Đừng sinh con để cậy nhờ lúc tuổi già

Nhiều cha mẹ có quan niệm sinh con là để nương nhờ con lúc tuổi già nhưng nhịp sống hiện đại đã phần nào thay đổi quan niệm sống “già cậy con” của người Việt.

Trên trang facebook cá nhân, anh Hoàng Anh Tú – một nhà báo nổi tiếng từng chia sẻ rất nhiều quan điểm của mình về hôn nhân, hạnh phúc gia đình và cách nuôi dạy con cái. Anh có vợ và 3 con thông minh khỏe mạnh.

Chia sẻ về quan điểm nuôi con và dạy con của mình anh Tú cho biết: “Hãy để chúng tự bươn chải. Hãy giúp chúng bằng kinh nghiệm và kiến thức của mình thôi. Hãy để chúng đi trên đôi chân của chúng, tự lập ra thế giới của chúng, giang san của chúng”

Gần đây, khi chia sẻ quan điểm về việc sinh con và nuôi con đừng mong nương cậy lúc tuổi già, ông bố trẻ Hoàng Anh Tú nhận được sự đồng tình, ủng hộ của vợ và đồng quan điểm của các bậc phụ huynh khác. 

Báo Gia đình Việt Nam xin được trích đăng bài viết của anh Hoàng Anh Tú.

“Nhiều cha mẹ giờ vẫn giữ ý nghĩ rằng sinh con, nuôi con khôn lớn, đầu tư học hành, công việc cho con là để sau này mình già yếu có đứa chăm mình. Thực ra ý nghĩ đó không sai. Nhưng nghe nó sòng phẳng quá, nó mục đích rõ ràng quá. Chuyện đẻ đái hoá ra chỉ để có kẻ sau này nuôi mình? Chuyện đầu tư cho con ăn học hoá ra chỉ để mai sau mình yếu, mình già thì chúng nó phải trả công dưỡng dục? Thế chả hoá sự hy sinh hôm nay của chúng ta vốn là một cuộc đầu tư mua bảo hiểm cho tương lai? Nếu thế, số tiền đầu tư cho con cứ quẳng cho các bạn bảo hiểm có khi còn thu lợi gấp nhiều lần ấy chứ.

Dung sinh con de cay nho luc tuoi gia giadinhvietnam

Nhiều cha mẹ vẫn giữ ý nghĩ rằng sinh con, nuôi con khôn lớn, đầu tư học hành, công việc cho con là để sau này mình già yếu có đứa chăm mình. (Ảnh minh họa: Internet) 

Tôi vẫn hay đùa bảo vợ mình rằng, sinh con ra, đầu tư học hành ăn uống suốt 18 năm đầu, mạnh dạn cho thêm 4 năm Đại học nữa mới là 22 năm. Nếu cha mẹ có con năm 24 tuổi thì đến năm 46 tuổi trở đi là bắt đầu thu lợi được rồi. Đẻ càng sớm thì thời gian thu lợi càng sớm. Từ 46 tuổi, nếu tính 22 năm thì đến 68 tuổi là hoà vốn. Sau 68 tuổi là lãi ròng. Mà chăm 1 đứa trẻ khi bé so với chăm một ông già bà lão thất thập cổ lai hi thì rõ ràng chăm người già tốn kém hơn nhiều vì thuốc men các kiểu.

 

Đấy là nói vui vậy thôi. Chứ nếu nghĩ báo hiếu chỉ là vậy thì thật buồn. Nuôi con mà chỉ nghĩ đến việc sau này dựa cậy chúng lúc tuổi già thì nghe thật giống… công cụ. Tôi vẫn nghĩ về chữ Hiếu được viết bằng sự mãn nguyện vì con cái trưởng thành. Rằng chúng ta đã tạo nên một gắn kết bền vững. Đừng nghĩ sinh con để mai này cậy nhờ rồi lại thở dài nếu sinh… con gái. Vì con gái lấy chồng dù muốn báo hiếu với cha mẹ nhưng chúng vẫn còn bố mẹ chồng của chúng.

Tôi với vợ mình vẫn hay nói với nhau rằng con chăm cha không bằng bà chăm ông. Việc 3 đứa nhỏ sau này có gia đình, thứ khiến chúng tìm đến bố mẹ vì nhớ bố mẹ chứ không phải để chăm bố mẹ. Nhất quyết hai vợ chồng phải tích luỹ đủ để sau này chỉ giúp đỡ chúng chứ không cần chúng gánh vác. Mà muốn thế thì… đừng có mà chăm chăm kiếm tiền để lại cho chúng làm gì. Hãy để chúng tự bươn chải. Hãy giúp chúng bằng kinh nghiệm và kiến thức của mình thôi. Hãy để chúng đi trên đôi chân của chúng, tự lập ra thế giới của chúng, giang san của chúng. Bố mẹ chả để lại gì sất. Cùng lắm là 1 số vốn nho nhỏ ban đầu. Nhưng vẫn là phải vay để có trách nhiệm trả. Khi nào bố mẹ chết đi rồi thì tài sản chia đều.

3 đứa nhà tôi, trộm vía, cũng quán triệt điều đó. Rằng hôm nay trách nhiệm của bố mẹ là nuôi bọn con ăn học. Nhưng ngày mai, khi các con trưởng thành rồi, các con phải xây dựng cuộc đời của các con. Bằng nếu phụ thuộc vào bố mẹ, các con sẽ xác định luôn là sẽ sống như… địa ngục. Đừng có mong không làm vẫn có ăn. Nhà có thể ở nhưng lao động thay cho tiền nhà. Thương con thì thương thật, thương lắm. Nhưng thương không có nghĩa là bao ăn bao ở bao cả đời con. Bởi chúng ta nào có thể sống đủ lâu hơn chúng nó để lo suốt được cho chúng.

Cuộc sống càng về sau sẽ càng khó khăn. Thế nên, làm ơn, hãy lo cho chính bản thân mình trước đã. Đừng để mai này trở thành gánh nặng cho con cháu. Như gần đây, trên một bài báo tôi đọc được về những thanh niên Singapore trầm cảm và khổ cực khi phải mang vác gánh nặng cha mẹ. Chỉ vì cha mẹ khi còn trẻ kiếm được bao nhiêu đổ hết tiền vào lo cho con cái ăn học. Đến khi chúng học xong thì cha mẹ cũng vào cơn khánh kiệt. Lũ trẻ học xong ra trường thất nghiệp lại phải nuôi lại cha mẹ. Nghĩ mà sợ thay!”

Sau khi chia sẻ quan điểm của mình lên mạng xã hội, ông bố trẻ nhận được rất nhiều sự đồng tình về suy nghĩ và tư tưởng dạy con của những bậc làm cha mẹ khác cũng như làm thay quan điểm sinh con để cậy nhờ khi về già của một số cha mẹ. 

“Trẻ cậy cha, già cậy con” vốn là một đạo lý của người Việt Nam. Văn hóa sống này của chúng ta khác hẳn lối sống phương Tây và cũng là một niềm tự hào của người Việt. Tuy nhiên ngày nay, nhịp sống hiện đại và lối tư duy tân tiến đã phần nào thay đổi suy nghĩ về việc sinh con để sau này có người thờ cúng hay nương cậy lúc tuổi già. 

Con cái lớn lên rồi cũng có gia đình riêng, rồi cũng lại vất vả với cơm áo gạo tiền. Đừng hy vọng quá nhiều rằng con cái sẽ là chỗ dựa lúc mình về già… Nghe có vẻ chua xót nhưng đó cũng là một thực tế đáng phải suy ngẫm trong xã hội ngày nay.

Theo Giadinhvietnam

Leave a Reply

Or