Hình ảnh bàn tay của bé gái uống hơn 10 hộp sữa tươi mỗi ngày khiến ai cũng giật mình, ai còn chăm con theo kiểu này cần thay đổi ngay

Thật không ngờ nguyên nhân khiến bé gái có bàn tay xanh xao, nhợt nhạt, không chút hồng hào nào lại đến từ cách chăm con sai lầm của phụ huynh.

Mới đây, BS CKI Nguyễn Thanh Sang (Bệnh viện Nhi Đồng Thành Phố) đã chia sẻ hình ảnh lòng bàn tay của một đứa trẻ uống 10 – 12 hộp sữa tươi một ngày, tương đương 1800 – 2100ml sữa mỗi ngày.

Theo bác sĩ Nguyễn Thanh Sang cung cấp thông tin, mẹ bé bận việc nên toàn mua cơm ngoài về ăn cùng bà ngoại. Còn bé ngủ dậy thì bà ngoại cứ khui sữa cho uống. Bà nội nhiều lần thấy bé xanh quá khuyên đi khám nhưng bà ngoại không đưa đi. Đến lúc bố bé đi công tác xa về thấy con như vậy liền tức tốc đưa bé lên Sài Gòn bằng xe cấp cứu và nhập Bệnh viện Nhi Đồng Thành Phố.

Hình ảnh bàn tay của bé gái uống hơn 10 hộp sữa tươi mỗi ngày khiến ai cũng giật mình - Ảnh 1.

Kết quả xét nghiệm cho thấy chỉ số Hemoglobin (HGB) của bé gái này chỉ còn có 1/3 so với bé gái 3 tuổi bình thường khác. Bé bị thiếu máu do thiếu sắt. Ngoài ảnh hưởng đến sức khỏe thì thiếu máu ở bé gái còn ảnh hưởng đến cả phát triển tâm – sinh lý của con sau này!

Có 3 nguyên nhân khiến uống sữa tươi nhiều gây thiếu máu thiếu sắt

– Thứ nhất, sữa tươi chứa hàm lượng canxi, phospho cao gấp 4-5 lần sữa mẹ. Tuy nhiên, nồng độ canxi, phospho cao ấy lại là nguyên nhân cản trở ruột hấp thụ sắt từ thức ăn.

– Thứ hai, sữa tươi chứa 80% protein casein (trong khi sữa mẹ chứa 40% casein) nên nó cản trở ruột hấp thụ sắt.

– Thứ ba, sữa tươi hay sữa mẹ đều chứa rất ít sắt. Nhưng trẻ bú mẹ hoàn toàn vẫn không thiếu sắt 4 tháng đầu đời là nhờ lượng sắt dự trữ trong gan của con. Còn trẻ sau 4 tháng tuổi, đặc biệt sau 12 tháng là phải chọn chế độ ăn giàu sắt rồi.

Nếu trước khi ăn, một đứa bé 12-13kg được đưa cho một hộp sữa, chắc chắn trẻ sẽ chẳng còn hứng thú với ăn uống. Chúng sẽ cảm thấy đủ năng lượng và không đói, mà không đói là biếng ăn. Bố mẹ lại thấy bé biếng ăn nên sợ con đói, quăng thêm 1 hộp sữa nữa, đo đó mà vòng xoáy biếng ăn nặng hơn“, bác sĩ Nguyễn Thanh Sang giải thích thêm.

Hình ảnh bàn tay của bé gái uống hơn 10 hộp sữa tươi mỗi ngày khiến ai cũng giật mình, ai còn chăm con theo kiểu này cần thay đổi ngay - Ảnh 2.

Những yếu tố nguy cơ thiếu sắt ở trẻ

Nếu bé nhà bạn rơi vào một trong những trường hợp dưới đây, có thể trẻ sẽ phải đối mặt với nguy cơ thiếu sắt:

– Trẻ trên 12 tháng tuổi uống >600 ml sữa mỗi ngày.
– Lúc mang thai mẹ bầu không uống sắt.
– Mẹ cho con bú sữa mẹ hoàn toàn dưới 6 tháng tuổi không bổ sung sắt và acid folic với liều: 60mg sắt và 0.4mg acid folic mỗi ngày.
– Trẻ xanh xao, nhợt nhạt.

Nếu có các dấu hiệu trên, nên đưa trẻ đi kiểm tra công thức máu để xem có thiếu sắt hay không.

Sữa tươi là thực phẩm rất cần thiết đối với trẻ từ 1 tuổi trở lên. Nhưng nếu bố mẹ có con trên 1 tuổi còn cho bé sử dụng nhiều hơn 600ml sữa tươi mỗi ngày thì sẽ đẩy con bạn rơi vào nguy cơ thiếu máu thiếu sắt!

Tôi từng khám dinh dưỡng cho nhiều bé 6 tuổi nhẹ cân kèm thiếu máu thiếu sắt, uống 6 hộp sữa/ngày. Có những bé tôi chẳng hề kê một loại sữa hay thuốc men gì. Điều tôi làm là nhận ra điểm bất ổn trong chế độ ăn hiện tại và khuyên bố mẹ tự điều chỉnh. Một trong những việc đó là chỉ cho bé uống 1 hộp sữa trước khi đi ngủ và bỏ 1 hộp sữa vào balo con khi con đi học. Khoảng 2 tuần sau, mẹ gọi điện thoại nói trong nước mắt rằng hôm nay con tự ăn hết 3 chén cơm và ăn thêm 1/2 dĩa trái cây – điều mà họ chưa bao giờ thấy trước đây. Vì thế, ai đang nuôi con bằng “chế độ” cho con uống quá nhiều sữa tươi xin hãy dừng lại!“, bác sĩ Nguyễn Thanh Sang nhắn nhủ.

Bác sĩ Nguyễn Thanh Sang hiện đang công tác tại Bệnh viện Nhi Đồng Thành Phố (TP Hồ Chí Minh) là bác sĩ khá nổi tiếng trong ngành Nhi khoa, được nhiều người gọi với biệt danh “bác sĩ yêu trẻ con”. Bác sĩ Sang thường chia sẻ nhiều phương pháp điều trị bệnh cho trẻ khoa học, đơn giản và dễ hiểu. Ngoài ra, trên trang cá nhân, bác sĩ cũng hay đăng tải các bài viết, thông tin về sai lầm khi chăm con nhiều bố mẹ mắc phải.

Theo afamily

Leave a Reply

Or