Học mẹ Hà Nội bí kíp luyện ngủ cho con ngay khi vừa lọt lòng, tròn tháng là bé ngủ xuyên đêm, mẹ tha hồ thảnh thơi
Sau khi thành công với em bé lớn, chị Hằng tiếp tục áp dụng bí kíp của mình với bé thứ hai và kết quả vẫn thành công mỹ mãn.
Chị Ngô Thúy Hằng (33 tuổi, Hà Nội) là mẹ của hai bé tên Paris, Harry và hiện đang mang thai em bé thứ 3 được 37 tuần. Bà mẹ 3 con kể, khi mang thai lần đầu, chị đọc, tham khảo khá nhiều tài liệu và nhận thấy việc luyện ngủ cho bé từ sớm là điều nên làm.
Được bác sĩ hướng dẫn rất tỉ mỉ và còn tham gia các lớp tiền sản nên mọi thứ với chị Hằng không bị bỡ ngỡ, đó là một nền tảng tuyệt vời để chị chăm sóc em bé sau này.
Có rất nhiều sách về luyện ngủ và các phương pháp luyện ngủ, chị Hằng tham khảo và kết hợp đúc rút kinh nghiệm khi chăm bé, thay đổi uyển chuyển hơn để bé thích nghi đồng thời tìm ra một công thức chung tốt nhất, phù hợp nhất với con.
Cả hai bé Paris và Harry được ngủ nôi ngay từ khi mới sinh, nằm cạnh mẹ, khi cần bú thì được hộ lý hoặc bà đưa xuống bú rồi lại bế vào nôi cho đến khi xuất viện. Về nhà chị Hằng không hát ru, bế ẵm để ru con ngủ mà bắt đầu bật nhạc cho con nghe. Buổi sáng bật một bài nhạc vui tươi, buổi trưa một bài, tối một bài và cố định để bé hiểu được là nghe nhạc nào là dậy, nghe nhạc nào là ngủ.
Chị Hằng chưa mua cũi ngay nhưng vẫn cho bé ngủ riêng ban đêm, không nằm với bố mẹ mà nằm với bà trên giường rộng, cách xa, không quấn chân tay để bé có thể xoay thoải mái. Chị dặn mọi người trong nhà không bế con nhiều, tháng đầu tiên bà chỉ nằm xa và quan sát bé.
Bà mẹ 3 con cho rằng bé vừa ra khỏi bụng mẹ còn lạ lẫm, nằm với bà bé sẽ yên tâm hơn và cũng không bị bện hơi do bà nằm xa và không có hơi sữa. Đêm bà cho bé bú bình. Như vậy được lợi và hại như sau:
– Lợi: Mẹ được nghỉ ngơi sau sinh vào ban đêm, giúp lấy lại sức khỏe nhanh. Bé có thể vừa bú mẹ (vào ban ngày) vừa bú bình (vào ban đêm), ngủ riêng không bện hơi mẹ và biết được lượng ăn của bé là bao nhiêu.
– Hại: Bà sẽ là người hơi vất vả và mẹ phải vắt sữa đều.
“Bé nhà mình được ăn theo cữ, cứ 3h/lần. Sau 2 tuần tập giãn cữ ăn và giúp phân biệt được ngày/đêm thì đêm bé chỉ ăn một bữa lúc 12h và đến tận 6h sáng mới ăn tiếp.
Ban ngày mình kéo rèm ra cho sáng, bật nhạc vui tươi, ngủ trưa cũng không để phòng tối hẳn. Đến đêm là tắt điện, bật nhạc ru bé ngủ du dương, dần dần bé sẽ có phản ứng đáp lại, chỉ cần tắt điện, không cần ru bé cũng tự ngủ rất ngoan.
Sang tháng thứ 2 là bé ngủ thẳng, chỉ ăn lúc 9h30 phút tối khi đi ngủ tới 6h sáng hôm sau. Thỉnh thoảng wonder week thì bé ăn thêm một bữa lúc 12h. Việc luyện ngủ tự lập cho bé đòi hỏi một sự kiên trì và đúng giờ của mẹ, giờ ăn, ngủ phải chính xác.
“Nhiều người hỏi: “Mới sinh đã để con nằm riêng với bà có thấy sốt ruột không?”. Thực tế khi nuôi con mình không bao giờ có khái niệm sốt ruột. Sau 1 tháng thì bà cũng về nên bé nằm cũi luôn cũng vì quen ngay từ lúc sinh ra rồi, không bện hơi nên không hề quấy khóc hay có vấn đề gì. Đến giờ thì bật nhạc, tắt điện là tự ngủ, bạn bè đến nhà chơi thấy mình thảnh thơi ngồi xem phim, đọc truyện… thì cũng ngạc nhiên lắm. Sau mình truyền bí kíp lại cho mấy người bạn thì cũng thành công y như vậy. Mẹ nhàn, con khoẻ sướng biết bao nhiêu. Mọi thứ vẫn duy trì đến tận bây giờ, cứ 9h tối các con vệ sinh cá nhân xong là lên giường ôm món đồ yêu thích đi ngủ.
Mình không phải kiểu người suốt ngày ôm ấp nâng niu cưng nựng con vì con chỉ lớn một lần trong đời. Mình muốn cho con độc lập nên cho phép bản thân được nghỉ ngơi sau một ngày dài bên con, dành thời gian cho riêng mình để cả nhà hạnh phúc mới là đúng đắn” – chị Hằng cho hay.
Đến con trai thứ hai, bé Harry, chị Hằng cũng áp dụng cách tương tự với Paris và thành công mỹ mãn.
Theo chị Hằng, khó khăn lớn nhất trong việc luyện ngủ cho con là làm công tác tư tưởng cho chính mình và gia đình. May mắn bà nội và bà ngoại nhà mình rất chịu khó cập nhật, thậm chí sau này bà nội còn phổ biến cách chăm bé của con dâu cho mọi người nữa. Kiên trì và nhẫn nại, uyển chuyển thì mọi thứ sẽ đâu vào đấy.
Chị nuôi con sữa mẹ hoàn toàn nhưng vẫn tập cho con một cữ bú mẹ và một cữ bú bình. Bé bú xong, chị tiếp tục hút sữa ra để cữ sau cho bé bú bình. Bé vào nếp quen nên không đòi ăn đêm hay quấy đêm, đó chính là lợi ích của việc luyện ngủ cho bé.
Đến giờ Paris và Harry trộm vía tự lập và ngủ ngoan, đúng giờ nên thành nếp và không quấy khóc, lúc nào cũng vui vẻ và khi ngủ dậy cũng không mè nheo. Mẹ đi vắng cũng không vấn đề gì cả.
Hiện tại, Paris đã 5 tuổi, Harry hơn 2 tuổi vẫn tự ngủ rất ngoan mỗi tối.
Một số kinh nghiệm hỗ trợ việc luyện ngủ cho con của chị Thúy Hằng:
– Không quấn chặt tay, chân bé hàng ngày, chỉ quấn khi bé khóc để bé cảm thấy yên tâm như khi mình buồn mà có người ôm chặt.
– Không đeo bao tay, bao chân cho bé nếu không lạnh. Vì điều này không cần thiết, bỏ bao tay, chân bé sẽ cảm nhận việc cầm, nắm, tiếp xúc tốt hơn. Khi mình thắc mắc điều này, bác sĩ đã hỏi lại một câu mà sau này trong suốt quá trình nuôi con, mình luôn tự hỏi bản thân trong mọi trường hợp: “Nếu mẹ là em bé thì mẹ có thấy dễ chịu không?“.
– Cho bé tiếp xúc với âm nhạc, màu sắc, cây cỏ hoa lá và dạy bé một cách kiên trì.
– Massage và tập thể dục cho bé hàng ngày vào mỗi khi ngủ dậy, hát cho bé nghe và hỏi chuyện bé ngay khi bé mở mắt. Paris và Harry giờ cứ mở mắt ra là cười tươi như hoa.
– Không cho bé mặc quá nhiều quần áo, thân nhiệt của bé giống mẹ chứ không hề lạnh như mọi người tưởng tượng. Theo lời bác sĩ, nhiệt độ lý tưởng của bé là 26 độ C, áp dụng điều này mình thấy bé ngủ rất ngon.
– Làm mẹ thì trực giác cần nhanh và hiểu con cần gì để quyết định, đừng chỉ tin vào tài liệu. Các mẹ chỉ cần nhớ, mỗi bé là một cá thể khác nhau và không phải tài liệu nào cũng chính xác với tất cả các bé.
Theo afamily