Phụ nữ có thai không nên ăn gì trong 3 tháng đầu?

Những loại thực phẩm hàng ngày hay ăn đôi khi lại trở thành “kẻ thù” của mẹ bầu. Phụ nữ có thai không nên ăn gì trong tam cá nguyệt đầu tiên? Mẹ cùng tham khảo các gợi ý sau nhé!

Thời gian 40 tuần thai không phải dài nhưng với mẹ bầu đó là khoảng thời gian đặc biệt với đủ mọi cảm xúc. Hồi hộp, lo lắng, hạnh phúc, náo nức chờ đợi bé yêu chào đời. Có thể nói đây là thời gian các mẹ quan tâm nhất đến mọi hoạt động của mình. Đi đứng như thế nào, ăn uống làm sao đều phải mang lại kết quả tốt nhất cho thai nhi. Tam cá nguyệt đầu tiên là khoảng thời gian nhạy cảm với mẹ, phụ nữ có thai không nên ăn gì hay bảo đảm dinh dưỡng thế nào khi ốm nghén là điều mẹ nào cũng quan tâm. Cùng MarryBaby tìm hiểu dinh dưỡng của mẹ bầu trong tam cá nguyệt đầu tiên có gì đặc biệt nhé!


Đặc điểm thai kỳ tam cá nguyệt đầu tiên

Tam cá nguyệt thứ nhất là khoảng thời gian vô cùng quan trọng. Đây là thời điểm hình thành và bắt đầu quá trình nuôi dưỡng em bé trong bụng. Sự phát triển của thai nhi sau này có tốt không chủ yếu dựa vào bước đệm đầu tiên này. Mọi hoạt động của mẹ trong thời gian này đều có ảnh hưởng mạnh mẽ đến sự phát triển của thai nhi, đặc biệt là dinh dưỡng.

Trong thời gian này mẹ chỉ cần duy trì mức năng lượng như bình thường, chế độ dinh dưỡng đầy đủ. Trọng lượng cơ thể mẹ tăng trong khoảng 0,9 đến 2,3 kg là đạt. Đối với các mẹ “mũm mĩm”, bạn không cần tăng thêm. Thay vào đó, bạn nên tập luyện những môn thể thao nhẹ nhàng để đảm bảo sức khỏe.

Hiện tượng chán ăn, buồn nôn do ốm nghén thường xuất hiện trong thời gian này. Để khắc phục, mẹ nên chia thành nhiều bữa ăn nhỏ trong ngày và đảm bảo 3 bữa ăn chính. Nhu cầu dinh dưỡng của mẹ và bé sẽ được đảm bảo.

Phụ nữ có thai không nên ăn gì

Nhiều thực phẩm tưởng chừng dinh dưỡng, nhưng lại tiềm ẩn nguy cơ với sức khỏe mẹ và em bé trong bụng

Các chất dinh dưỡng mẹ cần đảm bảo cung cấp đủ cho cơ thể trong giai đoạn này bao gồm:

  • Chất sắt: Tác dụng giúp tăng thể tích máu, phòng ngừa thiếu máu. Thực phẩm chứa sắt như thịt, gan, tim, cật, rau xanh, các loại hạt…
  • Can-xi: Bổ sung canxi cho bà bầu trong 3 tháng đầu giúp hệ thần kinh của mẹ được ổn định, hình thành hệ xương và răng cho em bé. Thực phẩm chứa canxin: trứng, sữa, tôm, cua, cá…
  • Vitamin B9 (a-xít folic): Đây là loại vitamin giúp giảm nguy cơ dị tất ống thần kinh cho trẻ, có nhiều trong súp lơ xanh, cải bó xôi, ngũ cốc… Ngoài ra, vitamin D và vitamin C cũng là 2 loại vitamin quan trọng mà mẹ cần đảm bảo cung cấp cho cơ thể.

Tam cá nguyệt đầu tiên, phụ nữ có thai không nên ăn gì?

Mang thai 3 tháng đầu là khoảng thời gian cơ thể mẹ xuất hiện những biến đổi sinh lý để thích nghi. Mẹ cần thêm năng lượng để nuôi dưỡng và tạo tiền đề phát triển cho bé. Điều này không có nghĩa rằng mẹ nên ăn nhiều mà mẹ cần ăn đủ và ăn đúng. Ngoài việc bổ sung các chất dinh dưỡng, mẹ cần thay đổi một số thói quen hay sở thích ăn uống của bản thân và mẹ phải kiêng những thực phẩm sau:

  • Không ăn quá mặn: Nếu mẹ có sở thích ăn uống “đậm đà” thì mẹ cần thay đổi ngay nhé. Ăn quá mặn sẽ dẫn đến tình trạng cao huyết áp, tăng nguy cơ bị stress, ảnh hưởng xấu đến thận, gây mất nước… không tốt cho sức khỏe của mẹ và bé.
  • Những thực phẩm có nguy cơ ngộ độc cao: Mẹ bầu, đặc biệt là vào tam cá nguyệt đầu tiên, mẹ không nên ăn những thực phẩm chứa nhiều chất độc như rau, củ mọc mầm (như mầm khoai tây) gây ảnh hưởng đến thai nhi. Các thực phẩm sữa, bơ, phô mát chưa qua tiệt trùng, trứng tái, thịt sống cũng chứa nhiều vi khuẩn, gây mầm bệnh và tác động xấu đến sức khỏe của mẹ và bé.
  • Không ăn những thực phẩm có thể gây động thai, sinh non: Đu đủ xanh, đào, gừng, ớt, rau sam… là những thực phẩm không nên ăn trong tam cá nguyệt đầu tiên.
  • Không uống chất kích thích: Rượu bia, cà phê, nước ngọt có ga… là các thức uống chứa chất kích thích sẽ thông qua cơ thể mẹ xâm nhập vào bào thai, trực tiếp gây hại cho bé, có thể làm bé chậm phát triển hay gây ra những dị tật trên cơ thể.

Trong suốt thời gian 9 tháng thai kỳ, phụ nữ có thai không nên ăn gì luôn là mối bận tâm của mẹ. Mẹ nên tham khảo ý kiến của bác sĩ thường xuyên vì trong từng thời điểm nhu cầu dinh dưỡng của mẹ sẽ thay đổi.

 Theo MarryBaby

Leave a Reply

Or