Dạy con gọn gàng mà không cần la mắng
Để rèn luyện tính gọn gàng cho con, bạn nên để con có không gian riêng, kết hợp các quy tắc và tránh đặt giới hạn thời gian cho việc thay đổi.
Cho con sự lựa chọn
Đối với trẻ em, áp đặt là “hạ sách”. Bạn nên cho nhiều lựa chọn để con cảm thấy mình có quyền tự chủ. Các chuyên gia khẳng định “thật khó để kỷ luật trẻ em nếu chúng không đồng ý với mong muốn của bạn ngay từ đầu”.
Ví dụ, bạn có thể dạy con vị trí và cách mặc đồng phục từ tối hôm trước để tránh vội vàng vào buổi sáng hôm sau. Nếu muốn con cất cặp sách, hãy hỏi trẻ muốn cất ở đâu, vị trí nào phù hợp và thuận tiện nhất cho việc sử dụng. Việc này cũng tương tự với các đồ dùng, trang phục trẻ thường xuyên sử dụng như bình nước cá nhân, mũ, hộp để đồ ăn nhẹ…
Để trẻ có không gian riêng
Tùy thuộc vào diện tích nhà, bạn nên dành không gian vừa đủ để trẻ có thể thoải mái bày trí các mồn đồ theo ý thích. Đó có thể là góc học tập rộng rãi hoặc đôi khi chỉ cần một chiếc bàn cạnh cửa sổ, trẻ có thể thỏa sức sáng tạo tại đó.
Cùng với việc để trẻ “toàn quyền” sử dụng không gian này, bạn cần dạy trẻ cách quản lý, giữ gìn đồ đạc để tạo ra tinh thần trách nhiệm. Điều này cũng giúp trẻ giảm bớt thời gian tìm kiếm đồ dùng khi cần dùng.
Sử dụng quy tắc
Cách dễ dàng nhất để xây dựng các quy tắc, quy ước là sử dụng màu sắc. Chẳng hạn, búp bê để trong hộp màu vàng còn lego cất vào hộp màu xanh. Nếu các đồ dùng không có màu, bạn có thể dán nhãn bên trên, trang trí hình thù ngộ nghĩnh để trẻ ghi nhớ. Điều này mang đến cho trẻ cảm giác “đạt được một thành tựu nào đó”, tạo ra động lực để trẻ sắp xếp đồ đạc đúng quy tắc.
Để trẻ lên ý tưởng cho phòng ngủ
Phòng ngủ, hoặc giường ngủ là không gian riêng tư, mỗi người sẽ cảm thấy thoải mái, ngủ ngon giấc khi được bày trí theo ý muốn. Bạn nên hỏi ý kiến trẻ, gợi ý một số món đồ trang trí phù hợp, dễ dàng cất dọn khi ngủ dậy. Trường hợp diện tích gia đình không cho phép, bạn có thể giúp trẻ dán tranh, ảnh nhân vật hoạt hình yêu thích lên tường.
Mua ít đồ chơi
Nếu muốn trẻ hạn chế bày bừa đồ đạc, cách đơn giản nhất là mua ít đồ chơi. Bạn nên cho trẻ chơi những món đồ dùng được nhiều lần trong nhiều trò chơi khác nhau như lego, rút gỗ… Ngoài ra, bạn cần khuyến khích trẻ tự tạo ra đồ chơi bằng cách sử dụng các món đồ tự chế, tái sử dụng.
Tránh đặt giới hạn thời gian
Việc thay đổi thói quen, hành vi sẽ không thể thay đổi ngay lập tức. Bạn nên kiên nhẫn, dần dần uốn nắn trẻ thay vì đặt mốc thời gian, yêu cầu trẻ phải thay đổi trước giới hạn đó.
Bạn nên giúp trẻ có động lực bằng cách làm gương hoặc cùng trẻ dọn dẹp, ghi nhớ các quy tắc sắp xếp đồ. Trẻ sẽ cảm thấy tự tin, được chia sẻ khi có bố mẹ đồng hành trong mọi việc.
Theo Vnexpress