Sự phát triển của bé 12 tháng tuổi

Thời gian trôi qua thật nhanh, mới đây thôi mà bé đã bước tới mốc thời gian quan trọng: bé được 1 năm tuổi. Còn gì khiến bố mẹ vui hơn khi mọi cố gắng của bố mẹ trong việc chăm sóc cho con yêu khỏe mạnh lớn nhanh đều đạt được kết quả tốt.

Sự phát triển của bé 12 tháng tuổi

Một tuổi là mốc quan trọng trong quá trình phát triển của bé. Đây là quãng thời gian có thể khiến cha mẹ cảm thấy con mình đã lớn lên rất nhiều, một số mẹ còn cảm thấy hơi tủi thân một chút vì “cục cưng” bây giờ bỗng dưng không muốn được mẹ ôm ấp, bế ẵm suốt ngày nữa mà chỉ lúc nào bé muốn mà thôi.

Khi bé được 12 tháng tuổi, thông thường cân nặng của bé trung bình gấp 3 lần cân nặng so với lúc mới sinh và chiều cao nằm trong khoảng 75 cm. Tiếp nối quá trình mọc răng từ tháng thứ 6, đến tháng thứ 12 bé đã có khoảng 8 chiếc răng. Quá trình này sẽ được hoàn tất khi bé được 24 tháng tuổi (20 chiếc răng).

Sự tương tác tình cảm của bé cũng đã có nhiều tiến triển vượt trội. Bé đã bắt đầu biết xấu hổ, lo âu khi gặp người lạ, khóc thét lên khi cha/mẹ không ở bên hay thói quen thích bắt chước người khác vẫn tiếp tục đến giai đoạn này như uống nước khi mẹ uống hoặc biết dùng lược để chải đầu.

sự phát triển của bé 12 tháng tuổi

Đừng nghĩ bé còn quá nhỏ để phân biệt người với người, bé đã có khả năng biết thích người này, vật này hơn người khác, vật khác qua biểu hiện nét mặt hoặc khóc rồi đấy.

Bé không còn là một em bé luôn chờ đợi để được ẵm suốt trong vòng tay của bạn, bây giờ bé tự di chuyển và chỉ cần ôm ấp khi bé muốn thôi. Do đó bé cố gắng tự mình làm nhiều việc và đôi khi phát cáu nếu bạn làm giùm.

Bé biết thử phản ứng cha/mẹ khi cho ăn như lắc đầu không ăn, thôi không làm việc gì khi cha mẹ nói không. Khả năng vận động của bé vẫn hoàn thiện không ngừng. Nếu như mấy tháng trước bạn còn đang trông mong bé biết lẫy, biết bò thì đến tháng bé đã vững vàng hơn. Bé có thể bước được nhiều bước hơn nếu như được cha mẹ giữ một tay.

Bé thích đẩy, ném và xô ngã mọi thứ, cũng thích chơi với những chiếc bình và xoong nồi bằng cách đặt cái nhỏ vào trong cái lớn hơn, thích làm mọi người giật mình bởi tiếng động lớn chúng gây ra khi đập các đồ vật vào nhau.

Khả năng giao tiếp của bé tiến triển rất tốt và có thể khiến bạn không khỏi có đôi chút ngạc nhiên đó. Việc giao tiếp với bé bây giờ là hai chiều, thay vì đơn thuần là từ phía mẹ như trước kia. Nếu bạn hỏi bé: “con ăn bột nhé” bé có thể biết lắc đầu hoặc gật đầu.

Một số trường hợp nếu bạn dạy bé thường xuyên, như khi bạn hỏi tai đâu? Bé đã có thể chỉ ngón tay vào tai của mình để đáp lại mẹ. Do hiểu biết ngày càng tốt nên bạn có thể dạy con cách cư xử, chẳng hạn nói “con xin” hay “chào tạm biệt”. Bạn cũng có thể thuyết phục con cùng mẹ dọn dẹp đồ khi chơi xong…

Chế độ dinh dưỡng cần thiết

Bé của bạn đã nặng gấp 3 lần lúc sinh và đang tập đứng rồi đi. Điều này khiến việc cung cấp thêm nhiều năng lượng hơn so với những tháng trước để bé có tiền đề lớn nhanh hơn. Bé cần 800-1000 kcalo mỗi ngày và bạn nên cần bằng chất dinh dưỡng cho các bữa ăn của bé.

Bạn nên cho bé ăn đặc hơn một chút. Rau nên thái nhỏ, không nên xay nhuyễn, để cho bé tập nhai vì bé đã có khoảng 8 chiếc răng xinh xắn rồi.

Sữa vẫn là nguồn dinh dưỡng không thể thiếu của bé. Bên cạnh việc duy trì nguồn sữa mẹ, thì đây là mốc mà bạn phải thay đổi loại sữa công thức cho phù hợp với tuổi của bé. Bạn nên mua hộp nhỏ, cho bé uống thử và theo dõi trong một vài ngày xem hệ tiêu hóa của bé ra sao rồi hãy quyết định có nên cho con mình uống sữa đó hay không?

Những bệnh thường gặp và cách phòng tránh

Chậm lớn là một trong những bệnh được các bậc phụ huynh đặc biệt quan tâm khi bé được 1 tuổi. Bé mắc bệnh chậm lớn không chỉ về thể chất mà còn về cả nhận thức, ngữ thái tình cảm hoặc các kỹ năng mang tính xã hội. Dấu hiệu nhận biết là chậm biết lẫy, biết bò và chậm phát triển ngôn ngữ.

Để phòng tránh bệnh này bố mẹ nên xây dựng cho bé một chế độ ăn hợp lý, đầy đủ chất dinh dưỡng cần thiết. Nên có một bảng theo dõi và ghi lại các hoạt động của bé từ khi chào đời.

Nếu phát hiện các triệu chứng, biểu hiện khác thường ở bé, bạn không nên quá lo lắng, nên bình tĩnh và liên lạc tư vấn khám bác sĩ. Tại đây bác sĩ có kinh nghiệm sẽ cho những lời khuyên thiết thực và bổ ích.

Bố mẹ cần làm

sự phát triển của bé 12 tháng tuổi

Do bé vẫn còn đang trong độ tuổi coi mình là trung tâm của vũ trụ nên tính ích kỷ và tính sở hữu rất cao. Để khắc phục điều này, bạn nên thiết lập các giới hạn để dạy bé phải giao tiếp một cách cân nhắc và tôn trọng người khác. Nói ngắn gọn lại là không phải bé muốn đòi gì cũng được.

Hãy đảm bảo tính hiếu kỳ, nghịch ngợm của bé không dẫn đến những bất lợi, hay nguy hiểm nào. Do đó bạn hãy bảo đảm rằng những vật nặng trên bàn và kệ sách không bị đổ ngược vào gây tổn thương cho bé. Không để bất cứ vật gì dễ gây thương tổn trong tầm với của bé.

Một điều quan trọng nữa cần được quan tâm trong tháng này là tổ chức lễ thôi nôi cho bé. Đây cũng là thời điểm bạn cũng xứng đáng được chúc mừng vì đã vượt qua được một năm đầy vất vả hoàn thành công việc của những người cha người mẹ tốt và chuẩn bị chờ đón những tháng ngày vất vả tiếp theo.

Hãy dành cho bé những tình cảm ấm áp nhất qua những cái ôm hôn thắm thiết, những lời chúc mừng từ mọi người và đừng quên lưu lại những bức ảnh về thời khắc tuyệt vời này bạn nhé.

Chúc mừng sinh nhật đầu tiên của bé!

Theo Nhatkybe

Leave a Reply

Or