Những cách hạ sốt nhanh cho trẻ tại nhà

Xử trí không đúng cách và kịp thời khi trẻ sốt có thể gây co giật, bại não…

Trong hơn 30 năm công tác, bác sĩ chuyên khoa 2 Nguyễn Thị Thanh – Trưởng khoa nội 1, Bệnh viện Nhi đồng 2 gặp không ít cha mẹ chưa biết cách hạ sốt cho con. Có phụ huynh quấn chặt con sốt cao trong chăn, đi hàng chục cây số đến bệnh viện, khiến bé biến chứng bại não, mù mắt và mất thính lực

“Chính sự lúng túng, thiếu kinh nghiệm của các bậc cha mẹ đã khiến trẻ lãnh hậu quả đáng tiếc. Nếu như biết cách lau mát, uống thuốc hạ sốt đúng liều lượng, thì mọi chuyện sẽ trở nên đơn giản hơn”, bác sĩ Thanh nói.

nhung-cach-ha-sot-nhanh-cho-tre-tai-nha

Trẻ sốt nếu thân nhiệt trên 37,5 độ C ở miệng và 37,2 độ C ở nách.

Nhiều phụ huynh còn đoán bệnh cho con bằng cách sờ tay lên trán, thấy nóng thì cho rằng bị sốt và vội tìm cách hạ ngay. Đây là cách chẩn bệnh thiếu khoa học và kém chính xác. Cha mẹ cần có kỹ năng đo nhiệt độ, trẻ sốt nếu thân nhiệt trên 37,5 độ C ở miệng và 37,2 độ C ở nách.

Phần đông cha mẹ tự mua thuốc hạ sốt cho con mà không thông qua ý kiến bác sĩ. Nếu sốt nhẹ 37,5-38 độ C chưa cần dùng thuốc. Khi trẻ có dấu hiệu thân nhiệt cao bất thường, cần đo nhiệt kế để biết chính xác tình trạng sức khỏe.

Khi trẻ sốt, cần bình tĩnh thực hiện các bước sau:

Lau mát: Dùng khăn mềm nhúng vào nước hơi ấm, vắt không quá khô, lau nhẹ khắp người trẻ, đặc biệt là ở nách, bẹn và trán. Tránh dùng nước lạnh, tuyệt đối không dùng nước có pha rượu, cồn.

nhung-cach-ha-sot-nhanh-cho-tre-tai-nha-1

Lau mát tích cực khi trẻ sốt.

Uống thuốc: Cho trẻ uống thuốc hạ sốt khi thân nhiệt trên 38,5 độ C. Dùng thuốc hạ sốt đúng loại, đúng lúc, đúng liều lượng theo độ tuổi và cân nặng. Có thể chọn thuốc gói hạ sốt có hương cam, dâu, vị ngọt dễ uống, tránh nôn. Hiệu quả hạ sốt thường phát huy sau 30 phút và kéo dài 4-6 giờ. Khi dùng cho trẻ em, phải tính toán liều lượng và cân nặng trẻ.

Bù nước: Khi sốt, cơ thể trẻ mất nước, muối, năng lượng và các vitamin tan trong nước do đổ mồ hôi. Nên bù lại bằng cách cho trẻ uống nhiều nước lọc, nước ép trái cây giàu vitamin C và nhóm B.

Ăn uống: Với trẻ nhỏ còn bú mẹ, cần cho bú nhiều lần và thời gian mỗi lần lâu hơn bình thường. Nếu trẻ không tự bú được, cần vắt sữa vào cốc rồi dùng thìa bón. Trẻ lớn hơn nên tăng thêm số bữa trong ngày với các loại thức ăn mềm, đa dạng, dễ tiêu hóa.

Lưu ý: Tuyệt đối không áp dụng các cách hạ sốt truyền miệng như lau mát bằng rượu, cồn, nặn chanh; ủ kín; cạo gió, cắt lể để nặn máu độc…

Theo dõi: Cần theo dõi thân nhiệt trẻ bằng nhiệt kế sau mỗi 4 giờ. Nếu trẻ sốt cao không hạ và có dấu hiệu co giật, cần đưa đến cơ sở y tế cấp cứu gần nhất.

Ngoài ra, cần cho trẻ đi khám bác sĩ ngay nếu trẻ sốt dưới 2 tháng tuổi; sốt trên 40,1 độ C; khóc không dỗ được hoặc bứt rứt nhiều; khóc khi cử động hoặc khi ba mẹ chạm vào trẻ; li bì, khó đánh thức; cổ cứng; phát ban da; khó thở, và không thấy đỡ hơn sau khi làm sạch mũi; không thể nuốt thức ăn hoặc bú được; nôn mọi thứ; tiêu máu, ói máu.

 Theo Vnexpress

Leave a Reply

Or