Tẩy giun cho trẻ và những điều cần lưu ý

Nhiễm giun không chỉ ảnh hưởng đến sinh hoạt và học tập của trẻ mà còn khiến trẻ bị rối loạn tiêu hóa, làm cản trở quá trình hấp thu chất dinh…

Theo các bác sĩ Bệnh viện Việt Nam – Thụy Điển Uông Bí (Quảng Ninh), trẻ em rất dễ bị nhiễm giun. Do trẻ em thường rất hiếu động, thích khám phá mọi thứ xung quanh mình, thường hay chơi đùa, đi chân đất, bò lê trên sàn nhà, hay mút tay, nhặt thức ăn rơi vãi dưới đất… tạo cơ hội vô cùng thuận lợi cho các loại giun xâm nhập vào cơ thể của trẻ.

Khi bị nhiễm giun, ngoài việc giun cư trú và chiếm các chất dinh dưỡng của cơ thể, giun còn gây nhiều triệu chứng phiền toái cho trẻ như ngứa ngáy khó chịu, ảnh hưởng đến sinh hoạt và học tập. Bên cạnh đó, trẻ bị nhiễm giun thường bị rối loạn tiêu hóa, làm cản trở quá trình hấp thu chất dinh dưỡng, mặt khác giun sẽ tranh giành chất dinh dưỡng với cơ thể, lâu dần làm cho trẻ xanh xao, chậm tăng trưởng thể chất, suy dinh dưỡng, giảm sức đề kháng dẫn đến dễ mắc các bệnh nhiễm khuẩn khác.

Ngoài ra, trong một số trường hợp nguy hiểm hơn, giun có thể gây ra những biến chứng như giun chui ống mật, tắc ruột hay ở các bé gái khi giun kim cái ra hậu môn đẻ trứng có thể bò sang bộ phận sinh dục gây viêm nhiễm. Vì vậy, việc tẩy giun định kỳ cho trẻ là việc làm hết sức cần thiết để bảo vệ sức khỏe cho trẻ.

Tẩy giun cho trẻ và những điều cần lưu ý - Ảnh 1.
Bố mẹ cần tẩy giun đúng cách để đảm bảo an toàn cho bé. (Ảnh minh họa)

Những lưu ý khi tẩy giun cho trẻ:

– Chỉ tẩy giun định kỳ khi trẻ đủ 2 tuổi trở lên. Trẻ dưới 2 tuổi nếu phát hiện hoặc nghi ngờ nhiễm giun thì nên đưa đi khám để làm xét nghiệm tầm soát, và khi đã xác định có nhiễm giun, trẻ sẽ được điều trị dưới sự theo dõi của bác sĩ.

– Có một số bệnh chống chỉ định với thuốc tẩy giun vì vậy cha mẹ cần kiểm tra sức khỏe trẻ trước khi quyết định tẩy giun cho con. Nếu trẻ mắc một số bệnh mãn tính, tim bẩm sinh, suy tim, suy gan, suy thận, đang ốm, sốt… không nên tẩy giun hoặc nếu tẩy, phải có chỉ định và sự theo dõi của bác sĩ.

– Thuốc tẩy giun cũng có một số tác dụng phụ ít gặp sau khi dùng thuốc như trẻ có thể đau bụng, buồn nôn và tiêu chảy thoáng qua, những triệu chứng này thường nhẹ và sẽ tự khỏi. Một số rất ít trường hợp trẻ có thể có phản ứng dị ứng với thuốc như phát ban, ngứa, nổi mề đay. Khi đó, nên đưa trẻ đi khám để được bác sĩ tư vấn cách xử lý phù hợp.

– Trước khi cho trẻ uống thuốc tẩy giun, bố mẹ nên cho trẻ ăn no. Thuốc tẩy giun hoạt động với cơ chế ngăn không cho giun hấp thụ glucose từ thức ăn. Sau khi uống thuốc, nếu trẻ cảm thấy mệt, bố mẹ có thể cho trẻ uống thêm nước, nước đường, sữa… Trường hợp trẻ ngày càng mệt hơn, kèm theo nôn ói thì cần đưa trẻ đến ngay cơ sở y tế gần nhất để điều trị kịp thời.

– Một điều quan trọng là cha mẹ phải tránh tình trạng tái nhiễm giun cho trẻ bằng cách giữ gìn vệ sinh nhà cửa, hướng dẫn trẻ rửa tay thường xuyên trước khi ăn và sau khi đi vệ sinh. Giữ gìn vệ sinh ăn uống, bảo đảm ăn chín, uống sôi, ăn các loại trái cây sau khi đã gọt vỏ. Khi tẩy giun nên làm đồng loạt với tất cả các thành viên trong gia đình để tránh tình trạng lây nhiễm chéo giữa cha mẹ với con cái, anh em trong nhà, khi đó hiệu quả của tẩy giun sẽ bị mất và trẻ dễ dàng tái nhiễm trở lại.

Theo Afamily

Leave a Reply

Or