Mẹ Sài Gòn chẳng bao giờ lo con biếng ăn nhờ biến tấu hàng loạt bữa phụ hấp dẫn
Bên cạnh những bữa chính thường ngày, chị Thoa còn chịu khó tìm tòi, chế biến nhiều món phụ ngon lành cho con trai.
Cho con ăn gì vào bữa phụ luôn là câu hỏi khiến nhiều mẹ đau đầu bởi quanh đi quẩn lại chỉ có vài món như sữa chua; sinh tố; hoa quả mà nếu cho con ăn mãi những món này thì trẻ sẽ rất nhanh chán.
Với mong muốn cung cấp đủ dinh dưỡng và năng lượng cho cơ thể, giúp con trai đầu lòng có thể phát triển về chiều cao, cân nặng và cả trí não, chị Nguyễn Thoa (sinh năm 1991, hiện đang sinh sống tại TP. Hồ Chí Minh) luôn tìm tòi cách chế biến những món ăn phụ thật ngon miệng cho con.
Để có thể chế biến những bữa ăn phụ khoa học cho con với một người mẹ trẻ chẳng phải điều dễ dàng, vì thế, chị đã tham khảo nhiều loại sách về dinh dưỡng, cũng như tham khảo các công thức của các bà mẹ bỉm sữa khác.
Chị nói: “Khi trẻ đã làm quen với việc ăn dặm được 1 – 2 tháng, mẹ có thể bắt đầu tổ chức cho trẻ các bữa phụ xen kẽ giữa các cữ ăn sữa và bữa ăn dặm chính. Bữa phụ cho bé có thể bao gồm các món đơn giản như sinh tố, hoa quả nghiền, sữa chua… đến các món bánh làm từ yến mạch, đậu gà, bột gạo, khoai lang, bí đỏ….”.
Theo chị Thoa, các bữa phụ không nên giàu chất béo, chất đường vì sẽ khiến con no, đầy bụng, dẫn đến chán ăn bữa chính.
Ngoài ra, theo chị Thoa, các bữa phụ không nên giàu chất béo, chất đường vì sẽ khiến con no, đầy bụng, dẫn đến chán ăn bữa chính. Vì thế, chị thường bổ sung các bữa ăn phụ như các loại hoa quả, bánh, váng sữa, sữa chua, sữa hạt… Đa phần là các món ăn lỏng, ít năng lượng, mau tiêu và nhanh đói.
Đồng thời trong chế biến bữa phụ chị ưu tiên phương thức chế biến bằng cách hấp thay vì dùng dầu để chiên. Về thời gian chế biến, chị cho biết vì con còn nhỏ, đôi khi bám mẹ nên chị cũng ưu tiên các món chế biến nhanh, dễ làm. “Từ ngày biến tấu được nhiều bữa phụ, mình chẳng còn phải lo con biếng ăn nữa. Mỗi lần đến bữa phụ con lại hào hứng ăn mà không phải tìm cách thuyết phục hay dỗ dành gì cả” – mẹ Sài Gòn cho biết.
Chị Thoa thường bổ sung các bữa ăn phụ như các loại hoa quả, bánh, váng sữa, sữa chua, sữa hạt…
Dưới đây là một vài thực đơn bữa phụ hoàn hảo cho bé yêu mà chị Thoa chia sẻ:
1. Bánh Flan (công thức cho bé trên 1 tuổi)
Nguyên Liệu:
– 5 quả trứng gà (bỏ 1 lòng trắng)
– 4 thìa cơm sữa đặc
– 350ml sữa tươi không đường
– 1/2 thìa cà phê tinh chất vani
– 80gram đường
– 60ml nước, chia ra 45ml cho vào lúc đầu, 15ml cho vào sau khi thắng xong
– 1 thìa cà phê cốt chanh
Cách làm:
+ Làm nước đường: cho 80 gram đường vào nồi cho thêm 45ml nước nấu lửa nhỏ, thêm một thìa cà phê cốt chanh, không dùng thìa khuấy mà chỉ lắc nồi cho đều màu hơn thôi. Khi đường đã vàng như ý thì cho thêm 15ml nước vào rồi nhanh tay cho nước đường vào hũ.
+ Cho 350ml sữa vào nồi, thêm 4 thìa sữa đặc vào vặn lửa nhỏ tầm 5-8 phút, không nên để sôi chỉ ấm ấm là được xong tắt bếp để đó.
+ 4 quả trứng lấy cả lòng đỏ, 1 quả trứng chỉ lấy lòng đỏ đánh tan nhớ là trứng phải tan hết. Sau đó rót từ từ lần lượt hỗn hợp sữa vào hỗn hợp trứng, cho thêm vani vào.
+ Rây hỗn hợp trên qua rây 2-3 lần để khi hấp bánh mịn hơn. Đổ lần lượt hỗn hợp qua khuôn, nếu thấy bọt khí thì vớt đi.
+ Lấy nồi hấp, đợi nước sôi thì cho khay vào lần lượt xếp hũ vào khay để chuẩn bị hấp bánh.
+ Đậy nắp và hấp bánh trong tầm 25-30 phút, tuỳ khuôn bánh nếu khuôn flan nhỏ thì hấp khoảng 30 phút là chín nếu khuôn to phải hấp thêm thời gian.
Lưu ý nhỏ:
– Để bánh không bị tanh trước tiên phải đánh trứng thật kỹ, kỹ nhưng phải đánh nhanh chớ đánh quá lâu sẽ sinh ra nhiều bọt khí.
– Khi hấp bánh sắp chín cũng không nên tăng lửa sẽ khiến bánh bị rỗ, nên giữ đều độ lửa.
– Cho chanh vào khi caramel đã chuyển màu, tránh cho sớm quá làm bánh bị đắng.
– Cứ 5-10 phút hãy mở nắp ra khoảng 10 giây để phả ra sức nóng trong nồi khi hấp rồi đậy lại.
– Sau khi hấp bánh để nguội cho vào tủ mát vài tiếng ăn sẽ ngon hơn.
2. Kem sầu riêng
Nguyên liệu:
+ 150ml whipping cream
+ 150 ml sữa tươi không đường
+ 2 lòng đỏ trứng gà
+ 70 gram thịt sầu riêng
+ 65 gram đường
Cách làm:
+ Tô và que đánh kem, hộp dùng để đựng kem để trong ngăn đá tủ lạnh ít nhất 30 phút. Whipping cream để trong ngăn mát tủ lạnh.
+ Cho 50ml sữa tươi + 70 gram thịt sầu riêng vào máy xay mịn rồi đổ ra chén để đó.
+ Cho đường vào lòng đỏ trứng gà, sau đó đánh tan trứng, màu vàng của trứng sẽ nhạt dần sau khoảng 3 phút, đánh khi nào đường tan và trứng có màu vàng nhạt là được.
+ Cho 100ml sữa tươi còn lại vào nồi đun để lửa nhỏ, đun đến sữa có hơi nước bốc lên, bọt khí sủi ở thành nồi.
+ Ngay khi tắt bếp cho sữa còn nóng này vào tô đựng trứng, cho từ từ từng chút một, vừa cho vào vừa khuấy đều.
+ Đặt rây lên tô trứng, rây cơm sầu riêng lúc nãy đã xay mịn vào luôn, rây kỹ và khuấy đều. Cho hỗn hợp này vào nồi bật bếp để lửa nhỏ khuấy liên tục, càng đun hỗ hợp càng sệt lại, sau khoảng 4-5 phút thì thử hỗn hợp xem đã đạt chưa bằng cách: nhúng cái thìa vào nồi rồi nhấc lên, lấy tay rạch một đường ngay giữa nếu thấy hỗn hợp không bị lem, chảy vào vết vừa kéo là được, sau đó cho ra tô để nguội.
+ Sau khi hỗn hợp trên nguội thì bắt đầu đánh kem, lấy dụng cụ tô, que đánh kem, hộp đựng kem từ tủ lạnh ra, cho kem tươi (whipping) vào đánh lên đến khi kem bông cứng.
+ Cho hỗn hợp trứng sữa vào kem tươi (whipping) trộn đều đến khi hỗn hợp mịn, lấy hộp từ ngăn đông ra rồi cho hỗn hợp này vào đậy kín mang để ngăn đông trong 6-8 phút là được thành phẩm kem béo mịn.
3. Bánh quy bơ
Nguyên liệu:
+ 200 gram bột mì
+ 80 gram đường xay
+ 140 gram bơ lạc
+ 1 lòng đỏ trứng gà
+ 1/3 thìa cà phê muối
+ 1/3 thìa cà phê bột nở
+ 1/2 thìa cà phê vani
Cách làm:
+ Rây mịn bột mì, muối và bột nở lại với nhau.
+ Bơ để nhiệt độ phòng cho mềm nhưng không bị chảy ra, cho đường xay vào sau đó thì đánh bông đường và bơ.
+ Cho tiếp lòng đỏ trứng gà và vani vào đánh đều lại với nhau.
+ Tiếp theo, cho bột vào hỗn hợp bơ đường trứng mỗi lần một ít đến khi thành hỗn hợp đặc quánh, lúc này có thể dùng phới dẹt để trộn bột.
+ Trộn đều hỗn hợp bột rồi đậy kín và cho vào ngăn mát tủ lạnh ủ trong 1-2 tiếng đồng hồ. Ủ xong mang bột ra tạo hình.
+ Bật nồi chiên không dầu 200 độ 5 phút, cho bột đã tạo hình thú vào, bật 160 độ trong 10 phút, lần 2 180 độ trong 3 phút là xong.
+ Mang bánh ra để vào rổ cho thoáng rồi đợi nguội cất vào hộp kín dùng dần.
Nếu các mẹ không có nồi chiên không dầu thì nướng bằng bếp ga.
4. Bánh chuối hấp
Nguyên liệu:
+ 3 quả chuối sứ/chuối xiêm chín
+ 40 gram bột năng
+ 60ml nước ấm 40 độ
+ 1/3 thìa cà phê bột nghệ
Cách làm:
+ Chuối lột vỏ ngâm nước muối loãng 10 phút, sau đó cắt lát mỏng.
+ Cho chuối ra tô, đổ bột năng + bột nghệ vào rồi cho từ từ lượng nước ấm vào trộn đều. Trộn nhẹ nhàng để không bị nát chuối.
+ Lấy khuôn/chén chịu nhiệt được để hấp bánh, thoa một lớp dầu vào khuôn, sau đó cho giấy thầm dầu vào định hình lại, tiếp tục phết một lớp dầu mỏng nữa mới cho phần bột chuối vào khuôn. Khi cho vào các mẹ xếp lát chuối ngay ngắn để bánh đẹp hơn.
+ Cuối cùng mang đi hấp chín tầm 20-30 phút là có thành phẩm.
Hình ảnh bánh chuối hấp rắc vụn dừa tươi.
Không chỉ bữa chính mà ngay cả bữa phụ, chị Thoa cũng đều chăm chút rất cẩn thận và bắt mắt.