Nhìn xương bàn tay của hai đứa trẻ 7 tuổi và 5 tuổi, cha mẹ sẽ hiểu vì sao cần cho con chơi nhiều hơn nữa
Các chuyên gia tin rằng 75% bộ não phát triển từ những ngày đầu sơ sinh cho đến khi 20 tuổi và vui chơi chính là cơ hội để não của trẻ phát triển tốt.
Theo Ủy ban Nhân quyền của Liên Hiệp Quốc, vui chơi là một quyền của trẻ em vì nó quan trọng đối với sự phát triển nhận thức, thể chất, xã hội và tình cảm của trẻ.
Vui chơi ở đây được định nghĩa là khoảng thời gian tự do để trẻ thực hiện các kỹ năng vận đông thô như đi, chạy, nhảy và kỹ năng vận động tinh: chơi các đồ chơi nhỏ, tô màu, vẽ, chơi cát, đất nặn. Các chuyên gia tin rằng 75% bộ não phát triển từ những ngày đầu sơ sinh cho đến khi trẻ được 20 tuổi. Và vui chơi chính là cơ hội để thùy não phát triển tốt giúp trẻ biết cách lập kế hoạch và đưa ra quyết định khi lớn lên.
Tuy rằng kỹ năng vận động thô hay tinh đều quan trọng như nhau, nhưng theo bà Ruth Swailes – Cố vấn cao cấp cải thiện trường học với hơn 25 năm kinh nghiệm trong lĩnh vực giáo dục tiểu học, cho biết nếu muốn con sau này thông minh học giỏi thì các cha mẹ nên tập trung cho trẻ thực hành các kỹ năng vận động tinh thường xuyên.
Lý giải cho nhận định của mình, bà Ruth Swailes đã đưa hai tấm phim X-quang chụp 2 bàn tay của đứa trẻ: 7 tuổi (bên trái) và 5 tuổi (bên phải) để so sánh.
Bà Ruth Swailes nhận xét: “Hai tấm hình này nói lên rất nhiều điều. Điều đáng chú ý ở đây không chỉ kích thước bàn tay của trẻ thay đổi mà sụn ở bàn tay của trẻ 5 tuổi sẽ hóa thành xương khi lên 7 tuổi thông qua quá trình hóa học nội tiết. Nói cách khác, quá trình trưởng thành của tay mất nhiều năm hơn so với tưởng tượng của chúng ta, cũng như sự khéo léo của trẻ cũng cần có thời gian để tập luyện”.
Như vậy, ngoài việc xương bàn tay của đứa trẻ 7 tuổi dài hơn ra thì khoảng cách giữa các đốt ngón tay cũng ngắn hơn nhiều so với bàn tay của trẻ 5 tuổi. Điều này có nghĩa là bàn tay của trẻ đã bắt đầu “cứng”.
Trong khi đó, khoảng cách giữa các đốt ngón tay của trẻ 5 tuổi khá dài, đây là những lớp sụn mềm giúp bàn tay trẻ linh hoạt. Sau này, lớp sụn sẽ dần cứng lại biến thành xương thông qua quá trình hóa học nội tiết. Quá trình này diễn ra từ 6 – 8 tuổi.
Điều này chứng minh rằng khoảng thời gian trẻ đang ở tuổi mẫu giáo chính là “thời điểm vàng” để cha mẹ giúp con luyện các kỹ năng vận động tinh thông qua các trò chơi như tô màu, vẽ, chơi cát, đất nặn, xâu chuỗi… trước khi bàn tay con “cứng” lại.
Lợi ích của việc chơi này không chỉ giúp tay con linh hoạt hơn, khéo léo hơn mà còn giúp trẻ học giỏi hơn khi lớn lên. Bởi sự yếu kém về kỹ năng vận động tinh có thể ảnh hưởng đến khả năng ăn, viết, lật trang sách, sử dụng máy tính và thực hiện các công việc chăm sóc cá nhân của trẻ: mặc quần áo, đánh răng, cột dây giày…
Có rất nhiều đồ chơi và trò chơi hỗ trợ trẻ phát triển kĩ năng vận động tinh. Có thể kể đến như trò chơi lắp ghép, xếp hình, xâu chuỗi hạt, các trò chơi gồm nhiều mảnh mà trẻ có thể đổ ra nhặt vào. Ô tô điều khiển từ xa cũng rất có lợi cho trẻ, nhưng phù hợp với trẻ trong độ tuổi mẫu giáo trở lên.
Một số trò chơi đơn giản khác mang lại lợi ích to lớn trong việc rèn luyện đôi tay trẻ đó là vẽ và tô màu hay gấp, xé giấy.