Đặc điểm trẻ sơ sinh đủ tháng

Trẻ sơ sinh đủ tháng là trẻ có tuổi thai đã phát triển trong tử cung 9 tháng 10 ngày hoặc 38 đến 42 tuần hoặc 278 ngày ± 15 ngày tính từ ngày đầu của kì kinh cuối.

1. Định nghĩa

Trẻ sơ sinh đủ tháng là trẻ có tuổi thai đã phát triển trong tử cung 9 tháng 10 ngày hoặc 38 đến 42 tuần hoặc 278 ngày ± 15 ngày tính từ ngày đầu của kì kinh cuối.

2. Đặc điểm bên ngoài của trẻ cơ sinh đủ tháng

– Cân nặng lớn hơn 2500g

– Chiều dài hơn 45 cm

– Da hồng hào, mềm mại, ít lông tơ, lớp mỡ dưới da đã phát triển

– Núm vú nổi lên khoảng 2mm, có vòng sắc tố vú khoảng 2mm.

– Tóc mềm dài hơn 2cm, móng chi dài trùm các ngón.

– Khi nằm các chi trong tư thế gấp.

– Bộ phận sinh dục:

Trẻ trai: Bìu có nhiều nếp nhăn, tinh hoàn nằm trong hạ nang

Trẻ gái: Môi lớn đã phát triển, che kín âm vật và môi nhỏ

– Trẻ khóc to, có các phản xạ bẩm sinh như Moro, Robinson, bú tốt

– Vòng đầu 32 – 34cm (1/4 chiều dài cơ thể) lớn hơn vòng ngực 1-2cm

– Thóp trước 2,5-3cm, thóp sau thường kín trong tháng đầu.

– Chi trên, chi dưới gần như bằng nhau (1/3 chiều dài cơ thể)

Đặc điểm trẻ sơ sinh đủ tháng

3. Đặc điểm sinh lý của một số cơ quan của trẻ sơ sinh đủ tháng

Hệ hô hấp: Nhịp thở 40-60l/phút, có thể thở không đều thỉnh thoảng có cơn ngừng thở ngắn 3-5 giây có khi có co kéo nhẹ cơ hô hấp hoặc rên nhẹ. Hiện tượng này sẽ mất đi nhanh chóng trong 1-2 giờ đầu sau đẻ. Nhịp thở ổn định dần chỉ còn 40- 45 lần/phút không có tiếng thở rên, không co kéo cơ hô hấp.

Hệ tim mạch: nhịp tim thường phụ thuộc nhịp thở, thường nhanh và dao động 140-160 lần/phút sau đó ổn định dần. Diện tim thường to, tỉ lệ tim ngực 0,55 trục hơi lệch phải. Thành mạch có tính thấm cao và dễ vỡ nhất là trong trường hợp thiếu oxy.

Hệ huyết học: Số lượng hồng cầu, bạch cầu và Hematocrit thường cao sau đẻ, sau giảm dần theo tuổi:

– Huyết sắc tố: từ ngày 1đến ngày thứ 7: 19,3 ->17,9g/l, từ tuần 2 đến tuần thứ 4: từ17,3->14,2g/l

– Bạch cầu: từ ngày 1đến ngày thứ 7: 18,1->12,2 × 10­3/mm3

– Tiểu cầu: tuần đầu từ 192->224×103/mm3.

Hệ thần kinh: ở trong tình trạng hưng phấn dễ kích thích, đáp ứng lan toả. Các trung tâm dưới vỏ và tuỷ hoạt động mạnh chưa có sự kiểm soát của vỏ não. Vỏ não ít nếp nhăn số tế bào não nhiều. Độ thấm thành mạch cao nhất là vùng tiểu não ở trẻ đẻ non do đó dễ bị xuất huyết não màng não. Albumin dịch não tuỷ cao hơn ở trẻ lớn.

Các giác quan khác:

– Xúc giác: đã phát triển tốt: sờ vào lưng trẻ thở sâu hơn, tiêm trẻ biết khóc, tuyến mồ hôi chưa phát triển.

– Thính giác: đã phát triển tốt nên trẻ hay giật mình khi có tiếng động.

– Khứu giác: có phản xạ hắt hơi khi có mùi hắc, dần trẻ phân biệt được mùi của mẹ.

– Vị giác: Trẻ đã phân biệt đươc vị ngọt ưa thích.

– Thị giác: là giác quan kém phát triển nhất: nhãn cầu to, thần kinh thị giác chưa phát triển. Tuyến nước mắt chưa phát triển, nên trẻ khóc chưa có nước mắt.

– Gan: gan bào thai là cơ quan tạo máu, sau sinh là cơ quan chuyển hoá nên chức năng dần hoàn chỉnh. Các men chuyển hoá chưa đầy đủ vì vậy trẻ dễ bị toan máu và hạ đường máu sớm.

– Thận: To hơn trẻ lớn. Thận giữ các chất điện giải, nên dễ có hiện tượng tăng K+, hạ Na+ máu, dễ toan máu do giữ H+. Thận thải nước tốt sau ngày thứ 3.

– Chuyển hoá các chất: tỷ lệ nước ở trẻ sơ sinh cao hơn người lớn do đó dễ bị mất nước hoặc ứ nước.

Fe, Ca, P đều được mẹ cung cấp cho thai nhi trong quá trình mang thai. Những trẻ đẻ non và nuôi nhân tạo cần cho thêm Fe sau tháng thứ nhất và Vitamin D2.

4. Những hiện tượng sinh lý thường gặp

Vàng da sinh lý:

– Thường xuất hiện sau ngày thứ 3, vàng da nhẹ, vàng da tăng từ từ không cần phải điều trị, hiện tượng này vàng da sẽ hết sau 7 đến 10 ngày.

Sụt cân sinh lý:

– Sụt cân dưới 10%.

– Không có hiện tượng bệnh lý khác như tiêu chảy, khó thở, nôn.

– Sụt cân trong tuần đầu sau đó cân nặng tăng dần.

– Nguyên nhân của sụt cân do mất nước vô hình hoặc hữu hình qua hơi thở và qua da.

– Trẻ chưa bú được nhiều.

– Do thải phân su và nước tiểu.

Biến động sinh dục:

– Sưng hai vú: xuất hiện ở cả trẻ trai lẫn trẻ gái, không có hiện tượng nóng đỏ đó là sữa non của tuyến vú, không được nặn, không được chích tự nó sẽ tiêu đi trong tuần thứ 2.

– Một số trẻ gái có hiện tượng có một vài giọt máu ở bộ phận sinh dục các nơi khác không có xuất huyết. Chỉ cần tiêm 1 mg vitamin K­1 , giữ vệ sinh sạch sẽ bộ phận sinh dục là được. Đó là do hiện tượng nội tiết của mẹ truyền sang con.

Bs Nguyễn Thị Hoa( BV Nhi TW)

Leave a Reply

Or