Những lưu ý an toàn khi trữ sữa mẹ cho con

Có nhiều lý do để người mẹ vắt sữa dự trữ cho con, có thể do mẹ đã đi làm trở lại, do sữa mẹ nhiều làm căng tức ngực, hoặc để thuận tiện hơn cho người nhà giúp đỡ mẹ cho con bú… Bạn hãy lưu ý những điều dưới đây để sữa mẹ sau khi được vắt ra và trữ vẫn an toàn và đảm bảo bổ dưỡng cho con yêu nhé:

Bạn có thể trữ sữa vắt ra cho con theo nhiều cách:

  • Nếu bạn để sữa ở nhiệt độ phòng (không cao hơn 25 độ C), sữa có thể bảo đảm chất lượng trong vòng 6 tiếng đồng hồ;
  • Nếu để sữa trong hộp giữ lạnh có để những túi đá thì có thể bảo quản trong vòng 24 tiếng đồng hồ;
  • Bảo quản trong tủ lạnh (nhiệt độ bằng hoặc dưới 4 độ C) thì sữa có thể dùng được trong vòng 5 ngày. Lưu ý khi cất sữa trong tủ lạnh thì bạn để sữa lùi ở phía sau, nơi mát nhất, tránh để ở những nơi như cánh cửa tủ thường mở ra vào, và tránh để gần thịt, trứng, thực phẩm chưa nấu chín;
  • Bảo quản sữa trong ngăn đá tủ lạnh thì có thể dùng trong vòng 2 tuần;
  • Sữa để trong tủ đông (bằng hoặc dưới -18 độ C) thì có thể giữ đến tận 6 tháng.

Lưu ý: Việc vắt và trữ sữa cần được cố gắng thực hiện trong cùng khoảng thời gian mỗi ngày để bảo đảm nguồn sữa không bị gián đoạn, con bạn vẫn được hưởng những lợi ích từ sữa mẹ lâu dài.

6a0133f30ae399970b017ee8fdd32f970d-pi
(Ảnh: Internet)

Bạn có thể linh hoạt lựa chọn các cách trữ sữa trên đây tùy thuộc vào ý định dùng ngay hay để lâu. Nếu bạn định dùng trong vòng vài ngày trở lại thôi thì nên bảo quản trong tủ lạnh hơn là tủ đông, vì tủ đông có thể làm mất đi một số chất có trong sữa – những chất có tác dụng giúp chống lại viêm nhiễm. Tuy vậy, sữa mẹ dù trữ đông vẫn được coi là lựa chọn đựa ưa chuộng hơn sữa công thức.

Và dù chọn trữ sữa trong tủ lạnh hay tủ đông thì bạn cũng đều nên:

  • Tiệt trùng vật dụng dùng đựng sữa. Bạn nên dùng chai nhựa hoặc túi trữ sữa chuyên dụng, tránh dùng chai thủy tinh vì có thể bị vỡ;
  • Dán nhãn, ghi ngày bạn vắt sữa lên chai hoặc túi để biết dùng theo thứ tự;
  • Luôn bảo đảm dụng cụ vắt sữa sạch sẽ và rửa tay sạch trước khi vắt sữa cho con. Bạn càng lưu ý cẩn thận khâu vệ sinh này bao nhiêu thì càng tránh được nguy cơ có vi khuẩn có thể sinh sôi trong sữa vắt ra bấy nhiêu.

Sữa sau khi trữ một thời gian có thể có hiện tượng tách sữa, và theo các chuyên gia, điều này là bình thường và bạn không cần lo lắng, chỉ cần lắc nhẹ cho đều là được.Nếu bạn muốn trữ đông sữa, hãy làm điều này càng sớm càng tốt sau khi vắt sữa ra. Hãy chừa một ít khoảng trống trên phía miệng chai hoặc túi vì khi đông lại, sữa sẽ “phồng” ra – bạn có thể quan sát hiện tượng này ở ngay khay đá nhà mình. Nếu bạn trữ sữa trong túi, hãy bảo đảm túi không bị có vết rách nào nếu không muốn bị phí sữa và phải mất công dọn dẹp về sau.

Bạn cũng có thể trữ đông một lượng sữa nhỏ trong khay đá có nắp, hoặc cho khay đá vào trong túi kín. Lượng sữa ít ít một như vậy sẽ nhanh rã đông hơn, tiện lợi sử dụng nếu bạn muốn trộn sữa vào thức ăn dặm của con.

Ngoài những lưu ý cẩn thận khi trữ sữa, bạn nhớ rằng việc sử dụng sữa sau khi trữ đông cũng không phải muốn làm thế nào cũng được đâu nhé:

  • Sữa trong tủ đông nên được rã đông trong tủ lạnh, và có thể trữ thêm ở đó trong vòng 12 giờ.
  • Một số em bé thích bú sữa mát lạnh lấy ra từ tủ lạnh, nhưng cũng có những bé thích sữa ấm hơn. Bạn hâm nóng sữa cho con bằng cách để chai sữa kín hoặc túi sữa kín trong một tô nước ấm chứ đừng tìm cách rã đông hoặc hâm nóng sữa cho con trong lò vi sóng. Nếu bạn vội thì hãy rã đông trong nước mát rồi nước ấm, hoặc dùng cách như đã nói ở trên là ngâm trong tô nước ấm. Sau khi hoàn tất rã đông, bạn cần lau khô và sạch chai/túi đựng trước khi mở ra, đổ vào bình và cho con bú ngay.
  • Và bạn không bao giờ được làm đông sữa lại sau khi đã tan đá!

Theo WTT

Leave a Reply

Or