Muốn con lớn lên giàu có, nhất định phải dạy điều này
Nếu bạn không dạy con về tiền khi chúng còn nhỏ, chúng sẽ phải tự mình trải nghiệm và mắc lỗi khi lớn lên.
Người lớn thường cho rằng trẻ nhỏ không hiểu gì về tiền bạc, càng chưa ý thức được giá trị của đồng tiền nên đã không chú trọng dạy trẻ về tiền ngay từ khi còn nhỏ. Chính quan niệm này đã dẫn đến việc con trẻ hình thành những suy nghĩ sai lầm về tiền bạc và lớn lên dễ có những ứng xử lệch lạc với đồng tiền. Trong khi đó, tiền bạc lại luôn là vấn đề cực kì quan trọng trong cuộc sống hàng ngày.
Chuyên gia tư vấn giáo dục sớm Bùi Mai Ngọc, cũng là mẹ của cậu con trai Thái Dương (hơn 3 tuổi), người từng có rất nhiều kinh nghiệm trong việc nuôi dạy con ngoan ngoãn và thông minh đã chỉ rõ: Dạy con về tiền bạc nhất thiết phải được thực hiện ngay khi con con nhỏ. Chị Mai Ngọc cũng chỉ rõ lý do vì sao cần dạy con về tiền bạc, thời điểm nào là lý tưởng nhất và khi dạy con về tiền, nên dạy những điều gì?
Tại sao cần dạy con về tiền bạc?
Trước đây tôi đã biết đến các chỉ số đánh giá các khả năng của con người IQ, EQ (cảm xúc), AQ (vượt khó), CQ (sáng tạo), PQ (đam mê). Nhưng gần đây tôi mới biết đến một chỉ số vô cùng quan trọng mà mọi người thường bỏ qua đó là chỉ số FQ- trí thông minh làm giàu, chỉ số năng lực quản lý tiền bạc tài sản.
Ông Paul Hsia – Giám đốc Quỹ Giáo dục Hoa Kỳ, người đã giúp đào tạo hơn 1.000 CEO cho rất nhiều quốc gia trên thế giới, cha của năm triệu phú cho rằng: “Muốn con thành tài, nhất định phải chú ý giáo dục chỉ số FQ – chỉ số thông minh làm giàu cho trẻ ngay từ nhỏ”.
Nguyên Tổng thống Mỹ George.Bush đã từng nói: “Chú trọng bồi dưỡng chỉ số thông minh làm giàu giúp con người ta tự tin và có được năng lực cao nhất để thực hiện các ước mơ của mình”.
Chia sẻ trên NBC News, tỷ phú Warren Buffett cho biết: “Cha đã dạy tôi về tiền bạc từ khi còn nhỏ và những bài học đó ảnh hưởng đến toàn bộ cuộc đời tôi sau này”.
Tỷ phú gốc Hoa Lý Khả Sinh cũng bày tỏ suy nghĩ của mình đối với vấn đề này: “Người có chỉ số FQ cao có thể thẩm thấu ý thức làm giàu vào tất cả những sự việc trong cuộc sống, thậm chí là những việc nhỏ nhặt nhất”.
Người Do Thái “không coi kiếm tiền là một nhu cầu cần phải đợi đến độ tuổi nhất định mới bắt đầu vun bồi, họ luôn cho rằng “quản lý tài sản từ nhỏ” mới là phương pháp giáo dục tốt nhất. Việc nâng cao chỉ số FQ, không chỉ để nhằm giáo dục kỹ năng quản lý tài sản cho trẻ, mà nó còn là một phương thức giáo dục trách nhiệm và giáo dục nhân cách”. Chỉ số FQ cũng như chỉ số sinh tồn vậy!
Chuyên gia tư vấn giáo dục sớm Bùi Mai Ngọc: “Nếu đứa trẻ từng có những suy nghĩ sai lệch về tài chính, chúng có thể tiếp tục mắc sai lầm khi trưởng thành”.
Thời điểm nào bắt đầu dạy con về tiền?
Câu trả lời là ngay bây giờ. Theo khoa học nghiên cứu thì thời kỳ 0-6 tuổi, nhất là trước 3 tuổi là thời kỳ vàng, trẻ tiếp thu và nhận biết môi trường xung quanh giống như sự thấm hút của miếng bọt biển. Trẻ trong thời kỳ này học tập tiếp thu rất dễ dàng.
Nếu bạn không dạy trẻ về tiền khi chúng còn nhỏ, chúng sẽ phải tự mình trải nghiệm và mắc lỗi khi lớn lên. Thật khó để thay đổi một lối tư duy xấu khi nó đã ăn sâu. Nếu đứa trẻ từng có những suy nghĩ sai lệch về tài chính, chúng có thể tiếp tục mắc sai lầm khi trưởng thành. Vì vậy, trẻ học về tiền bạc càng sớm càng tốt.
Dạy trẻ 3 tuổi về tiền như thế nào?
– Mọi người khuyên nên bắt đầu dạy trẻ về tiền lúc 3 tuổi, nhưng theo tôi ngay từ lúc chuẩn bị mang bầu, bố mẹ hãy nghiên cứu trước về FQ, lấy mình ra thực hành, làm tấm gương cho con.
– Chúng ta luôn thể hiện tình yêu, sự trân trọng với từng đồng tiền, dù là tiền lẻ, không hoang phí…
– Khi con còn bé, kể cả chưa biết nói, chúng ta có thể đưa con đi mua sắm và nhắc đi nhắc lại mẹ cần mua những thứ gì, chuẩn bị bao nhiêu tiền. Thứ này bao nhiêu, thứ kia bao nhiêu. Con đòi mua thứ khác, kiên quyết nói hôm nay chúng ta chỉ mua những thứ này thôi.
– Không ngại nói với con về tiền, bố mẹ có thể trao đổi các kế hoạch kiếm tiền, chi tiêu, va vấp về tiền bạc… trước mặt con.
– Không nói những điều tiêu cực để trẻ ghét tiền hay nghĩ kiếm tiền thật khó khăn.
Câu chuyện dưới đây là một ví dụ:
Mẹ đi làm, bạn Thái Dương khóc, bà nội nói: “Con để mẹ đi làm kiếm tiền mua gạo”, “Mẹ ở nhà với con lấy đâu tiền mua thức ăn”. Mẹ nói với bạn: “Mẹ đi làm kiếm tiền mua ô tô, biệt thự”. Thái Dương nghịch đồ của mẹ, bà ngoại bảo: “Con đừng nghịch đồ của mẹ, lỡ hỏng mẹ lấy đâu tiền mua”, “Tiền khó kiếm lắm con ạ, con giữ đồ cẩn thận nhé!”. Mẹ nói với bạn: “Tiền không khó kiếm, đồ hỏng mẹ lại mua lại được thôi nhưng thế thật là lãng phí, con tôn trọng đồ của mẹ nhé!”. Xuống xe, hay thang máy đến nơi, mọi người bảo “Hết tiền”, mẹ bảo “Đến nơi rồi con!”.
– Trẻ 2-3 tuổi chúng ta có thể dạy trẻ nhận biết mệnh giá tiền. Chơi các trò chơi như đi chợ mua bán, trò đút lợn, lau sạch tiền xu…
Không quan trọng bạn đã bỏ lỡ bao nhiêu thời gian vì quá khứ không thể quay trở lại, quan trọng là bạn có hành động ngay hay không.
Khi đọc sách “Làm giàu không đợi tuổi” vào hôm kia tôi đã bắt tay luôn vào dạy con nhận biết tiền. Thái Dương rất thích thú về bài học đó, hôm qua con đã chủ động rủ mẹ dạy con tiếp. Nghe câu nói của con mà bật cười: “Mẹ đợi con đi tiểu rồi con ra học nhá”. Rồi vội vội vàng vàng như sợ lỡ mất cái gì quan trọng. Tôi lôi tiền của mình ra dạy thì con nói: “Đây là tiền của mẹ. Con muốn học tiền của con cơ” (ý là tiền con được mừng tuổi). Bản tính của trẻ con là ham học hỏi mà, một bài học đơn giản như trong clip cũng khiến con có một buổi tối vui vẻ rồi.
Cách dạy con tốt nhất là bố mẹ làm gương, không ngừng học hỏi. Có thể chúng ta sinh ra không được giáo dục tốt về FQ nhưng chúng ta không vì thế mà phàn nàn oán trách, mọi thứ đều có thể học được. Chúng ta hãy trở thành những người quản lý tài sản xuất sắc!
Theo Trí Thức Trẻ