Dạy con ngoan: 7 sai lầm lớn nhất của phụ huynh thông minh (Phần 1)

Bạn có thường “hối lộ” bé để mọi việc đâu vào đó? La hét con là cách bạn khiến bé vâng lời? Có thể bạn đang phạm phải sai lầm lớn khi cho rằng mình đang hành động khôn ngoan. E rằng không chỉ bạn mới ở trong trường hợp này. Dưới đây là 7 sai lầm mà ngay cả những bậc phụ huynh khéo léo nhất cũng có thể phạm phải kèm theo gợi ý sửa sai cho bạn.

Mất bình tĩnh
Mất bình tĩnh có thể mang đến những hậu quả đáng tiếc mà bạn không thể nào thay đổi được. Trước tiên thì gào thét, sau đó tệ hơn là đánh đòn. Một khi đã sa vào quy trình đó, bạn rất khó dừng lại. Những hành động này của bạn đã vô tình nói với con rằng, chuyện một người nổi giận và nói hoặc làm những điều tổn thương người khác là bình thường. Do đó, trẻ cũng có thể bắt đầu la hét ngược lại rồi đánh ba mẹ để thể hiện sự thất vọng của mình.

Giải pháp thay thế: Quy tắc thời gian tạm ngừng (time-out) không chỉ dành cho trẻ. Nếu bạn thấy đầu mình đang sắp bốc lửa, bạn nên ngay lập tức rời khỏi trẻ, dành thời gian lấy lại bình tĩnh cho đến khi bạn có thể dùng lý trí để nói chuyện với con. Trẻ nhỏ thường phản ứng tích cực hơn trước những yêu cầu điềm đạm nhưng chắc chắn, so với những lời ép buộc, đòi hỏi.

Dạy con ngoan: 7 sai lầm lớn nhất của phụ huynh thông minh (Phần 1)

Yêu cầu tiêu cực
Chúng ta thường tự mình đưa ra những mệnh lệnh tiêu cực cho trẻ nhỏ, như “đừng làm việc này”, “ngừng chuyện đó lại ngay”. Bạn có nhận ra mình thường yêu cầu trẻ “không làm” nhiều hơn là khuyến khích trẻ “nên làm” một việc gì đó hay không?

Giải pháp thay thế: Để dành câu “KHÔNG” cho những trường hợp thật sự nguy cấp, chẳng hạn như bé cho ngón tay vào ổ điện. Thay vào đó, bạn nên nói mình muốn con làm gì. Đừng quên giải thích lý do vì sao bé nên làm điều này và không nên làm điều kia, thay vì chỉ ra lệnh. Ví dụ, nếu trẻ giật tóc em gái, thay vì hét lên “Thôi đi”, bạn có thể nói “Nhìn nè, con đang làm em đau, như thế em sẽ buồn lắm”. Bạn cũng nên áp dụng kiểu nuôi dạy con tích cực bằng cách khen con nếu bé vâng lời.

Không xem thường quy tắc
Sau khi đặt ra quy tắc, bạn không nên tự mình phá vỡ nó. Chẳng hạn, bạn bảo con không được vô lễ với người khác, nhưng bạn lại nổi giận và quát tháo một thành viên trong nhà trước mặt con. Điều này khơi gợi cho trẻ biết quy tắc có thể bị bẻ cong và phá vỡ.

Giải pháp thay thế: Thật khó để kiềm chế tâm trạng mọi lúc mọi nơi. Vì vậy, nếu bạn lỡ để mất bình tĩnh và phạm sai lầm, hãy nói lời xin lỗi. Nếu bé chỉ ra sai sót của ba mẹ, đừng tỏ ra ngạo mạn và bảo con thôi xen vào chuyện của người lớn. Ba mẹ cần thẳng thắn nhìn nhận bé đúng và xin lỗi con.

 

 

theo: marrybaby

Leave a Reply

Or