Hai tuần trước đi siêu âm vẫn bình thường, mẹ trẻ đau xót vì bỗng dưng con không đạp, mất tim thai khi đã 32 tuần

Chị P. đã chuẩn bị đi sắm đồ để chờ ngày con gái chào đời nhưng chưa kịp làm điều đó thì đã gặp chuyện không may.

Đang hào hứng chờ đợi ngày con gái đầu lòng ra đời nhưng chị S.P. (21 tuổi, hiện đang sống ở Phan Thiết) đã phải trải qua một cú sốc lớn khi vừa bị thai lưu 32 tuần. Chị P. cho biết, cách đây 1 tuần, chị bỗng dưng thấy bé không đạp nữa, ngoài ra không có thêm dấu hiệu bất thường nào khác. Chị lập tức đến bệnh viện kiểm tra, các bác sĩ siêu âm và kết luận tim thai ngừng đập. Còn nguyên nhân vì sao thì họ cũng không biết. 

Sau khi xác định bị thai lưu, chị P. được chỉ định ngậm thuốc kích sinh để sinh em bé ra. Cũng là trải qua việc sinh nở nhưng đau lòng là chị lại không được nghe thấy tiếng con khóc chào đời, không được ôm con vào lòng hay cho con được uống những giọt sữa ấm áp của mình. Trước đó 2 tuần, chị P. có đi siêu âm thì bác sĩ cho biết em bé vẫn khoẻ mạnh, phát triển tốt, không có vấn đề gì bất thường.

Bà mẹ trẻ chia sẻ thêm, trước đó vì nghe nhiều mẹ bầu khác nói việc siêu âm không tốt cho em bé, bản thân chị cũng nghĩ như vậy nên chị P. không đi siêu âm đều đặn. Trong giai đoạn 3 tháng đầu thì mỗi tháng chị P. đi siêu âm 1 lần theo chỉ định của bác sĩ. Sang đến tam cá nguyệt thứ hai và cho đến thời điểm bị thai lưu, cứ 2 tháng chị P. mới đi siêu âm 1 lần. Hiện tại, sức khoẻ của chị P. cũng đã ổn định hơn, bác sĩ cho biết chị phải chờ ít nhất là 6 tháng sau mới có thể mang thai trở lại.

Hai tuần trước đi siêu âm vẫn bình thường, mẹ trẻ đau xót vì bỗng dưng con không đạp, mất tim thai khi đã 32 tuần - Ảnh 1.
Chị P. đã rất trông ngóng con gái chào đời song bé đã mất khi được 32 tuần.

Mất đi đứa con đầu lòng khi đang mang thai 32 tuần, người làm mẹ như chị P. không tránh khỏi đau đớn, suy sụp. May mắn là gia đình, người thân và ông xã của chị P. đã luôn ở bên động viên, an ủi nên chị cũng đã nguôi ngoai. 

Chị đã chuẩn bị đi mua sắm đồ đạc cho con gái nhưng chưa kịp làm điều đó thì đã gặp chuyện không may. Vẫn còn giữ một số clip quay lại khoảnh khắc con gái đạp trong bụng mẹ, chị P. thỉnh thoảng lại mang ra xem, dẫu buồn nhưng đó cũng là những kỷ niệm ít ỏi về con mà chị muốn lưu giữ. 

Qua câu chuyện đáng tiếc của mình, chị P. nhắn nhủ các mẹ bầu nên chú ý sức khoẻ của mình và con, nhớ đi khám thai định kỳ theo chỉ định của bác sĩ để nếu có điều gì bất thường thì các bác sĩ có thể phát hiện và có phương án xử lý kịp thời. “Đừng giống như mình, đến khi phát hiện thì đã quá muộn màng rồi” – chị P. xót xa nói. 

Hai tuần trước đi siêu âm vẫn bình thường, mẹ trẻ đau xót vì bỗng dưng con không đạp, mất tim thai khi đã 32 tuần - Ảnh 3.
Chưa có nghiên cứu nào khẳng định việc siêu âm thai có ảnh hưởng không tốt tới thai nhi. (Ảnh minh hoạ)

Thực tế chưa có nghiên cứu nào khẳng định việc siêu âm có ảnh hưởng không tốt tới thai nhi. Tuy nhiên mẹ bầu cũng không vì thế mà lạm dụng vì có những vụng rất nhạy cảm với sóng siêu âm như mắt hoặc tuyến sinh dục.

Các mốc siêu âm thai quan trọng mẹ bầu cần nhớ là: 

6 tuần đầu tiên: Trong thời gian này, các mẹ cần siêu âm thai để biết được tuổi thai, kích cỡ thai, tim thai, ngày dự sinh và biết được thai đã di chuyển vào tử cung hay chưa?

Tuần thứ 12 – 14: Vào thời điểm này bác sĩ sẽ xác định được chính xác tuổi của thai nhi, cũng như đo độ mờ da gáy để chẩn đoán những bất thường về nhiễm sắc thể (bệnh Down, dị tật chi…).

Tuần thứ 21 – 24: Lúc này các nội tạng trong cơ thể thai nhi đã hình thành đầy đủ, thông qua siêu âm các bác sĩ sẽ kiểm tra được những cơ quan này của bé có phát triển bình thường hay không? Ngoài ra, bác sĩ có thể phát hiện các bất thường về hình dáng bên ngoài của của thai nhi như sứt môi, hở hàm ếch… hay như dị dạng ở các cơ quan nội tạng bên trong.

Tuần thứ 30 – 32: Vào giai đoạn này, bằng phương pháp siêu âm bác sĩ sẽ phát hiện ra những bất thường ở động mạch, tim, não của thai nhi. Ngoài ra dây rốn, vị trí nhau thai và tình trạng nước ối cũng được kiểm tra.

Theo afamily

Leave a Reply

Or