Thanh Thúy: Con trai tôi mới 4 tuổi đã 4 lần chuyển trường

Nữ diễn viên cho biết, dù bận rộn nhưng cô vẫn chăm con rất kỹ và đặc biệt quan tâm đến môi trường vui chơi, học tập của con.

 Vừa làm nghệ thuật, vừa điều hành công ty riêng và còn theo học lớp tiếng Anh buổi tối, chị dành thời gian chăm sóc con trai thế nào?

– Tôi sắp xếp công việc hay lắm. Khi tôi sinh bé Cà Phê, ai cũng nói bận rộn vậy sao có thời gian chăm con nhưng tôi rất tự hào về kỹ năng làm mẹ của mình. Thời gian con bắt đầu ăn dặm, những bữa đầu tôi đều tự tay nấu ăn cho con. Mà không phải tôi nấu bình thường nha. Trước khi bắt tay vào làm việc này, tôi còn kỳ công đi học một khóa ở trung tâm dinh dưỡng để biết cách nấu ăn chuẩn cho trẻ mới ăn dặm. Học xong tôi tự nấu trước, nấu nhuần nhuyễn rồi tôi mới bàn giao, chỉ cho người thân trong gia đình làm. Thế là từ đó, tôi được rảnh tay. Thời gian đầu mới chuyển giao việc nấu đồ ăn cho con, cứ canh gần đến giờ con ăn, tôi gọi điện thoại về kiểm tra xem người ở nhà nấu thế nào, có đúng công thức tôi đã dặn dò không? Liên tục trong những ngày đầu, hôm nào tôi cũng điện thoại hỏi han, nhắc nhở và cuối ngày về trực tiếp kiểm tra chất lượng bữa ăn của con. Cà Phê hồi nhỏ được ăn uống tốt quá nên suýt bị béo phì đấy. Giờ ai hỏi tôi cho con uống sữa gì, học trường mẫu giáo nào tốt nhất thì tôi rành lắm (cười).

Thanh Thúy chăm con rất kỹ, đầu tư phát triển cả thể chất và trí tuệ cho bé Cà Phê.

– Trước tình trạng nhiều bảo mẫu, cô giáo mầm non bị tố hành hạ trẻ dã man khiến các bà mẹ khá đau đầu khi phải chọn trường cho con. Chị thì sao?

– Con trai tôi mới hơn 4 tuổi mà cũng phải trải qua 4 lần chuyển trường rồi đó. Thực sự, tìm được trường tốt cho con khó vô cùng. Trường mẫu giáo đầu tiên Cà Phê theo học thì cắt xén khẩu phần của trẻ. Bình thường khi đưa con đi học, tôi hay để ý quan sát thực đơn của các bé nên một ngày kia, tôi rất bất ngờ khi phát hiện ra họ đã từ từ cắt giảm khẩu phần ăn của trẻ. Chẳng hạn, tôi thấy mới đầu thì bữa ăn của các bé có tráng miệng sữa chua, rồi dần dần không thấy nữa luôn. Có nghĩa là người ta cắt giảm từ từ để mình khó phát hiện. Thấy vậy, tôi lập tức chuyển trường cho con.

Sau đó Cà Phê theo học một trường nổi tiếng ở quận 7. Tôi nghe nhiều người khen trường này tốt nên cho con vào học. Thế rồi một lần tôi đưa Cà Phê đi học muộn và trực tiếp chứng kiến các hoạt động trong giờ ăn và ngủ trưa của các bé ở đây. Người ta cho trẻ ăn trong những khay thiếc, khay nhựa rẻ tiền rồi để nhiều trẻ ngủ cả ở hành lang chứ không phải trong phòng đàng hoàng. Tôi là người rất nhạy nên nhìn cảnh đó là tôi biết ở đây chăm sóc con mình đến mức độ nào. Thế là Cà Phê lại phải chuyển trường. Đến ngôi trường thứ ba Cà Phê cũng không ở được lâu. Một hôm tình cờ tôi đi quay phim ở gần đó nên tranh thủ vào chơi với con thì thấy bé nằm chèo queo ở một góc nhìn rất bức bối, nóng nực. Thế là tôi lại chuyển trường cho con. Phải đến trường mẫu giáo thứ tư, tức là trường hiện tại Cà Phê đang theo học thì tôi mới thấy hài lòng.

– Chọn môi trường hoàn hảo cho con, chị không sợ sau này bé quen được sống thoải mái, khó thích nghi với hoàn cảnh khó khăn sao?

– Tôi cho con học trường tốt nhất nhưng cái tốt nhất ở đây không phải là điều kiện vật chất cao nhất đâu. Thực tế bé đang học ở trường do các ma sơ dạy với học phí thấp, chỉ có 1,8 triệu/tháng và mỗi lớp sĩ số rất đông, tới gần 50 trẻ. Vậy mà tôi lại thấy yên tâm. Còn mấy lớp ở trường quốc tế mà Cà Phê từng theo học thì chỉ khoảng 20 trẻ một lớp, học phí rất cao nhưng tôi lại thấy cách chăm sóc không tốt bằng trường của các ma sơ này.

Bé Cà Phê gần 5 tuổi, rất lanh lợi, đáng yêu.

Ở đây, các sơ tự làm sữa chua, khâu vá quần áo cho từng trẻ và vừa dạy, vừa làm gương sống lễ phép, chuẩn mực. Do học phí thấp nên trường không có nhiều đồ chơi như ở mấy nơi trước nhưng Cà Phê vẫn rất thích đi học. Hôm nào thấy tôi tới đón là chàng làm ra vẻ thở dài, chép miệng bảo: “Lại là mẹ. Mẹ tới là con phải về liền à”. Vì tôi không có thời gian nên cứ đến đón con là bé phải về ngay còn người khác thì có thể cho con nấn ná ở lại trường chơi thêm một lúc. Không giống như các cô bảo mẫu ghê gớm mà báo chí đăng tải, những sơ nuôi dạy con tôi nhìn ai cũng hiền từ, nhân hậu, cư xử nhẹ nhàng và rất yêu trẻ. Tuy vậy, trường này không dễ xin vào chút nào vì quá nhiều người muốn gửi con vào đây. Tôi cũng phải đăng ký và chờ đợi rất lâu mới có chỗ cho con vào học.

– Chuyển trường liên tục cho con, chị không sợ bé bị xáo trộn tâm lý sao?

– May mắn là Cà Phê rất dễ thích nghi với cái mới. Hồi nhỏ thì bé uống sữa gì cũng được, không kén chọn, chê bai gì cả. Lớn một chút thì cho học trường nào cũng xong, không hề quấy khóc. Có lẽ gia đình tôi chuyển nhà liên tục nên con cũng quen với những sự xáo trộn và dần có khả năng thích ứng nhanh.

– Ở nhà con chị quấn mẹ hay bố?

– Cà Phê là một đứa trẻ rất lạ. Mới 4 tuổi nhưng tính cách già dặn như ông cụ non. Bình thường bé rất bám vú nuôi nhưng khi vú nuôi đi vắng thì bé cũng tự ăn, tự chơi một mình, không đòi hỏi, nhõng nhẽo gì cả và cũng chẳng hỏi vú đi đâu rồi luôn (cười). Thỉnh thoảng, người vú nuôi của bé phải ra ngoài có việc, Cà Phê làm bộ chạy theo níu chân hỏi “Má hai đi đâu vậy (ở nhà bé gọi tôi là má một)?”. Người vú trả lời: “Má hai đi công chuyện. Phê ở nhà với mẹ nha”. Nghe vậy, bé đáp lại tỉnh queo: “Con chỉ hỏi vậy thôi mà”. Ý là chàng hỏi vậy thôi chứ thật ra chàng đâu có theo vú nuôi. Nhiều lúc nghe con nói những câu như người lớn, tôi chỉ biết tròn xoe mắt. Không có vú nuôi thì Cà Phê quấn mẹ hơn bố vì anh Thịnh thương con nhưng ít có thời gian trực tiếp chăm sóc, chơi đùa với bé.

– Ngoài việc quan tâm đến chuyện ăn uống, vui chơi của con, chị còn đầu tư thế nào để bé phát triển trí tuệ một cách tốt nhất?

– Tôi đang cho Cà Phê đi học thêm tiếng Anh vì tôi tìm hiểu thì biết, trẻ ở độ tuổi của Phê là có thể bắt đầu học tiếng Anh rồi. Tôi còn tính cho con đi học đàn nữa vì những đứa trẻ được học đàn không chỉ phát triển trí tuệ mà sau này còn trở thành những người có tâm hồn trong sáng, nhân hậu, yêu nghệ thuật. Tôi muốn con trai mình lớn lên sẽ là một người tốt bụng, nhân ái. Đợi Cà Phê lớn một chút tôi cho con tham dự các hoạt động tập thể ngoài trời để bé mạnh dạn, tự tin trước người lạ. Hồi nhỏ tôi dạn dĩ lắm. Mới 7 tuổi tôi đã có lần một mình xa nhà 5 ngày, xung phong làm quản trò cho một nhóm đông. Hồi mới là sinh viên năm thứ nhất, tôi đi đóng phim rồi. Tôi quan niệm nên thả con ra môi trường bên ngoài, để bé hoạt động, vui chơi cùng bạn bè rồi khám phá, học hỏi và xây dựng tính tự lập.

Nữ diễn viên khiến nhiều người ngưỡng mộ bởi vừa chăm con giỏi, dạy con ngoan vừa tích cực tham gia các dự án nghệ thuật và hoạt động của làng showbiz.

– Mẹ chị có ảnh hưởng thế nào đến việc nuôi dạy con của chị?

– Tôi nuôi dạy Cà Phê khác hoàn toàn cách mẹ đã chăm tôi khi còn nhỏ. Điều lớn nhất mẹ truyền cho tôi là lòng nhân hậu vô bờ bến. Mẹ tôi luôn sẵn lòng giúp đỡ mọi người mà không hề tính toán, đòi hỏi gì cả. Nhưng thực sự, những gì tôi biết và tính cách hiện nay của tôi là do tự phấn đấu, rèn luyện và trau dồi qua thời gian. Có thể vì tôi mất bố sớm nên phải tự lập và trưởng thành hơn những bạn bè cùng tuổi. Cuộc đời tôi từng gặp rất nhiều khó khăn và đều phải tự mình cố gắng vượt qua. Có lúc tôi làm đúng, có lúc tôi làm sai. Nhưng sau mỗi lần làm điều gì đó, tôi đều nhìn lại và rút kinh nghiệm, lấy đó làm bài học cho mình để hoàn thiện bản thân, lần sau sẽ làm tốt hơn lần trước. Tôi muốn dạy dỗ và truyền cho bé Cà Phê tính tự lập như thế.

– Con trai đã được gần 5 tuổi, khi nào vợ chồng chị sẽ có thêm con nữa?

– Chúng tôi cũng muốn có thêm thành viên mới rồi nhưng chờ hoài chưa thấy đây (cười). Cà Phê thích có em lắm, thỉnh thoảng bé lại ôm mẹ nói “Mẹ đẻ em bé cho con đi”. Tôi nghĩ chuyện con cái là trời cho, không sốt ruột được.

Theo ngoisao

Leave a Reply

Or