Hình thành thói quen làm bài tập về nhà cho trẻ

Bài tập về nhà không chỉ là một cơ hội cho con bạn học tập, mà nó cũng là một cơ hôi cho bạn tham gia vào quá trình giáo dục con bạn. Nếu bạn đang lơ là trong việc dạy cho con có một thói quen làm bài tập về nhà ở năm học đầu tiên thì bạn hãy bắt đầu ngay bây giờ để chuẩn bị cho con tới những bài tập khó hơn.

Sau đây là 13 lời khuyên làm thế nào để phụ huynh, giáo viên bắt đầu hình thành thói quen làm bài tập về nhà cho trẻ:

1. Trình bày với giáo viên vào đầu năm học: Bạn hãy hỏi giáo viên của con về các quy tắc cho bài tập về nhà. Làm bài tập bao lâu mỗi tối thì đủ? Bé học lớp 2 có thể làm bài tập khoảng nửa tiếng hoặc hơn mỗi tối; hầu hết giáo viên đều cho rằng bắt trẻ em ở bậc học tiểu học dành quá nhiều thời gian hơn vào việc này là bất hợp lý. Bạn nên hỏi giáo viên về cách chấm điểm của họ, họ dùng bài tập về nhà của học sinh để làm gì, để chuẩn bị cho bài học tiếp theo để củng cố lại bài tập trên lớp hay để kiểm tra trình độ của học sinh? Điều này sẽ giúp bạn quyết định mức độ bạn cần phải giúp con.

Ảnh: Inmagine

2. Thiết lập một khoảng thời gian cố định cho con làm bài tập. một số trẻ có thể làm bài tập tốt nhất ngay sau khi học ở trường về, trước khi bài trên lớp bị quên. Một số khác cần phải nghỉ ngơi rồi sau đó mới tập trung làm bài được. Một số bé lại muốn ăn tối trước. Vì vậy, bạn phải tìm ra được một khoảng thời gian làm bài cho con bạn và cố định khoảng thời gian ấy.

3. Lưu lại những bài tập về nhà. Hầu hết trẻ em lớp 4 cần có sự giúp đỡ của người lớn trong việc sắp xếp đồ dùng của mình. Bạn nên đảm bảo là cô giáo của con đã gởi bài tập về nhà. Giữ lại các bài tập của con đã làm và để tất cả giấy, tập ở đúng chỗ mỗi khi bé làm bài tập.

4. Dành cho con một khoảng không gian riêng để làm bài tập. Bàn là một nơi học tốt nhất. Mua một cái ghế ngồi có độ cao thích hợp để bé ngồi viết được thoải mái. Nhớ là nơi bé học phải có đủ ánh sáng. Nếu bạn có một không gian chỉ dành riêng cho việc học của bé, bạn nên trang trí bằng các họa tiết bé thích.

5. Hỗ trợ tất cả những đồ dùng học tập cần thiết. Bút chì, bút mực, thước, giấy, từ điển, hoặc bất kỳ đồ dùng cần dùng cho mỗi bài tập.

6. Tắt hết chương trình TV, radio và trò chơi điện tử. Cố gắng ko nói điện thoại ở nơi bé đang làm bài. Để con có một khoảng thời gian hoàn toàn yên tĩnh để hoàn tất bài tập. Con bạn có thể đạt được kết quả tốt nhất nếu mọi thành viên trong gia đìnhđọc, hoặc viết trong cùng khoảng thời gian đó. Một số bé lại làm việc tốt hơn khi bạn mở nhạc nhẹ của một loại nhạc cụ nào đó ở tầng dưới. Bạn phải nhớ là thật khó để bé làm bài tập khi mọi người trong nhà đang cùng xem Tv trong phòng.

7. Xem qua bài tập của bé. Trước khi con bạn bắt đầu học, bạn nên nói về bài tập đó. Bạn phải biết chắc là con bạn đã hiểu được yêu câu của bài tập. Hỏi bé các câu hỏi như: “con đã làm bài tập này lần nào chưa?”, “để làm được bài tập này, con cần làm gì?”, “khi nào con phải nộp bài cho cô?”

8. Giúp con khi cần thiết. Nên nói với giáo viên của con trước để biết là con bạn nên được bạn giúp đỡ ở mức độ nào. Nếu cô giáo cho bài tập về nhà là bài tập mới thì cô ấy có thể muốn bạn học chung với con nhiều hơn (nhưng nhớ là chỉ cho gợi ý chứ không cho câu trả lời). Nhưng nếu cô giáo chỉ dùng bài tập về nhà để củng cố lại bài tập đã được học qua, thì có thể cô giáo của bé chỉ muốn bé tự làm. Nhưng dù cho con bạn đang làm bài tập gì đi nữa, bé cũng muốn nhận được sự quan tâm của bạn tới bé, và hỏi bé xem bé đã hoàn thành bài tập hay chưa.

9. Kiểm tra lại bài tập bé đã làm để chắc chắn là bài tập của bé đã được hoàn tất. Nếu bạn không có ở nhà khi con bạn hoàn tất bài tập, thì bạn hãy yêu cầu bé đưa cho bạn khi bạn về nhà. Tùy vào yêu cầu của giáo viên, bạn có thể không cần sửa lại hoặc nói về lỗi sai của con, nhưng bạn có thể đánh giá được sự tiến bộ của con và bảo đảm rằng tất cả bài tập phải được hoàn thành đúng thời gian.

10. Yêu cầu bé trình bày bài tập đã được sửa lỗi. Bạn hãy tập cho con có một thói quen đưa bài tập cho bạn xem vào một thời điểm nhất định nào đó, ngay cả khi giáo viên đã chấm điểm vào bài tập. Bạn sẽ có cơ hôi để khen con, và biết được môn học nào con còn yếu.

11. Gọi điện cho giáo viên ngay khi bạn biết được có vấn đề về bài tập của con. Nếu bài tập quá khó hoặc quá dễ, hoặc bé gặp khó khăn để tập trung, bạn nên báo cho giáo viên biết, và cùng tìm cách giúp con. Ngoài ra, bạn cũng cần báo với giáo viên nếu con bạn thường xuyên không chịu làm bài tập về nhà, nếu bạn không thể cung cấp những tài liệu để còn tất một bài tập hoặc nếu bạn và bé không hiểu yêu cầu của bài tập, hay nêu bài tập cần nhiều thời gian để làm.

12. Khen con khi bé hoàn thành tốt bài tập. Bạn hãy chỉ ra cho con bạn những điểm cụ thể mà bạn thích (như “chữ con viết đẹp lắm” sẽ hay hơn nhiều khi chỉ nói chung chung “con giỏi lắm”). Bạn nên nói những câu như: “điều chỉnh lại”, “hạn chế làm điều đó”, hoặc “đừng làm như vậy nữa”. Cách làm này giúp chỉ cho bé nhận ra những vấn đề trong việc làm bài tập của mình, và thường xuyên khen con cũng làm tăng tính tự trọng của bé.

13. Làm gương cho con. Bạn nên đọc và viết vào mỗi buổi tối. Cho dù bạn đang đọc báo, sưu tập một danh sách các nơi mua sắm hay viết thư, thì bạn đã đang minh họa cho bé thấy tầm quan trọng của việc đọc và viết.

Theo Monngonmoingay

Leave a Reply

Or