Thực đơn ăn dặm phù hợp theo tháng tuổi
Khi tập ăn dặm, bé cần được làm quen dần với những thức ăn mới, lần lượt từng thứ một, và làm quen với độ đặc cũng như độ lợn cợn tăng dần, mùi vị khác nhau của thực phẩm. Vì vậy, bé đang uống sữa sẽ tập ăn dặm đầu tiên với sữa pha thêm tinh bột (hay bột ngọt), sau đó phối hợp thêm trái cây hay ngũ cốc khác (bột trái cây, ngũ cốc, rau củ). Sau đó thay đạm sữa bằng đạm động vật như thịt, cá, tôm, cua, trứng (bột mặn). Mỗi món mới nên thử ăn trong 2-3 ngày liên tiếp để đánh giá khả năng dung nạp của bé, xem có dị ứng hay không. Và dưới đây là lộ trình ăn dặm bình thường cho các mẹ tiện tham khảo:
– Bé 6 tháng đầu: Hoàn toàn bú sữa mẹ.
– Bé 6 tháng tuổi trở lên: Cùng với sữa, nên cho bé tập ăn bổ sung mỗi ngày từ 1-2 bữa bột loãng. Sau đó quấy đặc dần lên. Giai đoạn đầu nên cho bé ăn bột ăn dặm ngọt để bé làm quen dần với việc hấp thụ dinh dưỡng từ nguồn thực phẩm đặc hơn sữa.
– Bé từ 7-8 tháng: Ngoài sữa thì mẹ nên cho bé ăn thêm 3 bữa bột đặc (2/3 bát mỗi bữa), sau đó cho ăn thêm trái cây nghiền. Tầm giữa tháng 7 mẹ có thể bắt đầu cho bé ăn bột mặn với đạm động vật (thịt, cá…)
– Bé từ 9-11 tháng: Tăng số bữa bột của bé lên 3 bữa bột (3/4 bát mỗi bữa), cộng thêm 1 bữa phụ, mẹ cũng có thể bắt đầu cho bé ăn cháo trong giai đoạn này (cần kiên nhẫn cho bé ăn ít một đến khi quen dần).
– Bé từ 12-24 tháng: Vẫn bú sữa, thêm 3 bữa cháo đặc hoặc cơm nát (1 bát mỗi bữa), sau đó cho bé ăn thêm 2 bữa phụ.
– Bé từ 24-36 tháng: Cho bé ăn 3 bữa chính, 2 bữa phụ. Lúc này, bé có thể ngồi ăn được cùng gia đình, nhưng cơm nấu mềm và hơi nát cho bé dễ nuốt.
Bé mới tập ăn có thể chưa quen với thức ăn mới nên có khi cứ nhè ra, sau cả chục lần mới chịu ăn, nuốt, do đó khi mới tập ăn dặm mẹ không được nản chí và cũng không nên ép bé.
Phân cũng có thể hơi thay đổi về màu sắc và độ đặc, nhưng nếu bé khỏe và vui vẻ thì không sao. Nếu có biểu hiện rối loạn tiêu hoá nặng khi ăn dặm như ói, tiêu chảy, phân sống, chướng bụng… thì cần được khám để xác dịnh nguyên nhân.
Chúc bé khoẻ mẹ vui ^^
Theo Bsnhi