Đẻ không đau có lợi ích gì mà ngày càng nhiều mẹ chẳng ngại đầu tư?
Tiêm gây tê ngoài màng cứng đang ngày càng phổ biến ở các mẹ sinh thường.
Có lẽ, chỉ những ai đã từng trải qua những lần sinh nở mới hiểu được cảm giác “đau đẻ” là như thế nào. Các nhà khoa học đã chứng minh cơn đau đẻ thậm chí vượt qua ngưỡng giới hạn đau đớn mà con người có thể chịu đựng và tương đương với việc gãy 25 chiếc xương sườn cùng lúc. Chính vì thế mà phương pháp “đẻ không đau” không chỉ là một tiến bộ của y học mà còn là giải pháp “cứu cánh” cho “một nửa thế giới” với rất nhiều ưu điểm dưới đây.
Tránh cho thai nhi bị thiếu oxy
Khi cơ thể người mẹ bị đau đớn quá mức sẽ tự sinh ra phản ứng ức chế căng thẳng khiến quá trình trao đổi chất bị ảnh hưởng, dễ dẫn đến thiếu oxy cho cả mẹ và bé. Tương tự, việc chọn đẻ không đau có thể đảm bảo quá trình cung cấp máu cho bé qua nhau thai diễn ra suôn sẻ để giữ nhịp tim thai ổn định khi sinh.
Giúp mẹ đỡ mệt và sinh con nhanh hơn
Khi chuyển dạ, tử cung mẹ sẽ co thắt liên tục theo chu kỳ và khi co cơn co thì mẹ phải rặn hết sức để con có thể chào đời. Tuy nhiên, khi mẹ bị cơn đau hành hạ quá lâu sẽ dẫn đến mệt mỏi, hết sức, có cơn mà không rặn được nên quá trình sinh sẽ kéo dài hơn, gây nguy hiểm cho bé.
Khi tiêm gây tê ngoài màng cứng, mẹ sẽ được bác sĩ hướng dẫn cách theo dõi cơn co để chủ động rặn sinh và cũng có sức để sinh nhanh hơn, dễ hơn.
Tiêm gây tê ngoài màng cứng giúp ca sinh của mẹ nhẹ nhàng, đỡ đau đớn hơn.
Đảm bảo sự an toàn, xuyên suốt trong quá trình sinh nở
Không ít bà mẹ vì quá đau đớn khi sinh mà có khuynh hướng cố thoát khỏi sự kiểm soát của y bác sĩ trong phòng sinh. Thậm chí, không ít mẹ vì đau đớn không chịu nổi mà thốt lên “tôi không sinh nữa” và từ bỏ. Việc ngắt quãng trong quá trình sinh nở cực kỳ nguy hiểm với bé.
Giữ “hình tượng” cho người mẹ
Có không ít bà mẹ khi sinh con vì quá đau đớn mà không kiểm soát được cảm xúc, cào cấu chồng, nói bậy, khóc toáng lên. Đôi với nhiều người có thể vấn đề này không quan trọng nhưng có người lại cảm thấy cực kỳ xấu hổ khi nghĩ lại. Nếu được “đẻ không đau” thì mẹ sẽ chẳng còn lo lắng về vấn đề này nữa.
“Đẻ không đau” không chỉ mang lại lợi ích cho mẹ mà còn có lợi cho em bé sơ sinh.
Tuy nhiên, bên cạnh những lợi ích trên thì phương pháp gây tê ngoài mang cứng cũng có thể kéo theo một vài tác dụng phụ không mong muốn như đau lưng, đau đầu, buồn nôn và nôn, suy hô hấp và tuần hoàn nhẹ, ngứa,.. Những tác dụng phụ này hoàn toàn có thể ngăn ngừa được.
Nếu muốn tiêm gây tê ngoài màng cứng, mẹ nên tìm hiểu và trao đổi với bác sĩ chuyên khoa từ trong tháng cuối thai kỳ.
Theo Eva