Học mẹ Việt kinh nghiệm cho con đi du lịch từ nhỏ

Việc cho con đi du lịch từ nhỏ sẽ nhẹ nhàng hơn rất nhiều nếu mẹ biết cách chuẩn bị đầy đủ và chi tiết các đồ dùng thiết yếu cho con.

Profile:
Mẹ: Lương Thúy Ngân, 29 tuổi
Nghề nghiệp: Tiếp viên hàng không
Bố: Trần Quang Anh, 34 tuổi
Nghề nghiệp: Tiếp viên hàng không
Con: Trần Quang Lâm (tên thường gọi là bé Bu), 2,5 tuổi
Nơi ở: TP.Hồ Chí Minh
Bố mẹ đều làm nghề “xê dịch” nên ngay từ khi con còn nhỏ, bà mẹ trẻ Lương Thúy Ngân đã “xách” con đi tung tẩy khắp nơi từ Vũng Tàu, Nha Trang, Phú Quốc cho tới Hà Nội. Đến nay, bé Trần Quang Lâm (tên thường gọi là bé Bu) mới 2,5 tháng tuổi nhưng đã có tới 6 chuyến du lịch cùng bố mẹ. Trải qua rất nhiều chuyến đi, Thúy Ngân đã tự rút ra kinh nghiệm bỏ túi chi tiết cho các mẹ muốn cho con đi du lịch từ bé.
Đặt vé tàu, máy bay
Căn cứ vào lịch ăn, ngủ của con, các mẹ nên đặt vé vào giấc ngủ của bé để lên tàu bé sẽ lăn ra ngủ, không chạy nhảy lung tung. Nếu không, trước khi đi, phải cho bé ngủ đủ giấc, nghỉ ngơi thoải mái ở nhà để lên tàu bé sẽ tỉnh táo, no bụng, không quấy khóc.
Thêm một lưu ý là khi chọn chỗ ngồi trên tàu, nên chọn các toa phía trên để đỡ ồn và sóc, đảm bảo con vẫn ngủ ngoan khi đi lại. Vì các bé còn nhỏ nên chọn chỗ gần nhà vệ sinh sẽ thuận tiện nhất.
Với việc đi lại bằng máy bay, chọn giờ sẽ dễ dàng hơn vì thời gian di chuyển thường nhanh hơn đi tàu.
be-bu-va-bo-me-di-nha-trang-luc-9-thang-tuoi
Bé Bu và bố mẹ trong chuyến đi đầu đời tới Nha Trang.

Chuẩn bị đồ dùng đi du lịch cho bé

Đây là việc cực kỳ quan trọng và cần kĩ lưỡng, tránh để bỏ sót hoặc quên đồ. Nên để sẵn 2 túi hành lý cho con: một túi  lớn – sẽ kí gửi, một túi nhỏ – sẽ mang lên máy bay/tàu xe.
Túi lớn: quần áo, thuốc, khăn tắm, khăn mặt, bỉm, 1-2 đôi dép, tất. Mang thêm chén ăn cơm, thìa nhựa…
Mẹ nên xem thời tiết điểm đến để mang quần áo cho phù hợp, nhưng vẫn mang theo 1,2 bộ đề phòng lúc thời tiết thay đổi. Ví dụ như đi biển, mẹ cũng nên mang theo áo khoác, khăn cho con, hay đi vùng núi vẫn chuẩn bị đồ bơi, áo ba lỗ…
Về thuốc mang theo, nên để riêng 1 túi nhỏ, bao gồm các loại: thuốc hạ sốt (dạng uống và nhét, miếng dán hạ sốt); thuốc tiêu chảy, men tiêu hoá; thuốc sát trùng vết thương, băng gạc; thuốc xịt bỏng, thuốc mỡ; chai xịt/ miếng dán chống côn trùng, thuốc xoa khi bị côn trùng đốt; thuốc ho; kem chống nắng cho trẻ con; thuốc nhỏ mắt; nước muối sinh lý, bình xịt mũi; dầu gội, sữa tắm của con.
be-di-du-lich
Mỗi khi vào nhà hàng, bé sẽ tự ngồi ghế và ăn như ở nhà.
be-di-du-lichq

Bé Bu tỏ ra rất hào hứng với các chuyến đi.

Túi nhỏ: túi này sẽ mang lên máy bay/tàu xe và cầm theo trong suốt hành trình đi chơi của gia đình:

– 3 bộ quần áo: Cả áo ngắn lẫn tay dài. Bé nghịch ngợm, ăn uống bị bẩn hay ói ra vẫn có đồ để thay. Mang theo bao nilong sạch để đựng đồ dơ hay khi bé bị nôn trớ.
– Một ít đồ cá nhân: Nước muối sinh lý, urgo, bỉm, 1 cái chăn nhỏ, dầu cho bé, nón, khẩu trang, nước rửa tay dạng gel…
– Bình nước, bình sữa, sữa (nên dùng đồ chia sữa, còn hộp sữa để trong hành lý kí gửi). Nước nóng thì trên tàu có nên không cần pha sẵn ở nhà, nếu bé uống sữa tươi thì mua lốc sữa rồi kí gửi vì máy bay không cho mang lên, vào nhà ga mua thêm 1 hộp cho bé cũng được.
– Đồ chơi bé ưa thích hoặc vật nào bé thích (búp bê, chăn, gối…). Những vật dụng này rất quan trọng vì bé ra nơi đông người dễ bị hoảng, những vật phẩm thân quen sẽ giúp bé yên tâm hơn.
– Một ít đồ ăn vặt để bé nhấm nháp lúc cất cánh hạ cánh giúp bé đỡ bị đau tai.
– Khăn giấy khô, khăn giấy ướt, khăn lau tay.
– Để giấy khai sinh, hộ chiếu của bé ở nơi dễ lấy vì sẽ kiểm tra khi đi qua các cổng.
be-di-du-lich2
13 tháng, bé Bu chuẩn bị lên máy bay trong chuyến đi từ TPHCM ra Hà Nội.

Quá trình đi lại

Để việc đi lại đỡ vất vả, các bố mẹ luôn phải mang theo xe đẩy du lịch cho bé, loại gọn nhẹ nhất. Xe đẩy cho bé ngồi đến cửa máy bay và kí gửi tại chỗ. Khi xuống, sẽ nhận xe của con tại băng chuyền chung với hành lý kí gửi. Với tàu, có thể đẩy cả xe lên tàu rồi gấp gọn lại.
Ngoài ra, khi đưa con ra chỗ đông người (nhà ga, sân bay), mẹ Thúy Ngân thường thay cho con đôi dày kêu chít chít để dễ biết con đi đâu. Nếu bé lớn đã nhận biết được thì nên hướng dẫn con, cho con thông tin về chuyến bay, cửa khởi hành, chỉ cho con nếu bị lạc thì gặp ai để giúp đỡ. Tránh kiểu nói “đi theo mẹ” xong đến lúc lạc mất mẹ thì chả biết theo ai.
Treo một cái tag nhỏ trên áo con ghi tên con, tên bố mẹ, số điện thoại, số hiệu chuyến bay (lỡ bị lạc thì cũng dễ phát thanh).
Mặc áo quần thoải mái cho con vận động chạy nhảy. Kinh nghiệm của mẹ Bu là nên mặc quần dài áo tay dài vì trong lúc chờ máy bay/tàu xe, các bé hay chạy nhảy, nô đùa, lỡ có té hay va quẹt cũng sẽ không bị đau.
be-di-du-licht
Cả gia đình tham quan thủ đô Hà Nội.

Đi xa mà con nhỏ tốt nhất là đóng bỉm cho con. Với những bé lớn hơn, nếu bé không chịu đóng bỉm thì nên tranh thủ xi tè cho bé trước và sau khi lên tàu xe/máy bay. Đừng để máy bay cất/hạ cánh mới cho con đi, đó là thời điểm không an toàn.

Khi đi máy bay, bé nhỏ dưới 2 tuổi sẽ được phát dây an toàn cho bé, trong trường hợp bé có ghế riêng nhưng không chịu ngồi vì sợ thì mẹ có thể xin dây để cho con ngồi lòng (áp dụng cho bé 2,3 tuổi vì bụng bé còn vừa dây an toàn). Đối với bé lớn hơn thì mẹ để bé ngồi riêng nhưng nhấc tay vịn giữa mẹ và bé lên để ôm bé bên hông, lúc này có thể lấy đồ ăn, đồ chơi, vật yêu thích cho bé để bé cảm thấy an tâm hơn.
Một số bé ngủ nên mẹ thường cho nằm dài ra ghế thì các mẹ nhớ lúc hạ cánh phải bé ngồi dậy hoặc ôm con vì tư thế nằm như vậy lúc có sự cố sẽ không kịp thoát hiểm, chưa kể đến việc ảnh hưởng đến xương sống của con.
Nhiều bé lên tàu thích được chạy lung tung hoặc đòi bố mẹ bế đi lòng vòng, bố mẹ nhớ để ý con đặc biệt lúc đèn hiệu cài dây an toàn bật sáng nên cho con về chỗ.
Trước khi máy bay hạ cánh bao giờ cơ trưởng cũng thông báo những thông tin điểm đến, mẹ để ý nhiệt độ, thời tiết để cho con mặc đồ phù hợp, đi dép cho con. Thu dọn đồ chơi, rác, chăn mền, thức bé dậy từ từ… Chuẩn bị cho con trước, tránh tình trạng những người phía sau phải ngồi chờ đợi hoặc vội vàng sẽ dễ bị quên đồ.
be-di-du-lichh
Chuyến đi Vũng Tàu bằng ô tô của bé Bu lúc 16 tháng tuổi.

Việc ăn uống và sức khỏe khi cho con đi du lịch

Có một vấn đề khác mà các mẹ đặc biệt rất lo lắng và e ngại khi cho con đi du lịch đó là vấn đề ăn uống. Với các chuyến bay ngắn thì không vấn đề gì, chỉ cần cho bé ăn ở nhà thì lên máy bay sẽ không phải bận tâm chuyện ăn uống nữa.
Còn với hành trình đi tàu xe đường dài, cá mẹ cần chuẩn bị đồ ăn sẵn như cháo ăn liền, bột ăn dặm, loại chỉ cần để vào nước ấm cho con là ăn được ngay. Như thế, mỗi lần đi lại trên tàu xe, mẹ vẫn cho con ăn dễ dàng và thuận tiện.
be-rat-ngoan-va-chiu-choi-khi-o-tren-may-bay-mot-phan-nho-me-da-chuan-bi-do-an-thuc-uong-do-choi-day-du-cho-be
Khi di chuyển bằng tàu xe, máy bay, bé rất ngoan vì mẹ luôn chuẩn bị đầy đủ đồ ăn, thức uống và đồ chơi cho bé.
be-di-du-lichw
Hai mẹ con ở sân bay Phú Quốc.
be-di-du-lichg

Chuyến đi gần đây nhất của bé Bu và gia đình là tới Phú Quốc, lúc bé 24 tháng tuổi.

Ngoài ra, khi đi ăn ở các nhà hàng, chỉ cần một chút nước sôi là bữa ăn cho bé đã sẵn sàng. Nếu bé ăn thô chưa tốt, mẹ nên mang theo một chiếc rây để rây cháo. Như với bé Bu, 9 tháng Bu đã ăn thô khá tốt nên trong các chuyến đi, bé đều tự cầm nắm thức ăn và ăn cùng với cả gia đình.

Chuẩn bị rất kĩ lưỡng nhưng không phải lúc nào bé cũng khỏe mạnh hoàn toàn trong suốt hành trình.
Có những lần bé bị ốm khi đi du lịch, vì đi nắng quá nhiều, mẹ Bu chỉ cần chăm xịt rửa mũi và cho con uống nhiều nước là bé lại chạy nhảy tung tăng. Điều quan trọng là chuẩn bị đồ chăm sóc sức khỏe cho con đầy đủ thì khi bé gặp vấn đề về sức khỏe, mẹ cũng trở tay dễ dàng.
Cho con đi du lịch từ khi còn nhỏ, nhất là đi chơi xa, các ông bố bà mẹ sẽ vất vả hơn rất nhiều vì phải chăm chút cho con, không được vui chơi thỏa thích. Nhưng nếu bỏ thời gian chuẩn bị mọi thứ chu đáo một chút và biết cách chăm sóc trẻ thì chuyến đi sẽ thú vị, thoải mái hơn rất nhiều.
Theo Tri Thức Trẻ

Leave a Reply

Or