Dạy Trẻ Nhường Đồ Chơi Chưa Hẳn Là Tốt

Việc “phải nhường đồ chơi” cho một ai khác mà không hề tự nguyện sẽ khiến trẻ cảm thấy vô cùng khó chịu, bực tức. Điều này không hề tốt cho việc hình thành nhân cách ở trẻ sau này.

“Nhường đồ chơi cho bạn” là cụm từ và hành động được nhiều mẹ dạy trẻ khi chơi chung. Tuy nhiên, việc dạy con nhường đồ chơi cho bạn có thực sự tốt và nên làm? 

1. Những lợi ích khi dạy trẻ nhường đồ chơi

– Việc nhường đồ chơi cho bạn cùng trang lứa, cho anh chị hoặc cho những em nhỏ hơn thường được coi là hành động đẹp và được nhiều người khen ngợi. 

– Trẻ học được cách chia sẻ, yêu thương và sự hào phóng. Trẻ sẽ sống tốt hơn khi trưởng thành. Trong đó, vai trò của bố mẹ sẽ rất quan trọng trong việc dạy trẻ vì sao cần nhường đồ chơi. Do trẻ ở độ tuổi từ 1 – 6 tuổi có tính sở hữu rất cao, trẻ sẽ không chịu nhường đồ chơi cho bạn dù là nhỏ tuổi hơn. 

– Trẻ có khả năng nhận biết và đáp ứng nhu cầu của người khác một cách tốt nhất.

– Trẻ sẽ trưởng thành hơn trong các hành động và suy nghĩ của mình. Vì hành động nhường đồ chơi không chỉ đẹp mà còn cho thấy trẻ trưởng thành trong suy nghĩ.

2. Những mặt trái khi dạy trẻ nhường đồ chơi

Mặc dù, nhường đồ chơi được coi là hành động đẹp của một đứa trẻ. Tuy nhiên, hành động đó chỉ coi là đẹp và có ý nghĩa khi đứa trẻ tự nguyện nhường. Trong khi đó, hiện nay, phần lớn bố mẹ hoặc người lớn đứng ra phân xử và “ép” trẻ nhường đồ chơi. Đặc biệt nếu người “giành đồ chơi” với trẻ lại nhỏ tuổi hơn.

Như vậy, vô tình chung trẻ sẽ hiểu rằng, bất kỳ đồ gì mình sở hữu cũng đều phải nhường và nếu mình muốn một đồ chơi từ ai đó lớn tuổi hơn, mình chỉ cần khóc và nhờ bố mẹ can thiệp vào là có thể sở hữu món đồ đó ngay được.

Đó là lí do, mẹ sẽ thấy, khi trẻ muốn món đồ nào đó từ ai khác, trẻ sẽ khóc rất nhiều, khóc để tạo sự chú ý và mè nheo tới khi giành được đồ chơi thì thôi. Chính điều này tạo nên sự ích kỷ và sự tham lam ở trẻ. 

Chưa kể, việc “phải nhường đồ chơi” cho một ai khác mà không hề tự nguyện sẽ khiến trẻ cảm thấy vô cùng khó chịu, bực tức. Điều này không hề tốt cho việc hình thành nhân cách ở trẻ sau này.



3. Mẹ nên làm gì khi trẻ không nhường đồ chơi hoặc muốn có đồ chơi từ bạn?

Đây là một trong những tính cách phổ biến của hầu hết trẻ nhỏ: tính sở hữu rất cao. Nghĩa là khi trẻ có đồ chơi, trẻ sẽ không chịu nhường cho ai và khi trẻ không có đồ chơi trẻ sẽ muốn lấy đồ chơi của bạn.

Trẻ không nhường đồ chơi cho bạn

Mẹ không cần quá lo lắng về tính cách này của trẻ và hãy lấy đó làm điều bình thường. Không có đứa trẻ nào tự nhiên nhường đồ chơi cho bạn nếu không có sự hướng dẫn, giáo dục từ người lớn.

Mẹ nên ân cần và giải thích với trẻ việc nhường bạn đồ chơi. Dĩ nhiên, trong trường hợp trẻ chơi chán thì sẽ nhường, nếu con còn thích món đồ đó thì mẹ cũng không nên ép vì có thể gây khó chịu và khó hiểu ở con. Mẹ có thể nói: “Khi nào con chán món đồ chơi này, con sẽ cho bạn mượn chứ” hoặc ” nếu con không muốn cho bạn mượn mẹ sẽ đem cất món đồ này đi nhé”. 

Nhìn chung, mẹ nên cho trẻ sự lựa chọn về việc muốn/ không cho bạn mượn đồ chơi thay vì ép trẻ. Việc tạo ra tình huống sẽ giúp trẻ tư duy và có những quyết định tình nguyện và vui vẻ hơn.

Trẻ muốn đồ chơi từ bạn

Ngoài việc không chịu nhừng đồ chơi từ bạn, trẻ còn muốn sở hữu món đồ của bạn. Dĩ nhiên, điều này là không thể, nhưng mẹ cũng cần xử lý khéo léo để tránh gây tổn thương cho con. Vì trẻ chưa thể hiểu được đó là món đồ của ai và tại sao không được lấy.

Mẹ hãy giúp trẻ bình tĩnh và không để trẻ khóc mè nheo quá lâu vì có thể gây ra sự mệt mỏi về tâm lý. Mẹ có thể nói với trẻ rằng: “Mẹ biết con rất thích món đồ đó, nhưng đó là của bạn con ạ. Bạn sẽ cho con mượn khi bạn không muốn chơi nữa” hoặc “Bạn vẫn đang muốn chơi món đồ đó, chúng ta có thể chơi trò khác tơi khi bạn chán món đồ chơi đó, được không con”.

Như vậy, việc mẹ cần làm ngay lúc này là mẹ nói với trẻ rằng, đó không phải là của mình và con không thể sử dụng nó. Điều này sẽ giúp trẻ hiểu rằng, con không thể sở hữu tất cả mọi thứ vì không phải điều gì cũng thuộc về con. Con cần chờ tới lượt của mình và cần chờ bạn đồng ý. Bài học này sẽ giúp con học tính kiên nhẫn hơn trong cuộc sống.

St

Leave a Reply

Or