Phát minh mang tính đột phá: Tử cung nhân tạo giúp các bé sinh non có thêm cơ hội sống sót

Với phát minh khoa học mang tính đột phá này, những em bé sinh non sẽ có thêm cơ hội sống sót khi ra khỏi bụng mẹ quá sớm.

Sinh con thiếu tháng là nỗi lo sợ của nhiều bà bầu bởi kéo theo đó là hàng loạt rủi ro không thể lường trước được, kể cả có vượt qua nguy hiểm thì em bé cũng sẽ yếu ớt vì cơ thể chưa phát triển hoàn thiện.

Theo thống kê, mỗi năm có khoảng 6% số trẻ sơ sinh, tương đương 30.000 trẻ em, được sinh non, nghĩa là trước hoặc trong tuần thứ 28 của thai kỳ.

Phát minh mang tính đột phá: Tử cung nhân tạo giúp các bé sinh non có thêm cơ hội sống sót - Ảnh 1.

Sinh non là nỗi lo sợ của nhiều bà bầu (Ảnh minh họa).

Còn theo nghiên cứu về thai nghén của trang web chuyên nghiên cứu về sinh sản Tommy.org (Anh), những đứa trẻ sinh ra ở tuần thứ 23 chỉ có 15% cơ hội sống sót. Tỷ lệ này tăng lên 55% vào tuần thứ 24, trong khi trẻ sinh ở tuần thứ 25 có cơ hội sống sót 80%.

Theo Daily Mail, chỉ tính riêng tại Anh, những em bé sinh non vào khoảng tuần thứ 23 của thai kỳ (chỉ nặng khoảng 600 gram) có tỉ lệ sống sót khá thấp, chỉ khoảng 1/3. Trong đó, 90% trẻ có nguy cơ mắc các bệnh phổi mãn tính hoặc liên quan đến hệ miễn dịch vì các cơ quan trong cơ thể chưa phát triển hoàn thiện.

Hiểu được những thực trạng đó, mới đây, các nhà nghiên cứu tại Bệnh viện nhi Philadelphia, Mỹ đã sáng chế ra tử cung nhân tạo (gọi là Biobag) và thử nghiệm thành công trên cừu non. Từ đó giúp mở ra cơ hội lớn cho trẻ sinh non thiếu tháng.

Cừu sinh non phát triển trong tử cung nhân tạo.

Tử cung nhân tạo Biobag thực chất là chiếc túi nhựa chứa đầy dung dịch giống với nước ối trong tử cung mẹ. Sau khi được đưa vào “chiếc túi thần kỳ” này, bào thai sinh non tiếp tục được lưu thông máu, trao đổi khí thông qua một ống dẫn. Trong môi trường này, những bào thai an toàn hơn so với lồng kính.

Thiết bị này hoàn toàn không dùng đến máy bơm cơ học vì ngay cả những áp lực nhân tạo nhẹ nhàng có thể gây tử vong cho đứa trẻ.

Trong thí nghiệm của mình, các nhà khoa học đã thử nghiệm tử cung nhân tạo với những con cừu đang ở ngày 105 tới 120 của thai kỳ, tương đương trẻ sơ sinh trong tuần thứ 22 – 24.

Theo kết quả công bố trên tạp chí Nature Communications, 6 con cừu non tiếp tục phát triển bình thường dù đã ra khỏi bụng mẹ, chúng tiếp tục hoàn thiện các cơ quan trong cơ thể, chúng cũng có thể cử động, mở mắt, nuốt nước ối và mọc thêm lông. “Chúng dường như phát triển bình thường ở mọi khía cạnh“, các nhà khoa học cho biết.

Phát minh mang tính đột phá: Tử cung nhân tạo giúp các bé sinh non có thêm cơ hội sống sót - Ảnh 3.

Phát minh về tử cung nhân tạo sẽ tăng thêm cơ hội sống sót cho trẻ sinh non.

Bác sĩ Alan Flake, giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Fetal tại Bệnh viện Nhi Philadelphia, cũng là tác giả chính của phát minh này cho biết: “Hệ thống của chúng tôi có khả năng ngăn chặn các nguy cơ bệnh tật mà trẻ sinh non có thể gặp nhờ những công nghệ y học hiện đại. Tử cung của người mẹ chính là cầu nối giữa thai nhi và thế giới bên ngoài, nếu chúng ta phát triển được một hệ thống hỗ trợ cho quá trình phát triển, hoàn thiện các cơ quan nội tạng trong vài tuần, thì có thể cải thiện phần nào sức khỏe cho những em bé ra khỏi bụng mẹ sớm“.

Tuy nhiên, phát minh mới này không thể thay thế tử cung người mẹ, nó không nhằm kết thúc thai kỳ sớm, mà chỉ là tạo điều kiện chăm sóc tốt hơn cho trẻ sơ sinh thiếu tháng.

Giáo sư Colin Duncan của Đại học Edinburgh, Anh, chia sẻ: “Nghiên cứu này không nhằm thay thế tử cung người mẹ, nó là giải pháp mới để chăm sóc, tăng cơ hội sống sót, phát triển tốt hơn cho những em bé sinh non“.

Phát minh mang tính đột phá: Tử cung nhân tạo giúp các bé sinh non có thêm cơ hội sống sót - Ảnh 4.

Hệ thống này có khả năng vượt trội so với những gì các bệnh viện hiện nay có thể làm cho những em bé sinh thiếu tháng.

Bên cạnh đó, nghiên cứu này hiện vẫn chưa hoàn thiện, bởi đặc điểm cơ thể giữa cừu non và trẻ sơ sinh có nhiều khác biệt. Cừu non có kích thước gấp ba lần so với trẻ sơ sinh, đồng thời con vật cũng có thời gian phát triển nhanh hơn so với ở người, cừu mất 5 tháng để hoàn thiện cơ thể trong khi con người cần đến 8 tháng.

Nếu mọi việc suôn sẻ, các nhà nghiên cứu hy vọng sẽ thử nghiệm thiết bị này đối với con người trong vòng 3-5 năm tới.

 Theo Tri Thức Trẻ

Leave a Reply

Or