Hốt hoảng khi con 6 tuổi đã có kinh nguyệt, người mẹ mới biết điều đã làm khiến con dậy thì sớm
Thấy con gái mới 6 tuổi có kì kinh nguyệt đầu tiên, người mẹ lo sợ đưa con đi khám mới biết điều mình làm khiến con dậy thì sớm. Theo các chuyên gia, dậy thì sớm có nhiều căn nguyên mà một phần từ thói quen sai lầm của người lớn.
Hốt hoảng khi con 6 tuổi đã có kinh nguyệt
Chị Nguyễn Thị Hoài (Hà Nội) kể, con gái chị mới có 6 tuổi nhưng ngực nở hơn các bạn cùng trang lứa. Chị vẫn nghĩ bình thường là do con béo, lớn hơn các bạn. Cách đây khoảng một tuần, con gái chị hoảng sợ bảo mẹ không hiểu sao lại thấy máu ra. Trước những dấu hiệu của con, chị đã lo sợ tưởng con bị ngã ở đâu, đưa đi khám mới giật mình hốt hoảng vì con bắt đầu có kì kinh nguyệt đầu tiên. Tại Khoa Nội tiết – Chuyển hóa – Di truyền (BV Nhi TƯ), bác sĩ đã kết luận con gái chị dậy thì sớm.
Con gái chị thường chỉ ít ăn thịt, cùng với đó chị lại có thói quen cho con ăn đồ ăn nhanh. Lo sợ con vào lớp 1 sẽ nhỏ nên thường tự ý mua thuốc dạng vitamin tổng hợp cho bé uống. Tình trạng lạm dụng thuốc khiến cho bé thay đổi quá trình bài tiết. Theo các bác sĩ, chính những lối sống thiếu khoa học đã khiến cho con có “cơ hội” phát triển sớm hơn bình thường. Nghe kết luận của bác sĩ mà chị hối hận vô cùng.
Ảnh minh họa
Thực tế, tình trạng dậy thì sớm ở trẻ hiện nay không còn quá xa lạ. Việc con lớn nhanh hơn bạn bè chưa chắc đã là niềm vui với những người làm cha làm mẹ. Theo thống kê của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), độ tuổi dậy thì của các bé gái đang có hiện tượng sớm hơn 2 – 3 năm, trong khi bé trai cũng sớm hơn 1- 2 năm so với trước đây. Đây là xu hướng tất yếu khi xã hội phát triển, chất lượng sống đang ngày càng nâng cao.
Theo BS Lê Thị Hải – nguyên GĐ Trung tâm Tư vấn dinh dưỡng (Viện Dinh dưỡng quốc gia), dậy thì sớm ở trẻ phần lớn thường không có nguyên nhân cụ thể mà đơn thuần là sự trưởng thành trước thời hạn. Tuy nhiên có một số yếu tố làm tăng nguy cơ dậy thì sớm ở trẻ từ môi trường như phim ảnh, sách truyện, người lớn… Cùng với đó lượng nội tiết tố đưa vào cơ thể trẻ quá nhiều qua thực phẩm, đồ dùng và ăn những thực phẩm còn tồn dư hormon tăng trưởng… sẽ làm thay đổi môi trường nội tiết tố bình thường của trẻ dẫn đến trục trặc tuyến yên.
Chuyên gia cho biết, một số thói quen mà cha mẹ làm có thể kích thích làm trẻ dậy thì sớm hơn, chẳng hạn như:
+ Cho trẻ ăn quá nhiều đồ ăn nhanh, thức ăn chế biến sẵn. Bồi bổ dinh dưỡng quá mức dẫn tới béo phì cũng thúc đẩy bé dậy thì sớm. Việc duy trì chế độ ăn khoa học, tăng cường vận động là điều rất quan trọng.
+ Lạm dụng thực phẩm chức năng: Đây là tâm lý của rất nhiều bố mẹ vì mong con được mập mạp, khỏe mạnh. Việc bổ sung thêm cho trẻ không phải sai nhưng cần phải theo đúng chỉ định của bác sĩ. Trẻ có thể phát triển sớm hơn các bạn trong giai đoạn uống thuốc trước dậy thì sau đó chững lại, không lớn nữa.
+ Ngoài ra, các nhà khoa học cũng đã chứng minh thói quen bật đèn khi đi ngủ có ảnh hưởng rất lớn tâm, sinh lý ở trẻ. Ngủ trong ánh sáng lâu ảnh hưởng đến mắt, ngủ không sâu mà còn làm giảm tần suất tiết hóc môn sinh trưởng của trẻ. Nó làm thay đổi quy luật tự nhiên trao đổi chất làm giảm tốc độ sinh trưởng của trẻ.
Thận trọng khi tự ý “kìm” dậy thì sớm ở trẻ
PGS.TS Nguyễn Tiến Dũng – nguyên Trưởng Khoa Nhi (Bệnh viện Bạch Mai) cho biết, trẻ dậy thì sớm thường sẽ bị lùn ở giai đoạn trưởng thành vì các đầu xương đã đóng kín sớm. Khi trẻ dậy thì sớm cũng sẽ dẫn tới tâm lý không tốt cho trẻ. Bé gái dậy thì sớm với thân hình phổng phao đối mặt nguy cơ xâm hại rất lớn.
Dấu hiệu nhận biết trẻ dậy thì sớm ở bé gái là biểu hiện ngực to, từ 25-30% bé có kinh. Ở bé trai biểu hiện dương vật lớn, vỡ giọng. Bố mẹ nên đưa trẻ đi khám, bác sĩ sẽ có thuốc can thiệp để giảm quá trình dậy thì, giúp trẻ lớn đạt mức.
Hơn nữa, mọi người cũng tránh nguy hiểm của dậy thì giả ở trẻ. Dậy thì giả ở trẻ có nhiều nguyên nhân gây ra như bệnh về não (u não, viêm não) hoặc bệnh ở thận, tuyến thượng thận… tiết ra hoocmon kích thích sự phát triển của các bộ phận như buồng trứng, tinh hoàn. Nếu là dậy thì giả từ những bệnh lý như u não, u thượng thận thì phải chữa trị ngay.
Các chuyên gia khuyến cáo, để phòng tránh cho trẻ dậy thì sớm, cha mẹ nên thay đổi ngay những thói quen, lối sống thiếu khoa học cho trẻ. Tâm lý e ngại khi đưa con đi khám, một số cha mẹ thấy con có biểu hiện lại tự mua thuốc về chích cho trẻ để ức chế sự phát triển dậy thì sớm. Điều này là rất liều lĩnh. Việc tiêm hoocmon này phải có sự chỉ định cũng như theo dõi chặt chẽ của các bác sĩ chuyên khoa, vì không đúng chỉ định sẽ làm trẻ không có được quá trình dậy thì bình thường, ảnh hưởng đến tâm sinh lý của đứa trẻ.
Khi vào viện, tùy theo tình trạng lâm sàng các bác sĩ sẽ thực hiện một số xét nghiệm để xác định các bệnh lý tiềm ẩn như xét nghiệm máu để kiểm tra nội tiết tố; chụp cắt lớp, cộng hưởng từ, siêu âm; chụp X-quang bàn tay để xác định tốc độ trưởng thành của xương…
Theo afamily