Đái dầm ở trẻ: Nguyên nhân và cách khắc phục

Mặc dù bé yêu đã biết cách đi vệ sinh nhưng thỉnh thoảng bé vẫn đái dầm ban đêm? Bạn đừng quá lo lắng! Có khoảng 20% trẻ em dưới 5 tuổi gặp phải tình huống này , thậm chí nhiều trẻ 10-15 tuổi vẫn còn đái dầm khi ngủ.

Hiện tại người ta vẫn chưa xác định được nguyên nhân rõ ràng cho hiện tượng này. Nó có thể liên quan đến sự kiểm soát của não bộ đến các cơ của ống dẫn tiểu, cơ bàng quang hoặc do chậm phát triển hệ thống thần kinh.

Bàng quang nhỏ cũng là một trong những nguyên nhân. Và nếu con bạn bị táo bón, áp lực từ trực tràng có thể khiến bàng quang của bé khó giữ nước tiểu lại. Đái dầm cũng là dấu hiệu sớm của bệnh tiểu đường hoặc nhiễm trùng đường tiết niệu.

Nếu con bạn tự nhiên đái dầm sau một thời gian dài khô ráo, rất có thể bé đang có vấn đề về cảm xúc. Bé không thể thích ứng với sự thay đổi môi trường xung quanh hoặc do bé đang gặp những căng thẳng trong cuộc sống. Nguyên nhân có thể đến từ nhiều khía cạnh xung quanh cuộc sống của bé. Có thể là do bé vừa chuyển đến trường lớp mới, chưa kịp làm quen với bạn bè và trường lớp mới. Hoặc cũng có thể là do gia đình bạn vừa chào đón một thiên thần nhỏ mới và bé chưa quen với việc có thêm em. Mâu thuẫn gia đình cũng có thể là nguyên nhân dẫn đến căng thẳng ở trẻ.

dai dam o tre 1

Bạn có thể trò chuyện với bé để tìm hiểu vấn đề. Tỏ ra thông cảm với những cảm xúc của bé và đề ra những giải pháp giúp bé thoát khỏi những căng thẳng này. Thông thường, đái dầm thường gặp ở các bé trai nhiều hơn bé gái và những bé có bố, mẹ từng gặp phải trường hợp này khi còn nhỏ thì khả năng bé bị đái dầm về đêm sẽ cao hơn những bé khác nhiều.

Đái dầm không phải là lỗi của bé. Bé cũng không muốn chuyện này xảy ra cũng nhiều như bạn vậy. Bạn không nên la mắng hay gây thêm áp lực cho trẻ vì như vậy chỉ làm cho mọi chuyện tệ hơn thôi. Bạn có thể xem đó như là một trường hợp tự nhiên và không có gì quá quan trọng cả.

Bạn có thể sử dụng miếng nhựa hoặc những miếng chống thấm lót trên giường của bé. Cũng có thể cho bé mặc tã quần trước khi đi ngủ và khuyến khích bé thức dậy ngay nếu cảm thấy mình bị ướt. Thay ngay một bộ đồ khô ráo có thể vừa giúp da bé không bị kích ứng vừa giúp bé quen với việc ngủ một cách khô ráo. Trước khi đi ngủ 2 tiếng, bạn có thể cho bé uống ít nước lại. Nhưng điều này chỉ có thể làm giảm lượng nước tiểu về đêm của bé chứ không thể giúp bé hết đái dầm hoàn toàn được.

Nếu bé có thể thức giấc và tự đi tiểu hoặc những đêm bé hoàn toàn không đái dầm, bạn nên khen ngợi bé. Bạn cũng có thể thử đánh dấu lên lịch những ngày bé không đái dầm. Nhiều chuyên gia cho rằng, việc nhìn thấy những ngày mình không hề đái dầm tăng lên theo từng tuần có tác động tích cực đến tâm lý của bé.

Hiện tượng đái dầm có thể là dấu hiệu của rất nhiều bệnh. Vì vậy, nếu như có các dấu hiệu bất thường nào, bạn nên đưa bé đi khám ngay để được phát hiện bệnh kịp thời. Bạn cũng có thể phòng ngừa việc này bằng cách tập cho bé có thói quen đi tiểu đúng giờ, sắp xếp giờ giấc sinh hoạt và vui chơi hợp lý, tránh để bé vui chơi quá nhiều dẫn đến mệt mỏi vào những buổi chiều tối.

Theo : MarryBaby

Leave a Reply

Or