Phượt thủ đi khắp thế giới chia sẻ về an toàn cho trẻ vào hè

Từng được tạp chí du lịch Mỹ gọi là người Việt đầu tiên du lịch vòng quanh thế giới nhưng Steve Trần cũng là một ông bố giàu kiến thức chăm con.

Mùa hè đã đến. Mùa hè là mùa vui chơi cho trẻ em nhưng ở Việt Nam cũng là mùa có nhiều trẻ em thiệt mạng nhất mà nguyên nhân phổ biến bao gồm đuối nước, cảm nắng, giật điện… Riêng đuối nước, theo báo cáo của Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc (UNICEF), hàng năm tai nạn đuối nước giết chết hơn 7. 000 trẻ em tại Việt nam, cao gấp 10 lần các nước phát triển. Một số trẻ em sống sót được sau khi bị đuối nước cũng bị ảnh hưởng nặng nề tới sức khỏe do não bộ tổn thương.

Điều quan trọng là nguy cơ đuối nước có ở khắp mọi nơi không chỉ ở ngoài biển, ao, hồ, sông, ngòi mà ở ngay trong mỗi gia đình (chum, chậu, bồn tắm). Trẻ em bị đuối nước không phải do lỗi của trẻ. Chính cha mẹ chủ quan, lơ là và thiếu kiến thức, kỹ năng về nhận biết dấu hiệu nguy hiểm có thể dẫn trẻ tới tai nạn đuối nước. Thay vì cấm đoán con vui chơi, gần gũi với thiên nhiên, cha mẹ nên bổ sung kiến thức, kỹ năng cho mình.

11157349-10153250747674530-703-1965-2345

Theo anh Steve Trần, bơi là kỹ năng sinh tồn bậc nhất cho trẻ.

1. Cách phòng tránh hiểm nguy từ nước

Trông trẻ: Như đã nói ở trên, trẻ em luôn cần phải quan sát và để mắt lưu ý. Nếu có nhiều người thì nên thay phiên nhau trông trẻ. Còn nếu chỉ có một mình bạn thì bạn đi đâu, trẻ phải theo đấy, kể cả lúc đi vệ sinh.

Bồn tắm, bồn cầu, chậu, túi nilon: Trẻ có thể đuối nước ở mức nước lấp xấp 10 cm. Ngay cả túi nilon đi mua sắm về cần phải xếp gọn, không vứt lung tung. Trẻ có thể mang vào nhà tắm đựng nước và chui đầu vào cho mát hoặc đùa nghịch. Đã có nhiều tai nạn thương tâm xảy ra từ những chiếc túi nilon đi chợ về.

Túi nilon shopping ở Bắc Mỹ và các nước phát triển thường được đục lỗ để tránh nguy cơ chết ngạt và đuối nước. Nhiều gia đình hay để đồ chơi trong bồn tắm hoặc chậu tắm cho con chơi khi tắm nhưng nên lấy đồ chơi ra khỏi phòng tắm, bể bơi, jacuzzi (bể sục) của gia đình để trẻ không mò vào chơi một mình mà bạn không biết. Nếu không thấy con đâu, một trong những nơi cần tìm đầu tiên là phòng tắm, jacuzzi, bể bơi gia đình, khu giặt đồ, máy giặt.

a3-2045-1434165056.jpg

Bọc ổ điện.

a4-1644-1434165056.jpg

Khóa an toàn để tránh nguy hiểm cho bé.

Khóa an toàn trẻ em: Nhà có trẻ em cần có các khóa đơn giản để trẻ không mở được như khóa cửa bồn tắm, bồn cầu, khóa tủ, vỏ bọc ổ điện (đặc biệt những ổ đện máy sấy, máy cạo râu trong buồng tắm). Nếu không mua được nút nhựa che ổ đện, có thể dùng băng dính dán lại. Bạn có thể mua trên mạng nhiều loại khóa cửa ngăn không cho trẻ em mở hoặc có thể chạy ra hàng sắt mua cái móc sắt mấy nghìn về lắp vào cửa là xong.

Xin phép: Dạy cho trẻ thói quen xin phép, phải được sự chấp thuận của cha mẹ mới được nghịch nước, bơi, tắm…

Áo phao: Cho trẻ mặc áo phao nếu chưa biết bơi. Nếu chơi thuyền hay tham gia các hoạt động thể thao dưới nước cũng nên cho trẻ mặc áo phao. Cha mẹ không biết bơi cũng phải mặc áo phao. Có nhiều ông bố vì sỹ diện hoặc chủ quan khi đi thuyền không mặc áo phao và khi đuối nước mất bình tĩnh, ôm vợ con đến ngạt thở luôn.

Dòng chảy rút xa bờ (Rip currents): Cha mẹ cần phải hiểu biết về dòng chảy rút xa bờ và khả năng ứng phó. Trẻ biết bơi và trên 6 tuổi cần phải dạy cho trẻ biết, bình tĩnh không hoảng loạn, thả lỏng cơ thể cho đến khi cảm thấy có thể bơi được. Khi bơi thì bơi song song với bãi biển cho đến khi thoát khỏi dòng nước hãy bơi vào bờ sau.

a5-2645-1434165056.jpg

Bơi: Hãy cho trẻ học bơi. Đây là kỹ năng sinh tồn quan trọng bậc nhất. Nếu bạn biết bơi có thể dạy trẻ từ bé. Nhiều nơi dạy trẻ bơi từ vài tháng tuổi. Nếu bạn không biết bơi, cả gia đình hãy cùng tham gia một khóa học bơi. Nếu trẻ chưa biết bơi cũng nên dạy cho trẻ cách thả nổi khi chẳng may rơi xuống nước.

Biết bơi: Trẻ biết bơi, dạy cho trẻ không được bơi một mình, đặc biệt ngoài sông, suối, hồ, biển. Luôn luôn đặt chân xuống nước trước để đo nhiệt độ nước và độ nông sâu, có đá ngầm, hào, san hô hay các vật sắc nhọn. Tuyệt đối không nhảy ùm xuống nước ở các khu vực chưa bơi bao giờ.

CPR & cứu người: Kỹ năng CPR (Cardio-Pulmonary Resuscitation – Sơ cứu ngừng thở, ngừng tim) và cứu người đuối nước rất đơn giản có thể học trên mạng (Google, Youtube) để biết. Nhiều trẻ biết bơi nhưng chưa học kỹ năng cứu người khi đuối nước có thể bị nguy hiểm cho chính bản thân. Một trong những điều trẻ nên làm đầu tiền là cầu cứu sự giúp đỡ của người lớn, trước khi tự mình giải quyết.

2. Cách phòng tránh hiểm nguy từ nắng và nhiệt

a2-8929-1434165056.jpg

Khi hoạt đột dưới trời nắng, bé cần được mặc quần áo dài chất liệu cotton thoáng mát, đội mũ, che ô, uống nước thường xuyên…

Thời gian an toàn: Trước 10h và sau 16h. Trẻ không nên chơi ngoài nắng gắt dù đi biển cũng nên ở trong bóng râm, có thể bơi trong bể thay vì ngoài biển.

Kem chống nắng: Trẻ cần dùng kem chống nắng từ SPF 30 trở lên, nếu đi biển ngày nắng và trẻ ưa hoạt động thì nên dùng loại SPF 60. Sau hai tiếng nên thoa lại kem chống nắng cho trẻ chứ không phải ngày bôi một lần là đủ. Da cháy nắng sẽ làm trẻ đau rát, khó chịu, quấy khóc và không ngủ được, thậm chí có thể dẫn đến ung thư da.

Trông trẻ: Đừng mải nhậu, nói chuyện, đánh bài mà mất tập trung, chỉ sểnh một chút là trẻ có thể nguy hiểm, cần phải thay phiên trông trẻ.

Triệu chứng: Nếu trẻ có các biểu hiện như chóng mặt, buồn nôn, khát nước, khóc thở, tiểu vàng… thì đó là các triệu chứng sốc nhiệt, cảm nắng, mất nước. Cha mẹ cần chú ý để xử lý kịp thời.

Quần áo: Mặc cho trẻ đồ cotton hoặc vải thông minh loại nhẹ, sáng màu và thoát mồ hôi. Nếu đi biển có thể mua quần áo đi biển cho trẻ chống được nắng, tia tử ngoại.

Mất nước: Nhớ nhắc trẻ uống nước thường xuyên, trẻ mải chơi không uống dẫn đến mất nước rất nguy hiểm.

Ô tô: Không để trẻ em trong ô tô, kể cả bật máy lạnh. Có nhiều tai nạn đáng thương xảy ra ở Việt Nam về việc để trẻ trong ô tô buổi trưa trong lúc cha mẹ vào shopping.

Sốc nhiệt: Nhiệt độ trong nhà không nên bật điều hòa quá lạnh chênh lệch với nhiệt độ bên ngoài nhiều. Tôi đã chứng kiến một người bạn Tây cao 1m90, nặng cả 100 kg, rất thích để máy lạnh trong văn phòng 18 độ. Một hôm trời nắng, có việc phải đi ra ngoài, ngay khi cánh cửa kính văn phòng công ty vừa mở ra, anh ấy đổ rầm một cái úp mặt thẳng xuống vỉa hè trước công ty vì sốc nhiệt.

Steve Trần

Theo ngoisao

Leave a Reply

Or