Món ăn không trẻ nào không mê nhưng tiềm ẩn nguy cơ hóc nghẹn hàng đầu, có bé gái 2 tuổi đã tử vong chỉ vì 1 miếng
Đây là món ăn khoái khẩu của hầu hết mọi đứa trẻ, nằm trong nhóm những thực phẩm dễ gây hóc nghẹn nhất, nhưng nhiều bố mẹ vẫn chưa ý thức được và chưa biết cách làm thế nào để đảm bảo an toàn khi cho con ăn.
Bên cạnh nho và kẹo, xúc xích cũng nằm trong số những thực phẩm dễ gây hóc nghẹn nhất cho trẻ và là thủ phạm gây ra rất nhiều tai nạn thương tâm không đáng có. Tuy nhiên, điều đáng lo ngại là nhiều ông bố bà mẹ vẫn chưa nhận thức được mối nguy cơ này. Thậm chí, tháng 11 năm ngoái, sau khi một bé gái 2 tuổi ở Hertfordshire (Anh) qua đời do nghẹn xúc xích, bạn bè và gia đình của bé đã phải viết đơn kiến nghị để giúp nhiều người hơn biết đến mối nguy hiểm này và kêu gọi cấm đưa xúc xích và nho vào các bữa ăn ở trường của trẻ.
Được biết vào giờ ăn trưa ở trường mầm non, bé Sadie đã bị nghẹn đến mức không thở được bởi một miếng xúc xích. Ngay khi thấy học sinh bị nghẹn, nhà trường đã nhanh chóng gọi xe cấp cứu và các nhân viên y tế đã đến đưa đứa trẻ đến bệnh viện St Mary. Nhưng đáng tiếc hai ngày sau, bé Sadie đã không qua khỏi.
Xúc xích nguy hiểm như thế nào?
Học viện Nhi khoa Hoa Kỳ (AAP) vào năm 2010 đã lưu ý rằng xúc xích gây ra nguy cơ nghẹt thở lớn nhất ở trẻ em, gây ra nhiều ca tử vong do nghẹt thở hơn bất kỳ loại thực phẩm nào khác.
Để giúp mọi người hình dung được sự nguy hiểm mà xúc xích có thể mang đến, bác sĩ Gary Smith, giáo sư nhi khoa, cho biết: “Tưởng tượng nếu bạn thiết kế một chiếc nút đậy hoàn hảo cho đường thở của trẻ em thì xúc xích sẽ chính là sự lựa chọn tốt và hiệu quả nhất“. Ông cũng giải thích thêm: “Xúc xích sẽ tự cuốn chặt và bít hoàn toàn đường thở, khiến trẻ tử vong trong vài phút vì thiếu oxy.“
Hơn thế nữa, xúc xích còn có lớp da dai ở bên ngoài khiến trẻ khó nhai hơn nên trẻ sẽ nuốt trọn và dễ bị mắc nghẹn.
Bố mẹ nên làm gì để giữ an toàn cho con khi ăn xúc xích
– Cắt xúc xích theo chiều dọc, rồi lại cắt nhỏ hạt lựu. Tại sao? Vì làm như vậy sẽ thay đổi hình dạng của xúc xích và giảm nhỏ kích thước nên ít có khả năng mắc vào cổ họng của trẻ hơn
– Không nên để trẻ em dưới bốn tuổi nào được ăn xúc xích trừ khi nó được cắt thành những miếng rất nhỏ.
– Trẻ em trên 4 tuổi vẫn có thể cần cắt nhỏ ra.
– Hướng dẫn trẻ ở mọi lứa tuổi ăn từng miếng nhỏ và nhai kỹ những gì trong miệng.
Bác sĩ nhi khoa Hoa Kỳ Tanya Altmann, cho biết một khi trẻ lên bốn tuổi, chúng sẽ “nhận thức được nhiều hơn một chút, cổ họng của chúng lớn hơn một chút và biết cách nhai kỹ hơn nếu cần thiết trước khi nuốt”.
Nhưng như đã đề cập ở trên, hãy sử dụng phán đoán của bạn với con bạn và tiếp tục thái thức ăn cho đến khi chúng lớn hơn nếu bạn thấy cần phải làm thế – không có hại gì và nó có thể cứu một mạng sống.
Theo Afamily