Quản lý con sử dụng thiết bị thông minh hiệu quả

Cha mẹ có thể cài đặt phần mềm trên máy tính và điện thoại để quản lý thời lượng chơi và học của con.

Tiến sĩ tâm lý Huỳnh Văn Sơn trình bày ý kiến tại buổi toạn đàm "Giải pháp giáo dục Nahi Kids giúp cha mẹ yên tâm khi cho trẻ tiếp cận công nghệ số"

Tiến sĩ tâm lý Huỳnh Văn Sơn trình bày ý kiến trong một tọa đàm về giải pháp giúp cha mẹ yên tâm khi cho trẻ tiếp cận công nghệ số tổ chức tại TP HCM. Ảnh: Thi Trân.

Phó giáo sư, tiến sĩ Tâm lý Huỳnh Văn Sơn nhìn nhận, ngày nay chúng ta dễ dàng bắt gặp những đứa trẻ sử dụng thành thạo điện thoại thông minh, máy tính bảng. Các em rất hoạt bát và học hỏi được nhiều điều hay từ sự phát triển của công nghệ thông tin. Tuy nhiên bên cạnh những tác dụng tích cực, không ít trường hợp trẻ sử dụng thiết bị số vượt tầm kiểm soát để lại tác hại không nhỏ như nghiện game, tiếp cận nội dung xấu thiếu lành mạnh, ảnh hưởng sức khỏe, đặc biệt là các bệnh liên quan đến mắt, cột sống, tâm lý…

Theo thống kê của Trung tâm nghiên cứu Văn hóa – Giáo dục – Đời sống xã hội TP HCM và một công ty nghiên cứu thị trường, phần lớn các bé sử dụng thiết bị thông minh dễ xao nhãng việc học hành (69%), bị ảnh hưởng bởi những nội dung thiếu lành mạnh (66%), ít giao tiếp (56%), ít vận động (73%), bị bệnh về mắt (85%), nghiện chơi đến mức quên ăn, ngủ, không quan tâm đến thế giới xung quanh (75%), giảm khả năng tư duy và tưởng tượng (34%).

Nhà giáo ưu tú Nguyễn Thanh Nhân cũng bày tỏ lo ngại về những nguy cơ khi trẻ tiếp xúc với thiết bị thông minh mà không có công cụ quản lý. Theo bà Nhân, đặc điểm tâm lý của trẻ nhỏ là “cái gì càng cấm càng trở nên hấp dẫn”. Thực tế nhiều phụ huynh vì lo sợ con hư hỏng nên cấm các bé sử dụng thiết bị thông minh. Hệ quả khiến trẻ cảm thấy ấm ức, chúng có thể lén lấy máy của cha mẹ hoặc anh chị dùng rồi vô tình xóa mất dữ liệu quan trọng, một số em trốn học để đi chơi game.

“Thay vì cấm, chúng ta nên tìm cách hướng trẻ tới những hoạt động lành mạnh thì hay hơn. Chẳng hạn cha mẹ có thể cho con sử dụng máy tính nhưng toàn bộ chương trình đã được hiệu chỉnh cho phù hợp với tuổi của trẻ, đồng thời có công cụ quản lý thời lượng bé chơi và học sao cho hài hòa”, nhà giáo khuyên.

nahi-kids-2715-1415856114.jpg

Thời đại công nghệ số mở ra nhiều cơ hội tiếp cận với khối tri thức khổng lồ của nhân loại. Ảnh minh họa: Nahi Kids.

Tiến sĩ Huỳnh Văn Sơn cũng đồng ý quan điểm trên. Theo ông, thời đại “thế giới phẳng” mở ra cho thế hệ trẻ rất nhiều cơ hội để tiếp cận với khối tri thức khổng lồ được cập nhật hàng ngày. “Song làm sao để trao công nghệ vào tay trẻ mà không phải lo lắng là điều mà cả phụ huynh và những người làm công tác giáo dục trăn trở nhiều nhất”, ông nói.

Trong khi chờ đợi các cơ quan giáo dục tiếp tục nghiên cứu những phương thức quản lý trẻ sử dụng công nghệ thông tin hiệu quả, ông Sơn khuyên phụ huynh nên chủ động trang bị những công cụ quản lý không để trẻ sử dụng thiết bị thông minh vượt quá tầm kiểm soát. Ông gợi ý một số giải pháp như sử dụng phần mềm cài đặt thời gian học và chơi trên máy tính, chọn lọc các nội dung hữu ích đã được kiểm duyệt bởi các chuyên gia giáo dục, quản lý việc tiếp cận Internet của trẻ. Một số công cụ tiên tiến còn cho phép những phụ huynh bận rộn có thể xem báo cáo và quản lý con từ xa qua website. Thông qua đó, cha mẹ sẽ hiểu con hơn, dễ dàng trao đổi, vun đắp tình cảm cho trẻ.

“Thiết bị thông minh đến đâu cũng không thể thay thế được sự quan tâm chăm sóc trực tiếp của cha mẹ dành cho con cái. Vì vậy khi có thời gian, phụ huynh hãy cùng trẻ tham gia các hoạt động ngoài trời để giúp các em dung hòa cuộc sống, đồng thời vun đắp tình cảm gia đình”, vị tiến sĩ tâm lý nhắn nhủ.

 Theo vnexpress

Leave a Reply

Or