Nuôi con bằng sữa mẹ và việc ăn dặm

Sữa mẹ là nguồn dinh dưỡng chính cho bé với đầy đủ các chất dinh dưỡng cần thiết trong 6 tháng đầu đời. Từ 6 tháng tuổi, trẻ bắt đầu ăn dặm. Tuy nhiên vẫn phải tiếp tục duy trì sữa mẹ, vì đây vẫn là nguồn dinh dưỡng chính của bé trong suốt năm đầu. Theo khuyến cáo của Tổ chức Y tế thế giới, nên cho con bú mẹ hoàn toàn trong 6 tháng đầu và tiếp tục cho con bú trong 2 năm hoặc hơn nữa nếu có thể song song với việc ăn dặm. Vài thông tin dưới đây có thể giúp ích các bà mẹ trong giai đoạn mới mẻ này.

Khi nào bé đã sẵn sàng cho việc ăn dặm?

Khi bé vẫn còn phản xạ đẩy lưỡi (thức ăn đưa vào miệng được đẩy trở ra bằng lưỡi) là bé chưa sẵn sàng để thử các thực phẩm rắn. Khi bé được 6 tháng tuổi, phản xạ này sẽ mất; kể từ lúc này bé có thể bắt đầu cho thấy sự quan tâm đến thức ăn của mẹ làm và có thể chồm tới bốc thức ăn đưa vào miệng, đây là lúc mẹ bắt đầu cho bé ăn dăm.

Ảnh minh họa: Internet

Làm thế nào để bắt đầu

Để bé ngồi thẳng lên ghế ăn hoặc trên đùi của bạn. Nếu có ít nhất một thành viên khác trong gia đình hoặc một bé khác ăn cùng một lúc với bé để bé trông thấy và bắt chước là tốt nhất, vì suy cho cùng bé cũng đang học ăn mà, phải không? Nên tôn trọng sở thích của bé, nếu bé có vẻ không thích một số loại thực phẩm nào đó, đừng ép bé mà nên cho bé vài ngày sau đó thử lại một lần nữa. Nhiều bé thích được kiểm soát ngay từ đầu. Bạn có thể cho bé dùng tay bốc thức ăn cho đến khi bé có thể ăn bằng muỗng. Cho bé chơi với một số loại thực phẩm thích hợp.

Bé sẽ cố gắng bắt chước bạn và tìm hiểu tại sao phải dùng muỗng. Một số bé cảm thấy rất thích thú khi cầm muỗng múc thức ăn. Nên cho bé để bắt đầu nhai thức ăn mềm từ khoảng 7 tháng tuổi. Thời gian đầu bạn sẽ cảm thấy khá chật vật, thậm chí khá căng thẳng mỗi khi bắt đầu bữa ăn. Kiên nhẫn nhé vì đây là một phần của bài học về một kỹ năng mới mà con bạn phải học.

Loại thức ăn nào nên bắt đầu cho bé?

Trong hầu hết các trường hợp, bạn nên nấu ăn riêng cho bé, bởi vì bạn muốn con mình học cách thưởng thức.

Dị ứng thức ăn

Trẻ có thể làm quen với nhiều loại thức ăn từ khoảng 6 tháng tuổi; cho đến nay nhiều nghiên cứu cho thấy bé nên được làm quen với các loại thực phẩm như trứng, bột, các loại hạt, sữa và cá từ khoảng 6 tháng trở đi. Kết quả nghiên cứu cho thấy việc cung cấp một lượng nhỏ các loại thực phẩm trên thường xuyên từ khoảng 6 tháng tuổi sẽ giúp giảm nguy cơ dị ứng. Nếu bé có dấu hiệu của dị ứng thực phẩm, nên hỏi ý kiến của bác sĩ.

Vài thực phẩm gợi ý

– Trái cây: táo nghiền hoặc một miếng chuối hay bơ chín; một múi quýt hoặc cam bỏ hạt.

– Thịt nạc heo, thịt gà; một lát mỏng đậu hũ nấu chín.

– Cá.

– Các loại rau: đậu xanh nấu chín; bông cải xanh; khoai tây nấu chín, cà rốt.

– Bánh mì, mì.

– Trứng: lòng đỏ trứng luộc hoặc cả quả trứng.

– Các sản phẩm sữa: pho mát; phô mai bào, sữa chua, pho mát mềm.

Hàm lượng sắt và kẽm

Từ 6 đến 12 tháng, hàm lượng sắt và kẽm dự trữ của một bé từ sơ sinh bắt đầu giảm. Do đó, cần cung cấp thêm các loại thực phẩm chứa sắt như thịt đỏ, là một trong những thức ăn đầu tiên của bé.

Nghẹt thở do thức ăn

Luôn ở bên cạnh bé và phải để bé ngồi thẳng khi ăn hoặc nhai. Tránh cho bé ăn thức ăn gây nguy hiểm như các loại hạt, trái cây chưa lấy hạt đối với trẻ dưới 5 tuổi.

Nôn không giống như nghẹt thở, không quá nguy hiểm đối với trẻ sơ sinh. Tuy nhiên, khi thấy người lớn hoảng sợ, bé cũng hoảng sợ theo và do đó làm tăng nguy cơ nghẹt thở do hít ngược lại thức ăn đã nôn.

Thức uống

Trẻ còn bú sẽ không cần uống thêm nước. Tuy nhiên, khi bé bắt đầu ăn dặm, bạn có thể cho cháu uống, nước chín để nguội là tốt nhất. Có thể tập cho bé uống bằng ly hoặc ly có ống hút.

Tóm lại

Sữa mẹ cung cấp các chất dinh dưỡng cần thiết cho bé trong 6 tháng đầu đời. Cần lưu ý các dấu hiệu bé đã sẵn sàng để ăn dăm và tập cho bé quen dần với việc ăn dặm. Hãy thoải mái và linh hoạt trong cách tiếp cận của bạn để bắt đầu việc này. Không nên ép bé ăn theo thứ tự do bạn sắp xếp. Không nên căng thẳng vì đây cũng chỉ là một phần tự nhiên của việc lớn lên mà thôi.

 Theo Marrybaby

Leave a Reply

Or