Hé lộ sự thật ít biết về chuyện đẻ không đau sau cánh cửa phòng sinh

Mình dám cá rằng nhiều mẹ chọn phương pháp đẻ không đau bằng cách gây tê ngoài màng cứng nhưng lại không hề biết gì về nó. Số còn lại, nếu biết cũng chỉ biết sơ sơ khoảng 50% mà thôi.

gay-te-ngoai-mang-cung-va-6-dieu-can-biet-4b-1457777805-width500height375

Trước khi đăng ký gây tê ngoài màng cứng, em cũng đã tìm hiểu nhiều người để hỏi xem nó là gì, có tác dụng gì và có ảnh hưởng sau này như thế nào. Cứ chắc mẩm mình biết tuốt rồi nên cứ thế đặt bút ký đồng ý. Sau đó, lên bàn chờ sinh, bác sĩ tiêm cho một mũi vào cột sống, tưởng sẽ êm ru và chuyển dạ nhanh thôi. Nhưng không ngờ thuốc hết nhanh hơn em tưởng và sau đó là cơn đau thiếu điều kêu tên chồng ra chửi. Hic!

Bởi vậy, nếu mẹ nào có ý định gây tê ngoài màng cứng mà chưa chắc mình biết rõ 100% về nó thì đọc thêm thông tin bài viết này nha.

Trước hết, các mẹ nên biết rằng chuyển dạ chia làm 3 giai đoạn:

– Giai đoạn 1: Đây là giai đoạn tử cung bắt đầu mở, khớp xương hông dãn nở để chuẩn bị cho bé chào đời. Với phần lớn các mẹ, đây là giai đoạn đau đớn nhất. Nhiều người có thể trải nghiệm cơn đau chuyển dạ này từ 6-18 tiếng, tùy theo cơ địa và tùy theo việc mẹ mang bầu con so hay con rạ (con rạ sẽ có thời gian chuyển dạ ngắn hơn).

– Giai đoạn2: Đến giai đoạn này, cổ tử cung của mẹ đã mở hoàn toàn để em bé ra ngoài. Cảm giác rặn gần giống với cảm giác mẹ muốn đi ngoài và nó kéo dài tối đa từ 1-2 tiếng. Phần lớn các trường hợp chỉ mất khoảng nửa tiếng. Có người chỉ rặn một vài hơi là con ra ngoài.

– Giai đoạn 3: Đây là giai đoạn sổ nhau, là lúc tử cung co bóp để tống hết nhau thai ra ngoài. Giai đoạn này kéo dài khoảng 2 tiếng.

Thông thường, khi mẹ chọn tiêm gây tê ngoài màng cứng, các bác sĩ sẽ đợi mẹ mở khoảng 4 – 6 phân mới can thiệp. Điều đó có nghĩa là dù được tiêm gây tê ngoài màng cứng nhưng mẹ hoàn toàn không mất hẳn cảm giác đau. Trong thời gian khớp hông dãn nở và tử cung mở từ từ, mẹ vẫn có cảm giác đau đẻ như mọi bà mẹ khác. Nếu thuốc còn tác dụng, tử cung mở nhanh thì cảm giác đau chuyển dạ của mẹ sẽ nhẹ nhàng hơn, thậm chí kéo dài cả trong lúc rặn đẻ và khâu tầng sinh môn. Về chung chung là vậy nhưng khi thực hiện cũng sẽ có khi gặp trục trặc đôi chút do mẹ chưa biết hoặc hiểu sai về gây tê ngoài màng cứng. Tất cả nằm trong 6 vấn đề sau:

1. Nhầm gây tê ngoài màng cứng với gây tê tủy sống

Gây tê ngoài màng cứng hay phương pháp đẻ không đau là thủ thuật tiêm thuốc giảm đau vào vùng giữa các đốt sống và dịch tủy sống, tức là khoang màng cứng. Sau khi tiêm thuốc tê, 15 phút sau mới có tác dụng. Còn gây tê tủy sống lại được tiêm trực tiếp vào tủy sống và chỉ sau 5 phút thực hiện sẽ có kết quả. Khác với gây tê ngoài màng cứng với tác dụng giảm cơn đau đẻ cho ca sinh thường, gây tê tủy sống chỉ được dùng trong sinh mổ.

2. Gây tê ngoài màng cứng không phải ai muốn cũng “chiều”

Các bác sĩ phải xem xét rất kỹ lưỡng về hồ sơ khám thai và sức khỏe của mẹ trước khi sinh để quyết định xem mẹ có phù hợp để được tiêm gây tê ngoài màng cứng không. Nếu đã và đang dùng thuốc chứa chất làm loãng máu; máu không đạt tiêu chuẩn; thừa cân làm cản trở việc xác định vị trí khoang trên ngoài màng cứng; đang chảy máu ồ ạt; viêm nhiễm ở vùng lưng; tử cung mở quá 6 phân thì chắc chắc sẽ không được tiêm gây tê màng cứng đâu nha!

3. Nhầm lẫn giữa gây tê và gây mê

Gây tê ngoài màng cứng không làm mẹ mất ý thức mà chỉ có tác dụng giảm đau. Do đó, trong thời gian mẹ bầu chuyển dạ, vẫn ý thức được mọi chuyện đang xảy ra xung quanh. Tuy nhiên, nếu liều tiêm không đạt chuẩn do bác sĩ yếu chuyên môn, mẹ có thể sẽ hết thuốc nhanh hơn thời gian chuyển dạ hoặc thuốc quá liều khiến mẹ mất cảm giác rặn. Trong trường hợp này, thai nhi có thể gặp nguy hiểm.

4. Sinh con nhanh hay chậm tùy thời điểm gây tê

Khi đã có dấu hiệu đau bụng, gây tê ngoài màng cứng sẽ là chất xúc tác giúp xương chậu “thư giãn”, âm đạo có thể giãn ra nhanh hơn. Nhưng nếu thuốc được tiêm quá sớm, quá trình rặn đẻ sẽ kéo dài hơn.

5. Cử động của mẹ bị ảnh hưởng

Sau khi sinh, thuốc gây tê sẽ gây ảnh hưởng đến vùng lưng và chi dưới nên sau khi sinh nhiều mẹ không thể cử động bình thường hay đi lại được. Nhưng sau khoảng 5 giờ sẽ trở lại bình thường.

6. Gây tê ngoài màng cứng cũng có biến chứng

Theo khuyến cáo, các trường hợp gây tê ngoài màng cứng đều không chịu tác dụng phụ to lớn. Nếu có biến chứng chỉ xuất hiện trong thời gian ngắn và ít gây hậu quả nghiêm trọng. Các dấu hiệu chứng tỏ có biến chứng thông thường bao gồm: tụt huyết áp, buồn nôn, khó chịu, đau lưng, đau đầu. Những biến chứng hiếm nguy hiểm khác có thể kể đến như: nhiễm trùng, chảy máu, tổn thương thần kinh, thở chậm, ngừng thở, co giật, thậm chí có thể gây tử vong nếu thuốc được tiêm vào đột ngột.

Tuy biến chứng gây tê ngoài màng cứng chưa được ghi nhận nhưng theo cảnh báo của Cơ quan an toàn người bệnh quốc gia Anh (NPSA), sản phụ được tiêm gây tê ngoài màng cứng có nguy cơ tử vong do những sai lầm không đáng có ở bệnh viện như: bác sĩ gây mê tiêm thuốc gây tê vào màng cứng bao quanh tuỷ sống; tiêm quá liều, nhầm thuốc hoặc dùng sai dụng cụ tiêm. Nghiêm trọng nhất là thay vì tiêm vào phần màng cứng lại tiêm tĩnh mạch.

Theo nghiên cứu vào tháng 10 năm 2010 của tạp chí Cochrane Review, 40% phụ nữ sử dụng phương pháp gây tê ngoài màng cứng cần đến sự can thiệp trong suốt quá trình chuyển dạ như phải sử dụng forcep. Nhiều chuyên gia cho rằng gây tê ngoài màng cứng cản trở sự tiết hoóc môn trong quá trình trở dạ và làm cho tình mẹ con khó được bắt đầu ngay sau khi sinh.

 Theo WTT

Leave a Reply

Or