Mách mẹ cách tập cho bé tự đi vệ sinh

Nhiều mẹ phải chật vật mới tập cho bé thói quen đi vệ sinh. Nhưng với những mẹo nhỏ dưới đây đảm bảo bé nhà bạn sẽ nhanh quen với công việc này đấy!

tập cho bé đi vệ sinh, thói quen, bé đi vệ sinh

Tuổi nào nên bắt đầu tập?

Chẳng có một quy định nào về thời điểm lý tưởng để tập cho bé đi vệ sinh. Đa số trẻ con có thể sẵn sàng để làm điều đó trong khoảng thời gian từ 18 tháng đến 3 tuổi, mặc dù phần lớn các bé vẫn không quen với việc tự đi vệ sinh cho đến khi tròn 2 tuổi.

Để bắt đầu làm quen với sự “tự lập” này, điều quan trọng là bé cần phải sẵn sàng về mặt thể chất, cảm nhận cũng như về mặt tinh thần. Ngoài ra, cũng cần bảo đảm khả năng kiểm soát hoạt động của bàng quang và đại tràng của cơ thể bé đã đi vào nề nếp.

Nếu phần lớn các Dấu hiệu Sẵn sàng được thể hiện rõ ràng, thì có lẽ đã đến lúc thích hợp để bạn cân nhắc việc tập cho bé đi vệ sinh. Tuy nhiên, bạn cũng nên tham khảo thêm một số lời khuyên như sau:

Nên cân nhắc hoãn việc tập tự đi vệ sinh khi bé bị bệnh hoặc khi đang có những thay đổi lớn về điều kiện sống như chuyển nhà, bắt đầu đi nhà trẻ hoặc mẹ sắp có thêm một em bé khác.

Dấu hiệu sẵn sàng

Nếu bé của bạn có ít nhất hai hoặc ba dấu hiệu về thể chất, tình cảm và tinh thần như trong liệt kê dưới đây, nghĩa là có thể đã đến lúc thích hợp để bắt đầu việc hướng dẫn cho bé. Hãy nhớ rằng bé phải sẵn sàng thì việc thiết lập thói quen mới cho bé mới diễn ra thuận lợi được.

Dấu hiệu sẵn sàng về thể chất

Bé dần hình thành thói quen tiểu tiện, đại tiện

Bé đã có những phát triển căn bản về thể chất, có thể tự di chuyển và tự đi vào nhà vệ sinh

Bé đủ khéo léo để có thể tự kéo quần lên hoặc xuống mà không cần nhiều sự hỗ trợ của người khác

Các miếng tã lót mà bé đang mặc được giữ khô lâu hơn trong khoảng từ 2–3 tiếng. Điều này cho thấy khả năng tự kiểm soát của bàng quang đã tăng cao

Bé có thể tự ý thức được thời điểm cần đi vệ sinh hoặc có thể nhịn một chút nếu cần.

Dấu hiệu sẵn sàng về mặt tinh thần

Bé biết phân biệt giữa tiểu tiện và đại tiện và có thể nói về điều đó khi được bạn thay tã

Bé hiểu thế nào là ‘ướt’ và ‘khô’

Bé có thể đoán biết và nói với bạn khi nào thì bé “muốn đi vệ sinh”

Bé hiểu điều bạn nói và làm theo những hướng dẫn đơn giản, như là “đi lấy gấu bông của con đi”

Bé thấy không thoải mái và báo cho bạn mỗi khi tã bị dơ hoặc sẽ tự tháo tã ra sau khi “làm ướt tã”

Dấu hiệu sẵn sàng về mặt tình cảm xã hội

“Con làm được” là một câu nói phổ biến, cho thấy bé muốn được độc lập hơn

Bé bắt đầu bắt chước hành động của bạn hoặc của người khác

Bé bắt đầu thể hiện sự độc lập của mình, thường là bằng câu trả lời “không” khi được yêu cầu làm gì đó

Bé biểu lộ mong muốn làm vui lòng bạn và những người lớn khác, và vui mừng khi được khen

tập cho bé đi vệ sinh, mẹ và bé

Bí quyết tập cho con đi vệ sinh:

– Cho bé làm quen với bô. Cho bé thấy một cái bô và nói cho bé biết bô dùng để làm gì. Hãy đặt bô trong nhà tắm hay ở góc nhà vài ngày trước khi làm gì tiếp, cho bé quen với cái bô. Chỉ cho bé biết cách ngồi bô nhưng hãy để nguyên cả bỉm hoặc quần mà ngồi.

– Bạn khuyến khích bé dùng bô, chứ đừng ép buộc. Nếu con bạn nhổm dậy ngay tức khắc, bạn hãy đề nghị bé ngồi lâu hơn một chút bằng việc kiếm cho bé một món đồ chơi hay một cuốn sách ảnh, hay thậm chí bật nhạc cho bé. Nếu bé không có “nhu cầu” gì, bạn hãy cho bé đứng dậy tiếp tục chơi. Khi bé đã thực sự sử dụng bô, bạn hãy luôn khen bé và nói cho bé biết bé là đứa trẻ ngoan.

– Khi con bạn lỡ có “sự cố”, đừng mắng bé. Bạn không thể trông mong là ở giai đoạn này, bé nhớ được khi nào phải dùng bô. Nếu bé tè dầm hay làm xấu ra quần, bạn đừng mắng bé, đó thực sự là lỗi tại bạn đã không chú  ý nhắc bé ngồi bô. Nếu sau 2 tuần bé vẫn chưa biết gọi khi đi vệ sinh thì có nghĩa là bé chưa sẵn sàng cho việc đó và có thể bạn đợi một thời gian nữa trước khi có những đợt “tập huấn” tiếp theo.

– Đừng mặc bỉm cho bé khi ngủ trưa. Một khi con bạn đã quen dùng bô ban ngày rồi thì bạn có thể dần dần thôi hẳn đóng bỉm cho bé khi ngủ trưa. Khi bé thức dậy, hãy gợi ý bé ngồi bô. Ngủ trưa không mặc bỉm sẽ tập cho bé thói quen không đái dầm ban đêm.

– Gợi ý cho bé sử dụng cầu tiêu. Sau vài tuần ngồi bô ban ngày, bạn hãy gợi ý xem bé có muốn sử dụng cầu tiêu như người lớn không. Trẻ ở tuổi lên 2, 3 thích bắt chước người lớn, bạn hãy “dụ bé” sử dụng toalet “giống như bố mẹ” để kích thích tâm lý của bé.

– Chỉ cho con cách ngồi vào chỗ vệ sinh và giải thích cho bé nghe là mình đang làm gì (con bạn sẽ học được bằng cách xem bạn thực hiện đấy). Bạn cũng có thể cho bé ngồi lên ghế bô và nhìn trong khi bạn – hoặc một trong những anh chị ruột của bé – đi vệ sinh nhé.

– Hãy tập cho con một thói quen hằng ngày. Chẳng hạn như, bạn có thể bắt đầu hướng dẫn bằng cách cho con ngồi bô sau khi ngủ dậy mà không ướt tã, hoặc sau khi uống nhiều nước từ 45 đến 60 phút. Bạn có thể quan sát trông chừng bé đi tiểu. Chỉ cho con ngồi bô một vài phút vài lần trong ngày, và để cho bé đứng dậy nếu bé muốn.

– Cố quan sát bé đi ị nhé. Trẻ nhỏ thường có những cử chỉ rất dễ nhận biết khi có nhu cầu đi vệ sinh – mặt ửng đỏ, và có thể cau có hoặc ngồi xổm. Và nhiều trẻ thường đi vệ sinh vào đúng thời gian trong ngày mà bạn đã tập cho bé.

– Hãy cho bé ngồi bô trong vòng 15 đến 30 phút sau các bữa ăn để lợi dụng nhu cầu đi vệ sinh tự nhiên của cơ thể sau khi ăn xong (đây được gọi là phản xạ dạ dày-ruột kết).

– Hãy đổ phân của bé ra khỏi tã và cho vào nhà vệ sinh, bạn hãy cho con biết là phân bé cho vào bô.

– Đảm bảo áo quần của bé phù hợp với việc huấn luyện cho con ngồi bô. Hay nói cách khác là nên tránh những áo khoác, áo choàng và áo sơ mi có thể bị vướng ở đũng quần. Nên cho bé mặc áo quần đơn giản giai đoạn này và trẻ tập ngồi bô cần có thể tự cởi đồ được.

– Một số phụ huynh cũng thích cho con mình không mặc tã vào một lúc nào đó trong ngày. Nếu bé đi tiểu mà không mặc tã, trẻ có thể cảm thấy khó chịu và không được thoải mái. (Nhưng nếu bạn thích để mông trần cho bé thoáng một lát, bạn có thể để bô vệ sinh gần bên cạnh, để bảo vệ thảm và chăn mền của mình, và sẵn sàng lau dọn nhé.)

– Khi bé trai của bạn đã sẵn sàng đứng tiểu, thì hãy “luyện tập mục tiêu” nhé. Hãy chỉ cho bé cách đứng sao cho có thể nhắm dòng nước tiểu vào được bồn cầu.

– Hãy tặng con vài món quà nhỏ mỗi khi bé ngồi bô được, chẳng hạn như nhãn dán hoặc đọc truyện cho con nghe. Nên vẽ một biểu bồ theo hướng thành công của bé. Khi con đã tỏ ra thông thạo việc đi vệ sinh, hãy để cho bé chọn vài chiếc quần lót mới cỡ lớn để mặc nhé.

– Đảm bảo là tất cả các người trông bé – bao gồm người giữ trẻ, ông bà, và người trông trẻ – phải theo một thói quen và gọi cùng những tên chỉ các bộ phận trên cơ thể bé và cả các hoạt động trong nhà vệ sinh nữa. Bạn nên thông báo cho họ biết cách bạn đang tập cho bé và yêu cầu có những cách thức tương tự như thế để bé không bị hoang mang.

– Quan trọng hơn hết là phải chắc rằng bạn nên khen ngợi những nỗ lực đi vệ sinh của bé, cho dù là không có gì đi nữa. Và luôn nhớ là tai nạn cũng có thể xảy ra. Bạn không nên phạt con trong lúc tập cho bé đi vệ sinh hoặc tỏ ra thất vọng khi trẻ làm vấy ướt hoặc dơ bẩn lên người hoặc lên giường. Thay vào đó, bạn hãy nói cho con biết đó chỉ là tai nạn không mong muốn và hãy giúp đỡ cho con nhé. Hãy chắc chắn với bé rằng chúng sẽ ngồi bô tốt giống như một trẻ lớn vậy thôi mà.

Và nếu như bạn đang lưỡng lự không biết khi nào nên bắt đầu tập cho bé theo một quy trình chung, thì hãy để cho bé bộc lộ nhé. Đừng để người khác gây áp lực cho bạn (bố mẹ ruột, bố mẹ chồng/vợ, bạn bè, anh chị em ruột, đồng nghiệp, …). Nhiều bậc cha mẹ thế hệ trước bắt đầu tập cho con đi vệ sinh sớm hơn nhiều so với các bậc cha mẹ thời nay. Tất cả phụ thuộc vào thiên thần nhỏ của bạn. Trẻ sẽ cho bạn biết khi nào chúng đã sẵn sàng.

 

 

theo: phunutoday

Leave a Reply

Or