Đừng thấy con húng hắng ho đã vội dùng kháng sinh, bác sĩ Nhi khuyến cáo bố mẹ nên thử loại thuốc này
Lo lắng con ho lâu sẽ mệt, nôn trớ, biếng ăn và ốm nặng thêm, không ít bố mẹ đã cho trẻ uống thuốc kháng sinh sớm để chặn đứt cơn ho.
Thời tiết miền Bắc đang trong giai đoạn chuyển mùa, nóng lạnh thất thường; còn miền Nam đang trong mùa mưa, đây là thời điểm khiến nhiều trẻ dễ mắc các bệnh về đường hô hấp, phổ biến nhất là ho, viêm họng, sổ mũi, viêm phế quản…
Nhiều cha mẹ hễ thấy con mới húng hắng ho vài tiếng, lại hay nôn trớ, ăn kém nên muốn dùng thuốc kháng sinh ngay lập tức để chặn đứng cơn ho. Điều này không những không cần thiết mà còn khiến trẻ có nguy cơ bị kháng thuốc kháng sinh, kèm theo đó là hàng loạt tác dụng phụ khi lạm dụng thuốc kháng sinh mà bố mẹ chưa chắc đã lường hết được hậu quả.
Thực tế, các chuyên gia Nhi khoa cho biết, ho là một phản xạ bảo vệ cơ thể nhằm loại bỏ các chất tiết, dị vật ra khỏi đường hô hấp. Kháng sinh không sử dụng trong những trường hợp này và trên thế giới, phác đồ điều trị viêm họng do virus cũng không sử dụng kháng sinh mà chỉ điều trị triệu chứng.
Điều trị triệu chứng ở đây là có sốt thì dùng thuốc hạ sốt; ho dùng thuốc ho, thuốc long đờm; nghẹt, sổ mũi thì dùng nước muối biển… Nhiều nghiên cứu chỉ ra trong điều trị nhiễm khuẩn hô hấp trên ở trẻ, nếu ho không cần dùng kháng sinh mà uống kháng sinh thì lâu khỏi hơn.
Tâm lý chung của bố mẹ khi thấy con ho là muốn tìm mọi cách để con khỏi ho nhanh chóng, tuy nhiên, PGS.TS Nguyễn Tiến Dũng – nguyên Trưởng khoa Nhi, Bệnh viện Bạch Mai (Hà Nội) chỉ ra đây là một suy nghĩ sai lầm: “Trước cơn ho, viêm họng của trẻ, cha mẹ cần bình tĩnh, không tìm mọi cách giúp trẻ hết ho. Cần cân nhắc kỹ trước khi dùng thuốc cho trẻ. Những cơn ho do nhiễm khuẩn hô hấp trên ở trẻ khiến người lớn lo lắng nhưng với trẻ không phải là vấn đề phiền phức.
Thực tế nhiều trẻ bị cơn ho làm tỉnh giấc khi đang ngủ, nôn nhưng hiếm khi làm trẻ kiệt sức hay không thể ngủ được vì ho. Nhiều trẻ lại ngủ một mạch đến sáng sau khi ho một cơn, nôn sạch“.
PGS.TS Nguyễn Tiến Dũng khuyến cáo, để tránh phải dùng kháng sinh cho trẻ khi ho, các bố mẹ hãy cho trẻ uống thuốc ho Đông y, hoặc các loại siro ho tự chế từ dược liệu vườn nhà như quất, chanh đào, hoa hồng bạch, vỏ quýt… hấp/chưng với mật ong. Một số bài thuốc trị ho dân gian như siro quất – mật ong, siro chanh – mật ong… đã khuyến khích từ lâu bởi rất hiệu quả, giảm ho, long đờm cho trẻ khi dùng riêng hoặc khi kết hợp với thuốc tây.
Bác sĩ Nguyễn Tiến Dũng lưu ý các bố mẹ 1 vấn đề quan trọng khi chọn hoặc tự làm siro trị ho cho con uống là phải đảm bảo dược liệu thật sự sạch mới có hiệu quả. Nếu siro ho dùng quất, chanh, gừng… có phân bón, thuốc trừ sâu, chứa kim loại nặng… thì không đảm bảo dược liệu sạch để làm siro ho cho trẻ sử dụng. Trái lại khi trẻ uống những loại siro “bẩn” này lâu dài, chất độc sẽ tích tụ, gây ra các vấn đề về sức khỏe.
Theo afamily