Mẹ cha oan ức vì lời con trẻ

Trẻ nhỏ ngây thơ có bao giờ nói dối, vì thế các cụ mới có câu ‘đi hỏi già, về nhà hỏi trẻ’ chứ. Thực tế, có không ít nỗi oan ức xuất phát từ niềm tin này.

Vì con, mẹ bị ông bà mắng

Nga vừa đi làm về đã nhìn thấy gương mặt hầm hầm giận dữ của bố chồng. Ông không thèm đáp lại lời chào của cô. Lát sau, khi mọi người đông đủ, ông gọi cả ra họp gia đình, tuyên bố không chấp nhận một đứa con dâu lá mặt lá trái, hỗn láo, coi thường bố chồng như Nga. “Bình thường chị vẫn ra vẻ hiếu thảo, lễ phép, quan tâm đến tôi. Nếu không có thằng cu Bin thì tôi không thể biết được bộ mặt thật của chị, biết chị thực sự nghĩ về tôi như thế nào”.

Nga nhìn sang đứa con trai 3 tuổi, hỏi: “Bin, con nói gì với ông?”. Bố chồng quát: “Chị không được bịt mồm bịt miệng nó!”. Thằng bé òa khóc. Còn ông nội nó vẫn bừng bừng giận dữ, kể lại: Trưa hôm ấy, ông và Bin nằm chơi, nói chuyện với nhau, cùng cười rinh rich rất vui. Nhưng khi ông vươn tay ra để ôm Bin và định thơm cháu thì nó miệng kêu oai oái phản đối, tay khua chân đạp loạn xạ: “Ông đừng thơm Bin, đừng ôm Bin”.

Hơi sững lại, ông hỏi tại sao, đứa bé rối rít bảo: “Ông hôi lắm. Ông ở bẩn. Ông đã lười tắm lại còn lười đánh răng nữa, kinh chết!”. Dù cháu còn bé nhưng sự xua đuổi và những lời của nó vẫn làm ông thấy ngượng và hẫng. Lúc đó, ông nghĩ người “nhồi” những câu đó vào đầu cháu là bà, vì bà vẫn thường chê bai, kêu ca về ông như vậy, nhưng vẫn hỏi để chữa ngượng: “Ai nói với Bin thế?”. Bin ngẩn người ra một lúc để suy nghĩ rồi thủng thẳng bảo: “Mẹ nói”. Câu trả lời của cháu làm ông cụ vừa sửng sốt vừa xấu hổ thêm, nghĩ đến con dâu với cơn phẫn nộ mỗi lúc một tăng.

“Tôi hôi, tôi bẩn như thế nào là chuyện của tôi, thiết tưởng chẳng ảnh hưởng gì đến chị. Sao chị lại đem những lời ấy đi dạy một đứa trẻ con, để nó hỗn láo với ông nội nó? Thôi, chị đã thấy kinh sợ thì không phải ở đây làm gì nữa”, ông cụ nói. Dù Nga cố thanh minh rằng cô chưa bao giờ nói thế với bất cứ ai, bố chồng vẫn khăng khăng: “Chỉ có người lớn mới dối trá, còn trẻ con bé xíu như nó chưa biết nói dối đâu, chị ạ”.

Rồi cơn giận của bố chồng cũng qua, nhưng ông nghĩ xấu về con dâu từ đó. Nga tâm sự, cô tin chắc con trai mình chỉ nhắc lại những câu mà bà nội thường nói, nhưng khi bị ông hỏi thì nó quên mất mà bảo là mẹ nói. “Thằng bé vẫn thường quên như vậy.  Nó không nói dối, nhưng nó thường không nhớ hết mọi khía cạnh của một thông tin, khi kể lại vẫn hay lấy râu ông nọ chắp cằm bà kia. Có điều, bố chồng tôi không muốn nghe những điều này. Tôi rất buồn vì hình ảnh của mình đã trở nên xấu xí, đen ngòm trong mắt ông”, Nga thở dài.

Anh Hùng, 31 tuổi, cũng không làm sao thanh minh được với mẹ vợ về “tội lỗi” mình không phạm phải, một khi người “tố cáo” lại chính là con gái anh. Chủ nhật ấy là giỗ bố vợ Hùng, nhưng công ty có một sự cố rất lớn ở TP HCM, sếp lại đang ở nước ngoài nên anh được giao vào đó giải quyết gấp, ngoài anh ra không thể là ai khác. Vì thế, anh gọi điện xin lỗi mẹ vợ vì chỉ có vợ và bé Mèo, cô con gái 4 tuổi của anh, sang giỗ ông được.

Buổi giỗ kết thúc vui vẻ không có vấn đề gì. Chuyện chỉ xảy ra vào đúng một tuần sau đó, cũng là chủ nhật, khi Hùng đưa vợ con về thăm bà ngoại. Hôn hít cháu một hồi, dì út hỏi bé Mèo thich ăn gì để dì làm. Mèo nói thích ăn nem, giống như hôm giỗ ông ngoại. “OK luôn”, dì út bảo, “Vậy dì đố Mèo xem trí nhớ của Mèo có tuyệt không nhé, nếu Mèo trả lời đúng, dì sẽ làm cho Mèo cả đĩa nem thật to. Hôm giỗ ông ngoại có những ai nào?”.

Bé Mèo ngước đôi mắt to, ra vẻ trầm tư nhớ lại, rồi thỏ thẻ: “Có bà ngoại này, có dì út này, ông trẻ này, bà trẻ, cậu Sơn (cậu họ), có mẹ Mèo này, Mèo nữa này”. “Có cả bố Mèo nữa chứ!”, dì giăng bẫy. Nhưng cô bé lắc đầu: “Không, không có bố”. “Thế bố đi đâu mà không sang giỗ ông nhỉ?”. “Bố đi nhậu với chú Quỳnh, chú Lê”. “Lêu lêu, Mèo nhớ sai rồi, bố đi công tác Sài Gòn chứ. Thôi, dì chỉ làm nửa đĩa nem thôi”, dì út cười, trêu cháu.

Cô bé đỏ mặt, ngẩn ra giây lát rồi khăng khăng: “Mèo không nhớ sai. Bố đi nhậu. Bố mang về cho Mèo cái đùi gà rán to. Dì làm cả đĩa nem đi”. Trong lúc dì Út vẫn vô tư cười thì bà ngoại sầm mặt. Vì một cuộc nhậu mà bỏ cả giỗ bố vợ, lại còn nói dối là đi công tác, ra điều vất vả lắm. Bà gọi luôn con rể ra trách mắng, rồi mắng luôn con gái, khi cô làm chứng cho Hùng, là bao che cho chồng, lừa cả mẹ.

“Tôi chẳng biết làm thế nào, cũng không trách con gái được vì nó bé quá. Nó nhớ nhầm chủ nhật nọ với chủ nhật kia, lại còn hiếu thắng với dì nữa nên làm bố bị oan”, Hùng tâm sự.

Đuổi nhầm osin vì nghe con thỏ thẻ

Đi làm về, thấy trên má con trai, phía gần mắt, có vết bầm tím lẫn vết xước, chị Loan hoảng hốt hỏi: “Trời ơi, Ốc, mặt con sao thế?”. Thằng bé vui vẻ nói như khoe đồ chơi mới: “Con đau đấy mẹ ạ”. Mẹ hỏi sao lại bị đau, Ốc trả lời: “Bác Thư đánh đấy”. Ruột gan bỗng nhiên như từ bụng trào hết lên ngực vì phẫn nộ và đau xót, bởi hình dung ra cảnh đứa con vàng ngọc của mình bị bà giúp việc tên Thư đánh rất nhiều lần rồi mà mình không biết, chị Loan lao lên cầu thang tìm bà Thư. Nhưng rồi nghĩ ra, chị quay lại hỏi con cặn kẽ.

Thằng bé phấn khởi thao thao bất tuyệt: “Con đi học về, bác Thư bảo con ăn sữa chua. Con không ăn, vì cô giáo cũng cho ăn sữa chua rồi. Bác Thư bảo không ăn thì mách mẹ, để mẹ đánh đòn. Con bảo con ứ ăn đâu. Rồi bác đánh con vào má như thế này này, cào con như thế này này”.

Dù bà Thư có chối thế nào, chị Loan cũng kiên quyết trả thêm nửa tháng lương và buộc bà ra đi ngay hôm đó. Sáng hôm sau, thằng bé ốm, phải nghỉ học, chị càng hận người giúp việc cũ. Mấy hôm sau khi chị đưa con đến lớp, cô giáo ân cần nói: “Vết bầm với vết xước trên má con gần mất rồi nhỉ. Xin lỗi chị, các cháu đông quá, thỉnh thoảng có đánh nhau, hôm trước cháu bị bạn Huy đánh và cào vào mặt mà em can không kịp”. Chị Loan sững người, bà ôsin cũng nói như vậy nhưng chị không tin, vì câu chuyện con kể quá ư suôn sẻ và sinh động.

Lúc này, chị Loan mới nghĩ đến cái khả năng kể chuyện của con mình. Thằng bé có thể từ một chi tiết có thật, thêu dệt, thêm bớt, ứng tác ngay thành một câu chuyện khác, hoặc chắp nối những sự kiện, tình huống mà cháu nhìn thấy ở nhiều nơi, nhiều lúc khác nhau trong một câu chuyện được kể một rồi kể lại trơn tru “như đúng rồi”. Bản thân Loan đã nhiều lần trở thành nhân vật trong câu chuyện bịa của con. Hối hận, chị gọi điện cho bà Thư, xin lỗi và đề nghị bà quay lại, nhưng bà quá bị tổn thương nên từ chối.

Các chuyên gia tâm lý cho biết, trẻ nhỏ đúng là ngây thơ như tờ giấy trắng, nhưng không có nghĩa là chúng luôn nói đúng sự thật, dù rằng cái chuyện nói sai sự thật đó không hẳn là nói dối. Bé nói sai có thể vì quên, bởi trí não bé chưa phát triển hoàn thiện, cũng có thể vì bé tưởng tượng ra. Trí tưởng tượng của trẻ nhỏ rất phong phú, và nhiều khi chúng không phân biệt được thực tế với những thứ chúng tưởng tượng ra trong đầu. Vì thế, nhiều bé cứ thêu dệt nhiều chuyện một cách hồn nhiên, hoàn toàn không phải cố tình nói dối.

Tuy nhiên, cũng có những em bé nói dối, mà nguyên nhân thường là bé sợ hãi sự trừng phạt khi biết mình làm sai, làm hỏng cái gì đó, hoặc bé khao khát được người lớn khen ngợi nên tự nhận những điều tốt không thuộc về mình. Đôi khi đơn giản là bé muốn được quan tâm, chẳng hạn bé nói “con đau, con ốm” dù thực tế đang rất khỏe, hoặc bé  bịa ra những chuyện ly kỳ cốt lôi kéo sự chú ý của người lớn, để được hỏi han, được cùng trò chuyện…

Vì thế, đừng bao giờ nghĩ đơn giản rằng điều trẻ nói không bao giờ sai sự thật, hoặc vội kết tội trẻ là hư khi biết điều bé nói là không đúng. Nếu thực sự gần gũi và lắng nghe bé, bạn sẽ tìm hiểu được cái sự thật nằm sau những câu nói dối ngây thơ kia.

Theo Kienthucgiadinh

Leave a Reply

Or