Một số dị dạng đường tiết niệu thường gặp ở trẻ

Dị dạng đường tiết niệu là căn bệnh do nguyên nhân bẩm sinh, chấn thương hoặc viêm nhiễm. Có nhiều loại dị dạng đường tiết niệu nhưng hầu hết đều có thể chẩn đoán và điều trị triệt để, không để lại di chứng về sau.

1. Hẹp bao quy đầu

Hẹp bao quy đầu là tình trạng lớp da ở phần đầu của dương vật không tụt được xuống để lộ phần quy đầu dương vật. Bình thường, ở trẻ nhỏ, bao da vẫn bọc ngoài quy đầu mà không cản trở việc đi tiểu nhưng đến 1-2 tuổi quy đầu không lộ ra là hẹp bao quy đầu. Đến 3 tuổi, 90% các bé đã có bao quy đầu tụt xuống trọn vẹn.

Triệu chứng chính: tiểu khó, khi tiểu thấy bao quy đầu phồng lên, hay khóc thét khi đi tiểu, không lộn được bao quy đầu.

Can thiệp: các bác sĩ sẽ hướng dẫn cha mẹ nong, lột bao quy đầu hoặc có trường hợp phải tiểu phẫu. Can thiệp sớm giúp các bé tránh viêm nhiễm đường tiết niệu và đảm bảo chức năng sinh sản sau này.

2. Hẹp niệu đạo

Hẹp niệu đạo là một biến chứng thường gặp do một số bệnh bẩm sinh và bệnh mắc phải gây nên. Niệu đạo trước và liệu đạo sau đều có thể bị chít hẹp một phần hay toàn bộ trên một đoạn dài hay ngắn. Có nhiều nguyên nhân dẫn tới hẹp niệu đạo như chấn thương, viêm nhiễm, bẩm sinh.

Triệu chứng chính: tiểu khó, tia nhỏ, nhiễm khuẩn đường tiết niệu.

Can thiệp: Tùy theo độ dài, mức độ hẹp mà các bác sĩ sẽ chỉ định nong niệu đạo, cắt mở rộng chỗ hẹp bằng nội soi hay cắt chỗ hẹp, nối lại niệu đạo hoặc tạo thêm một đoạn niệu đạo mới.

Một số dị dạng đường tiết niệu thường gặp ở trẻ

3. Van niệu đạo sau ở trẻ nam

Là một bất thường bẩm sinh trên các bé trai, do một nếp gấp của niêm mạc niệu đạo sau tạo nên giống như một màng chắn mỏng ngăn chặn sự tống thoát nước tiểu từ bàng quang.

Triệu chứng chính: Có thể phát hiện được trước sinh qua dấu hiệu trên siêu âm (thận ứ nước hai bên và bàng quang dãn to). Khi sinh ra có thể sờ được mass dạng nang ở bụng, có thể do cầu bàng quang, thận ứ nước, báng bụng hoặc có dấu hiệu suy hô hấp do thiểu sản phổi. Nhiều trẻ có biểu hiện sốt lạnh run của nhiễm trùng niệu, có ure huyết cao và rối loạn nước điện giải. Nếu ở trẻ lớn hơn thì trẻ thường khó tiểu hoặc tiểu rỉ liên tục, tiểu không hết ….

Can thiệp: thường được chỉ định cắt van niệu đạo qua nội soi.

4. Van niệu đạo trước

Đây không phải là một van thật sự mà là một túi thừa ở niệu đạo trước, trong quá trình đi tiểu túi thừa căng ra đẩy môi sau của miệng túi thừa lên ép vào niệu đạo trước. Tất cả các trường hợp đều xảy ra ở niệu đạo hành hoặc niệu đạo dương vật.

Triệu chứng chính: Khám thấy có mass dạng nang ở mặt dưới niệu đạo tại chỗ nối giữa niệu đạo với bìu, kích thước tăng lên khi đi tiểu. Ấn vào nang thì có nước tiểu nhỏ giọt ra ngoài. Chẩn đoán dựa vào chụp bàng quang cản quang rặn tiểu.

Can thiệp: Tuỳ thuộc vào kích thước của túi thừa và chức năng thận. Nếu túi thừa nhỏ thì có thể cắt đốt mép sau qua ngã niệu đạo hoặc có thể mổ hở. Nếu chức năng thận suy giảm thì phải mở bàng quang ra da, điều chỉnh các rối loạn kiềm toan trước, sau đó mới phẫu thuật.

5. Hội chứng hẹp chỗ nối bể thận niệu quản

Là dị tật bẩm sinh gây ra chít hẹp hoặc từ bên ngoài, hoặc từ bên trong, khúc nối từ bể thận đổ xuống niệu quản, từ đó gây ra hàng loạt bệnh cảnh do ứ trệ nước tiểu, điển hình là hiện tượng ứ nước thận. Có thể phát hiện dị tật trước khi sinh thông qua chuẩn đoán hình ảnh, siêu âm.

Triệu chứng chính: đau bụng vùng mạng sườn, nước tiểu có thể đục, nắn có thể thấy khối u vùng mạng sườn (do thận căng to), có triệu chứng viêm nhiễm.

Can thiệp: Phẫu thuật rạch rộng chỗ hẹp hoặc cắt bỏ chỗ niệu quản hẹp, tạo hình lại bể thận bị giãn, nối lại niệu quản với bể thận.

6. Còn ống niệu rốn

Là 1 tật bẩm sinh còn hiện diện 1 đường ống nhỏ thông từ lỗ rốn (bên ngoài) với bàng quang (bên trong) của bé.

Triệu chứng chính: rốn bé rỉ dịch thường xuyên, tăng lên khi bé khóc, ho. Khi trẻ  tiểu tiện, nước tiểu vừa ra qua lỗ đái ở đỉnh quy đầu lại vừa qua ở rốn. Khi siêu âm thấy đường thông giữa rốn vào ổ bụng với bàng quang.

Can thiệp: Bệnh thường tự khỏi với trẻ sơ sinh. Nếu không tự khỏi trong một thời gian dài thì các bác sĩ sẽ chỉ định phẫu thuật cắt bỏ ống niệu rốn.

Các dị dạng về đường tiết niệu đều có thể can thiệp và cho kết quả rất khả quan. Do vậy, nếu các bé không may bị dị dạng đường tiết niệu thì bố mẹ không nên lo lắng quá, hãy đưa các bé đến bệnh viện chuyên khoa để được hướng dẫn và điều trị.

Theo Nhatkybe

Leave a Reply

Or