Con càng lớn, mẹ càng bất lực

Làm sao để có thể uốn nắn con đây? Nhiều lúc mẹ có cảm giác ba mẹ đã bất lực trước đứa con gái chớm lớn của mình.

Ảnh minh họa: Internet
Mới 14 tuổi nhưng đây đã là lần thứ ba con gái bỏ nhà ra đi. Mẹ hốt hoảng tìm hỏi thăm khắp bạn bè của con mà vẫn không biết con ở đâu. Ngôi nhà chỉ còn lại ba và mẹ, trống vắng. Ba trầm ngâm đốt thuốc.

Lần thứ nhất, giận vì ba không cho mặc chiếc quần Jeans đáy ngắn với áo thun lửng, con đạp xe sang nhà bà ngoại ở mấy ngày liền. Khi ngoại đưa về, con sợ bị phạt nên rụt rè đứng khóc ngoài ngõ, không dám bước vào nhà.

Lần thứ hai, cô chủ nhiệm muốn liên lạc với phụ huynh vì con học hành sa sút, lại thường xuyên trốn tiết môn hóa. Trường gửi giấy mời nhiều lần nhưng con giấu hết, đến nỗi cô giáo phải đích thân tìm đến tận nhà gặp mẹ. Khi cô về, quá tức giận nên mẹ mắng con. Con lập tức gom tập vở quần áo sang nhà đứa bạn thân rồi tắt cả điện thoại để ba mẹ không thể nào tìm ra. Ba phải nghỉ việc một ngày để “truy tìm” đứa con ương bướng.

Rút kinh nghiệm, ba mẹ không quở phạt con nữa, chỉ nhẹ nhàng khuyên bảo mỗi khi con phạm lỗi. Mẹ tự nhủ không bao giờ để con “đi bụi” thêm một lần, bởi mẹ rất sợ việc này thành thói quen, trong khi con gái mỗi ngày một lớn. Vậy mà “chuyến ra đi” thứ ba vẫn xảy ra. Ba mẹ vắng nhà mấy ngày, về nhà thấy chén bát dơ chất đống, nhà cửa lộn xộn đầy bụi bẩn. Ba trách con: “Con gái con đứa, không biết dọn dẹp là gì, chỉ biết ăn no rồi ôm điện thoại chát chít”. Con không nói gì, rút vào phòng suốt buổi chiều. Tối, con để lại một bức thư, đại khái trách ba mẹ không hiểu và không thương con, rồi bỏ đi.

Lần này, có lẽ “quyết tâm cao độ” nên con không ở nhà người quen. Bốn ngày trôi qua vẫn không liên lạc được với con, ba tuyệt vọng đến gần như suy sụp tinh thần. Qua bạn chung lớp, ba mẹ mới biết con có bạn trai. Lần theo “dấu vết” của cậu ta, ba cùng các chú tìm đến nhà trọ, nơi con và một đứa bạn gái nữa đang ở tạm. Cô bé kia cũng chán gia đình, nghe con rủ rê nên bỏ nhà ra đi. Khi mọi người gõ cửa, cậu bạn trai rất hung hăng, gọi cả băng nhóm cầm gậy gộc xúm lại để ngăn cản. Mẹ giật mình khi nhìn thấy họ, chỉ còn muốn khóc nấc lên và tự hỏi tại sao con gái lại có thể quen biết những người này.

Về nhà lúc nửa đêm, con mệt mỏi lăn ra ngủ. Sáng dậy, con xuống bếp ăn một mình. Lại vào phòng riêng, đóng kín cửa. Điện thoại đổ chuông, con tắt máy, không nghe. Con có biết lỗi, có hối hận vì những quyết định nông nổi? Mẹ và ba quyết định không trách hay nhắc bất cứ điều gì trong thời điểm này để tránh tổn thương con. Lặng lẽ theo dõi hành động của con gái, mẹ mừng mừng lo lo.

Mừng vì con không muốn liên lạc khi bạn gọi hỏi thăm “tình hình” và hơn hết là con đã an toàn trở về. Nếu muộn thêm chút nữa không biết hậu quả sẽ ra sao. Mẹ tưởng tượng cảnh hai đứa con gái non nớt sống gần đám thanh niên hung hãn kia mà lạnh cả sống lưng.

Nhưng chút niềm vui đó chẳng thể so sánh với nỗi lo canh cánh trong lòng mẹ. Làm sao để có thể uốn nắn con đây? Cương không được, nhu cũng không xong. Mẹ nơm nớp sợ lại có một ngày “ngựa quen đường cũ”. Nhiều lúc mẹ có cảm giác ba mẹ đã bất lực trước đứa con gái chớm lớn của mình.

 

 

theo: yeutretho

Leave a Reply

Or