Giúp con không sập bẫy web đen

Sớm hay muộn, sẽ có một ngày con bạn học cách sử dụng chiếc máy tính và bước chân vào thế giới mạng. Trước ma trận của các website, các trang mạng xã hội, game và các ứng dụng, làm thế nào để chắc chắn con được an toàn khi truy cập internet vẫn là điều mà rất nhiều phụ huynh trăn trở

Dễ bị tác động và lôi kéo, những trẻ nhỏ và thanh thiếu niên trở thành mục tiêu lý tưởng của những trang web đen. Thực tế đã cho thấy nhiều trường hợp trẻ học hành sa sút, tiêm nhiễm các thói hư tật xấu và thậm chí phạm tội vì bị ảnh hưởng tiêu cực từ internet. Cũng không ít các cô, cậu bé trở thành nạn nhân của nạn bạo hành, lạm dụng qua mạng gây ra những tổn thương sâu sắc về tinh thần.

con không sập bẫy web đen
Không phải trẻ em nào cũng tìm đến những website nguy hiểm nhưng ba mẹ vẫn nên theo sát con

Đặt ra giới hạn

Nếu bạn giảm bớt thời gian online của con, cơ hội vào những trang web không cần thiết sẽ giảm theo. Quyết định thời lượng online hàng ngày và cho bé biết về điều đó. Tất nhiên, khoảng thời gian này đủ để bé tìm được những thông tin hữu ích cho việc học tập hay một công việc cần làm.

Kiểm tra lịch sử truy cập

Bạn có thể tạo cho mình thói quen kiểm tra các website con đã truy cập. Bạn có thể kiểm tra trên mọi thiết bị, từ vi tính, iPad cho đến điện thoại di động. Nếu lịch sử truy cập đã bị xóa, hoặc cài đặt chế độ riêng tư, bạn nên nói chuyện với con về thói quen vào mạng để chắc chắn không có một trang web bẩn nào đó đã “bẫy” được con.

Biết mật khẩu

Nếu đã thỏa thuận cùng bé rằng việc online sẽ được kiểm soát, bạn nên có bước tiếp theo là nắm được mật khẩu email và các trang mạng xã hội cá nhân của con như Facebook, Twitter. Tất nhiên, lời đề nghị này rất khó thực hiện vì dù ít hay nhiều thì bé vẫn cần sự riêng tư. Một số phần mềm giúp sẽ giúp bạn theo dõi bé chặt chẽ hơn.

Dự trù cho trường hợp xấu

Dù đã chuẩn bị kỹ lưỡng, đôi khi điều không mong muốn vẫn cứ xảy ra. Nếu bạn đã thấy con gần như dính chặt vào màn hình với các trang web đen, liệu có nên quát nạt, cấm túc? Về vấn đề này, mỗi phụ huynh sẽ có một lựa chọn khác nhau tùy theo mức độ nặng nhẹ của hành động và tùy theo tính cách của đứa trẻ.

Chị Huỳnh Mai, 46 tuổi chia sẻ câu chuyện của mình: “Tôi biết con đã xem một trang web nổi tiếng về các hình ảnh bạo lực trong khoảng 1 tháng và thực sự cảm thấy bối rối. Trước khi nói chuyện với cháu, tôi đã tìm đến một chuyên gia tâm lý để hỏi ý kiến”. Theo lời khuyên của chuyên gia, chị Mai đã không chỉ trích hay nặng lời với con. “Mẹ biết rằng tò mò là đức tính bình thường. Nhưng một chàng trai thông minh biết đâu là trang web xấu. Mẹ muốn cho con một cơ hội. Những lần sau, khi những trang web như vậy bật ra trên màn hình của con, ngay lập tức đóng nó lại. Mẹ không muốn việc truy cập web đen tiếp tục tái diễn. Nếu tiếp tục, con sẽ bị xử phạt nghiêm khắc”, chị Mai đã nói rõ những suy nghĩ của mình với cậu con trai và từ từ giúp con bỏ thói quen truy cập những website vô bổ. Bên cạnh việc trao đổi, nói chuyện, ba mẹ cần cho con tham gia vào các hoạt động thú vị mà trẻ thích, chẳng hạn như bóng rổ, chạy bộ, tham gia các hoạt động xã hội… dần dần, những suy nghĩ và ghi nhớ về các trang web xấu sẽ bị xóa nhòa.

Nếu bạn thất bại trong việc ngăn con khỏi những tác động tiêu cực từ mạng internet, thử tự hỏi xem bản thân mình đã là một tấm gương tốt chưa. Rõ ràng, bạn không thể bảo bé chỉ được online 2 giờ mỗi ngày trong khi bản thân không thể tách rời khỏi iPad và màn hình smartphone cho những cuộc tán gẫu, bình phẩm hay thông tin lá cải.

Theo MarryBaby

Leave a Reply

Or