầu hết các trường hợp thấp còi xảy ra khi trẻ nhỏ hơn 3 tuổi. . Trong đó xét theo phân loại của Tổ chức Y tế thế giới có đến 31 tỉnh tỷ lệ trên 30% (mức cao), 2 tỉnh trên 40% (mức rất cao).

Ước tính năm 2010, nước ta còn gần 1,3 triệu trẻ em dưới 5 tuổi SDD nhẹ cân, khoảng 2,1 triệu trẻ em SDD thấp còi và khoảng 520.000 trẻ em SDD gầy còm.


Vậy nguyên nhân là do đâu?

Hơn 50% trẻ em Việt Nam thiếu hụt các vi chất như vitamin A, B1, C, D và sắt trong khẩu phần ăn hằng ngày. Con số này cao hơn so với 3 nước khác cùng trong nghiên cứu là Maylaysia, Thái Lan và Indonesia. Đây là kết quả khảo sát tình trạng dinh dưỡng khu vực Đông Nam Á công bố ngày 2/3/2013 được nghiên cứu tại Việt Nam do Viện Dinh Dưỡng quốc gia thực hiện trên gần 2.900 trẻ từ 6 tháng đến 12 tuổi. Điều đó cho thấy bữa ăn truyền thống chưa đáp ứng được nhu cầu của trẻ đang trong giai đoạn phát triển rất nhanh.Ở Việt Nam chỉ khoảng 52% trẻ dưới 2 tuổi được chăm sóc và ăn bổ sung đúng cách. Còn lại trẻ “được” ăn theo chế độ “nhồi nhét”, thừa chất này nhưng lại thiếu chất kia. Điều này xuất phát một phần từ việc thiếu kiến thức về chất dinh dưỡng dẫn đến việc bổ sung không đồng đều các chất.Ví dụ điển hình là người ta chỉ chú ý đến canxi mà “quên“ đi các chất Vitamin D, magie, kẽm cũng ảnh hưởng đến chiều cao của trẻ cho nên uống rất nhiều sữa mà vẫn không cao.Hay để cho trẻ em phát triển trí não được tốt thì ngoài bổ sung Iot, sắt thì rất cần thiết phải cung cấp các acid béo không no như DHA (omega3) và omega 6. Hậu quả của việc này là tình trạng trẻ thiếu vi chất dinh dưỡng, được thể hiện qua các con số dưới đây.

Trong đó phải kể đến đầu tiên chính là việc thiếu hụt vitamin A, là một loại vitamin có nhiều trong trứng, sữa, tôm.. Thiếu vitamin A (kể cả thể tiền lâm sàng) cũng làm tăng nguy cơ mắc các bệnh nhiễm khuẩn, tử vong, và giảm tăng trưởng ở trẻ em. Biểu hiện thiếu vitamin A tiền lâm sàng ở trẻ dưới 5 tuổi chiếm tới 12,4%, trong đó tập trung nhiều nhất ở đối tượng trẻ dưới 1 tuổi. Theo số liệu thu được năm 2007 tại 40 xã ở 4 vùng sinh thái khác nhau của Việt Nam, thiếu vitamin A tiền lâm sàng là 12% .Đặc biệt ở đối tượng trẻ dưới 6 tháng tuổi tỷ lệ thiếu vitamin A tiền lâm sàng rất cao chiếm tới 61,7%. Trong đó tỷ lệ thiếu vitamin A cao nhất ở vùng miền núi phía Bắc.


Một nguyên nhân khác nằm ở việc thiếu chất kẽm trong cơ thể. Trẻ thiếu kẽm thường có triệu chứng tiêu chảy, chán ăn, miễn dịch yếu..Ở Việt Nam, chưa có số liệu trên toàn quốc về điều tra tình hình
thiếu kẽm ở những nhóm đối tượng nguy cơ cao như trẻ nhỏ và phụ nữ tuổi sinh đẻ nhưng kết quả của một số nghiên cứu đã cho thấy tỷ lệ thiếu kẽm cao ở trẻ sơ sinh: tới 30-40%. Trẻ em < 5 tuổi có tỷ lệ kẽm huyết thanh thấp lên tới 30-90% (cao nhất ở vùng núi cao). Theo kết quả nghiên cứu tại Bệnh viện Phụ sản trung ương năm 2008-2010 các trẻ suy dinh dưỡng bào thai cho thấy tỷ lệ kẽm huyết thanh thấp vẫn rất cao (xung quanh 50%).

Thiếu sắt có mối liên hệ mật thiết với thiếu máu, trong đó trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ còn bú mẹ nằm trong nhóm nguy cơ cao nhất. Thiếu máu và thiếu sắt ở trẻ nhỏ có thể dẫn tới chậm phát triển cả về tinh thần và thể chất và bị rất nhiều ảnh hưởng xấu tới sức khỏe. Tỷ lệ thiếu sắt cao nhất ở phụ nữ tuổi sinh đẻ và trẻ nhỏ, đặc biệt ở trẻ bước vào thời kỳ ăn dặm. Tỷ lệ thiếu máu cao nhất ở nhóm 6-12 tháng tuổi, tới 56,9%; có xu hướng giảm khi tuổi của trẻ tăng lên: 45% ở nhóm 12-24 tháng tuổi, 38% ở nhóm 24-36 tháng tuổi, 29% ở nhóm 36-48 tháng tuổi, 19,7% ở nhóm 48-59 tháng tuổi.

Và cuối cùng là tình trạng thiếu vitamin D – thường gặp ở trẻ thành thị so với trẻ nông thôn. Nhóm trẻ gái ở thành thị có tỷ lệ thiếu vitamin D cao nhất là hơn 58%. Hậu quả lớn nhất của thiếu vi chất dinh dưỡng này là ảnh hưởng đến tầm vóc, nổi bật là còi xương. Có hai nguồn cung cấp vitamin D quan trọng là từ khẩu phần ăn và ánh nắng mặt trời.

Lời kết

Vấn đề dinh dưỡng cho trẻ luôn luôn là mối bận tâm hàng đầu của các bậc bố mẹ. Tuy vậy vẫn còn khá nhiều người chưa nhận thức được tầm quan trọng trong việc bổ sung dinh dưỡng cho con thông qua các bữa ăn. Điều này dẫn đến hệ lụy khi thể trạng của người Việt Nam vẫn được coi là thấp bé so với các nước khác trong khu vực. Vì vậy,hãy là những bà mẹ thông thái và tìm hiểu rõ tầm quan trọng của vi chất để giúp con có một cơ thể phát triển toàn diện nhất.

 Theo webtretho

Leave a Reply

Or