Con 3 tuổi đã bị sỏi thận: Bác sĩ “vạch mặt” thói quen xấu cả trẻ nhỏ và người lớn đều mắc
Sỏi thận là bệnh lý phổ biến của người Việt. Tuy nhiên gần đây các bệnh viện và chuyên khoa tiết niệu ghi nhận những bệnh nhi nhỏ tuổi đã bị sỏi thận.
Nhiều trẻ nhỏ đã bị sỏi thận
Trường hợp của bé N.H.K 5 tuổi, Hà Nội, được gia đình đưa vào bệnh viện vì sốt, đi tiểu buốt. Mỗi lần đi tiểu bé K. thường rất sợ hãi và hay khóc nên bố mẹ đưa bệnh viện.
Tại đây, bé K. được bác sĩ khám và chẩn đoán sỏi tiết niệu, sỏi thận. Lúc này, bố mẹ bé tá hoả vì con còn quá nhỏ nhưng không hiểu sao đã mắc bệnh này. Tìm lại lịch sử ăn uống của bé, các bác sĩ phát hiện bé thích ăn thực phẩm đồ ăn nhanh, đồ ăn đóng hộp và lười uống nước. Mẹ cháu cho biết bé K. rất lười uống nước. Đây có thể là yếu tố kích thích tạo sỏi.
Ngoài ra, bố bé K. cũng từng bị sỏi thận và đã tán sỏi qua da. Các bác sĩ đã dùng thủ thuật lấy sỏi bằng rọ cho bé K.
TS.BS Đỗ Anh Toàn, khoa Phẫu thuật điều trị sỏi thận chuyên sâu, Bệnh viện Bình Dân TP.HCM cũng cho biết, thời gian gần đây bác sĩ gặp rất nhiều bệnh nhân nhỏ tuổi đã bị sỏi thận.
Bác sĩ Toàn cho biết mới đây nhất, các bác sĩ đã phải phẫu thuật lấy sỏi thận qua da bằng đường hầm siêu nhỏ cho bệnh nhi 3 tuổi, ngụ tại TP.HCM.
Trẻ nhỏ mắc sỏi thận ngày càng nhiều hơn.
Trước đó, bệnh nhi được chuyển đến Bệnh viện Bình Dân từ một bệnh viện nhi tại TP.HCM trong tình trạng sỏi kích thước 21×20 mm cùng 2 sỏi nhỏ ở thận trái. Người nhà cho biết bé thường đau hông lưng ở bên có sỏi thận, quấy khóc nhiều, ăn uống kém, thường sốt từng đợt.
Dù được theo dõi và điều trị bằng thuốc thường xuyên, các triệu chứng vẫn xuất hiện từng đợt và sỏi ngày càng lớn lên.
Theo bác sĩ Toàn, trường hợp sỏi gây biến chứng cần được điều trị triệt để, các bác sĩ quyết định thực hiện phẫu thuật nội soi qua đường hầm siêu nhỏ qua da vào thận, dưới hướng dẫn của máy X-quang C-arm, sử dụng máy tán sỏi laser.
Trước đó bệnh nhi V.G.L, 7 tuổi ở Cần Thơ cũng được gia đình đưa vào viện vì sỏi thận. Bé L. thường kêu đau buốt khi đi tiểu, sốt từng đợt. Năm ngoái bé đã đi khám được chẩn đoán sỏi thận. Bác sĩ cho sử dụng thuốc nhưng không có tác dụng nên bé L. phải phẫu thuật lấy sỏi thận.
Vì sao hình thành sỏi thận?
Bác sĩ chuyên khoa II Nguyễn Quang Cừ – Bệnh viện Đa khoa An Việtcho biết nhiều người quan niệm chỉ có người lớn mới mắc sỏi thận vì bệnh thường xuất hiện ở độ tuổi 35-60 tuổi. Bác sĩ Cừ chia sẻ, có những bệnh nhi chỉ 5 đến 10 tuổi nhưng đã có tiền sử điều trị sỏi thận lâu dài.
Theo bác sĩ Cừ, sỏi thận (lithiasis) hình thành bên trong thận. Sỏi thận được hình thành từ muối khoáng và axit.
Có nhiều nguyên nhân dẫn đến sỏi thận. Sỏi thận hình thành khi các thành phần của nước tiểu – khoáng sản và các chất lỏng và axit – đang mất cân bằng. Khi điều này xảy ra, nước tiểu có chứa nhiều chất tạo thành tinh thể, chẳng hạn như canxi, oxalat và acid uric, so với các chất lỏng có thể pha loãng.
Ngày nay, thủ phạm gây sỏi thận cho trẻ có thể là do trẻ em ăn nhiều thức ăn nhanh chứa nhiều muối, ít uống nước, ít vận động nhất là những trẻ có sẵn các bệnh lý rối loạn chuyển hóa.
BS Cừ tư vấn cho bệnh nhân.
Một số trường hợp trẻ thường bị nhiễm trùng đường tiểu, có bất thường những chỗ hẹp tự nhiên của đường tiết niệu hẹp khúc nối bể thận – niệu quản, hẹp khúc nối bàng quang – niệu quản cũng là điều kiện thuận lợi để tạo sỏi.
Bác sĩ Cừ cho biết thêm, nguyên nhân gây sỏi thận ở trẻ nhỏ làdo các bệnh gây rối loạn chuyển hóa như: rối loạn enzyme, hội chứng ống thận (sỏi calci-phosphat, sỏi cystinuria),…
Theo khuyến cáo của bác sĩ Cừ, dấu hiệu nhận biết trẻ nhỏ bị sỏi thận thường có biểu hiện quấy khóc, tiểu gắt buốt, sốt lạnh run, chậm tăng cân.
Trong một số trường hợp, bệnh nhi không có triệu chứng đau nhưng được phát hiện sỏi thận tình cờ qua siêu âm bụng khi khám sức khỏe.
Chính vì vậy, bác sĩ khuyến cáo trẻ nhỏ cũng cần thường xuyên được thăm khám sức khoẻ để có biện phòng phát hiện sớm các bệnh lý đường tiết niệu.