Nguyên nhân và cách khắc phục chứng biếng ăn ở trẻ
Trẻ biếng ăn thường sẽ bị còi cọc, chậm lớn hơn so với lứa tuổi và đó cũng là nỗi hoang mang, bận tâm của nhiều bố mẹ. Nguyên nhân trẻ biếng ăn thường không giống nhau, khi biết được nguyên nhân chính xác sẽ giúp việc khắc phục tình trạng biếng ăn của bé dễ dàng hơn.
Khi bé bị thấp còi, cân nặng không đạt chuẩn, thậm chí là có nhiều dấu hiệu về sa sút trí tuệ, trốn tránh khi đến bữa ăn, thường xuyên ngậm thức ăn khi đến bữa… chính là những hậu quả vô cùng nghiêm trọng và cũng là biểu hiện rất thường thấy khi trẻ biếng ăn. Nếu như gặp phải những triệu chứng, dấu hiệu này, phụ huynh cần phải thực sự chú ý chăm sóc để giúp trẻ có thể nhanh chóng vượt qua tình trạng này.
Cha mẹ cần phải chú ý quan tâm để trẻ vượt qua tình trạng biếng ăn. (Ảnh minh họa)
Nguyên nhân trẻ biếng ăn
Theo chia sẻ của các chuyên gia, có 3 nguyên nhân trẻ biếng ăn sau đây là phổ biến nhất.
Do chế độ ăn bị mất cân đối khiến trẻ chán ăn
Khi khẩu phần ăn có quá nhiều đạm, ít chất xơ, nhiều chất béo sẽ làm cho hệ tiêu hóa của bé bị quá tải, dẫn đến tình trạng khó tiêu, chán ăn do đầy bụng. Trong thực đơn của bé cũng quá nghèo nàn, bị thiếu vi chất và vitamin như sắt, kẽm, lysine… làm cho trẻ bị mất ảm giác ngon miệng.
Mẹ chế biến thức ăn quá đơn điệu, không hay thay đổi món ăn, không phù hợp đối với khẩu vị của bé cũng sẽ làm bé bị biếng ăn.
Nguyên nhân biêng ăn ở trẻ cũng một phần là do bệnh lý tiêu hóa. Khi gặp phải nguyên nhân này thường được kèm theo các triệu chứng khác như nôn trớ, táo bón hoặc tiêu chảy. Một số các bệnh liên quan đến đường tiêu hóa như giun sán, viêm đường hô hấp, tiết niệu, tiêu chảy… hay bị bệnh lao, sốt rét hoặc gây biếng ăn kéo dài.
Trẻ biếng ăn do bệnh lý
Một số nguyên nhân biếng ăn của trẻ cũng là do dùng thuốc như uống các loại vitamin A, D, viên tổng hợp sắt, kháng sinh kéo dài và quá liều. Nhiều trẻ thường hay biếng ăn, quấy khóc, khó chịu từ lần mọc răng đầu tiên. Tuy nhiên, nguyên nhân trẻ biếng ăn này thường chỉ xuất hiện trong vài tuần và hết sau khi răng đã mọc xong.
Trẻ biếng ăn do tâm lý
– Do trẻ thường có thói quen ăn vặt: Một số loại đồ ăn vặt như xúc xích, khoai tây chiên… cũng làm ảnh hưởng đến hệ tiêu hóa của trẻ, làm tăng nguy cơ mắc bệnh đường tiêu hóa.
– Do trẻ bị ép ăn nên sợ ăn: Khi bị ép ăn sẽ làm cho trẻ lười ăn, sợ bị ép ăn do tâm lý sợ hãi. Đây là tình trạng biếng ăn tâm lý làm cho bé bị gò bó, ép buộc trong khuôn khổ nên cứ nhìn thấy thức ăn là trẻ bị sợ hãi, không muốn ăn.
Nguyên nhân trẻ biếng ăn thường do bị ép ăn. (Ảnh minh họa)
– Do trẻ thường không tập trung ăn uống, hiếu động: Rất nhiều gia đình thường dụ bé vừa ăn vừa chơi hoặc vừa ăn lại vừa cho xem tivi, điện thoại, bế dong khi ăn nên khiến bé mất tập trung. Thời gian ăn càng lâu thì càng dễ khiến thức ăn nguội lạnh và làm cho bé càng chán ăn hơn.
– Do không được tham gia bữa ăn cùng gia đình: Không ít các gia đình thường cho bé ăn riêng mà không cho bé thói quen ăn uống cùng gia đình nên bé không có cảm giác ấm cúng, muốn được ăn uống. Ngoài ra, bố mẹ thường thiếu kiên nhẫn và hay quát nạt trẻ…làm cho không khí bữa ăn lại càng căng thẳng hơn.
Cách khắc phục trẻ biếng ăn như thế nào?
Theo PGS.TS. Nguyễn Thị Lâm, nguyên Phó Viện trưởng Viện Dinh dưỡng Quốc gia tư vấn về các biện pháp và cách khắc phục trẻ biếng ăn như sau:
– Hãy đưa trẻ đi khám tổng quát để xem trẻ có mắc bệnh lý hay thiếu chất gì trong cơ thể hay không.
– Hãy thay đổi thực đơn ăn cho trẻ hàng ngày để luôn luôn cung cấp đủ chất dinh dưỡng cho bé. Chế biến thức ăn thành những món ăn khác nhau để giúp kích thích vị giác và giúp trẻ khám phá thêm nhiều món mới.
Cha mẹ hãy tạo môi trường kích thích trẻ ăn uống. (Ảnh minh họa)
– Hãy tạo cho bé hứng thú mỗi khi ăn bằng cách cho bé cùng mẹ vào bếp để chuẩn bị thức ăn. Tùy theo độ tuổi của bé mà mẹ có thể phân công cho bé vào bếp cùng với mẹ để giúp con nhận thấy được vai trò cũng như sự hào hứng trong từng bữa cơm. Qua đó sẽ giúp con ngon miệng hơn.
– Hãy khuyến khích trẻ vận động ngoài trời nhiều hơn như chạy nhảy, bơi lội, leo trèo trước khi ăn.
– Không nên ép bé ăn, không nên kéo dài thời gian mỗi bữa ăn. Mỗi bữa ăn chỉ nên kéo dài khoảng 30 phút và khi bé đã đủ no thì không nên ép thêm để tránh làm bé sợ.
– Hãy cho trẻ ăn đúng bữa cùng gia đình hoặc lập khung giờ, thời gian biểu ăn trong ngày của bé để tạp thói quen ăn uống.
– Hãy khuyến khích và khen ngợi trẻ một cách vui vẻ để bé thấy hào hứng hơn khi ăn.
– Để cho trẻ tự ăn khi trẻ được khoảng 2-3 tuổi, không nên bón mãi sẽ khiến bé cảm thấy ăn uống là một việc khó chịu.
Cha mẹ phải thực sự bình tĩnh mới tìm được nguyên nhân trẻ biếng ăn và cách khắc phục hiệu quả. Đối với trường hợp trẻ biếng ăn đã áp dụng nhiều cách nhưng không cải thiện thì tốt hơn hết, cha mẹ nên đưa bé đến các chuyên gia dinh dưỡng để được tư vấn về chế độ chăm sóc cũng như các giải pháp phù hợp nhất với bé.